Bữa cơm cộng cảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.

Khi một người mất đi thì những người thân trong gia đình tiến hành tẩm liệm và phủ kín quan tài bằng chăn thổ cẩm, đặt thi hài ở gian cuối nhà, sát góc, đầu đặt hướng về phía Đông. Sau đó, họ chuẩn bị thức ăn để cúng. Mâm cúng gồm 1 bát cơm, 1 bát gạo và 1 quả trứng gà luộc bóc vỏ.

Người Jrai quan niệm, chỉ có thể xác chết đi, còn hồn thì vẫn sống, cũng biết đói nên phải tiếp thức ăn cho họ. Tôi đã từng chứng kiến trước khi đóng nắp quan tài, người thân trong gia đình bón cơm vào miệng người đã khuất nhiều lần.

Những người đàn ông phụ trách việc mổ thịt bò để chuẩn bị bữa cơm cộng cảm. Ảnh: M.H

Những người đàn ông phụ trách việc mổ thịt bò để chuẩn bị bữa cơm cộng cảm. Ảnh: M.H

Mỗi khi trong làng có người chết, bà con đến viếng rất đông. Đây là lúc người Jrai thể hiện tình cảm cộng đồng. Họ mang theo tiền, vài lon gạo đóng góp vào bữa ăn chung. Tiền được bỏ vào một cái hũ nhựa có nắp cho gia chủ. Còn gạo thì đưa trực tiếp cho đội ngũ nấu ăn bên cạnh nhà sàn.

Theo lời kể của chủ nhà có người thân qua đời, từ khi tổ chức đám hiếu đến khi xây xong mộ, gia đình tổ chức bữa ăn cộng cảm 3-4 lần. Số bò được làm thịt có khi đến chục con. Nếu gia đình không đủ tài chính thì được dòng họ giúp đỡ bằng cách cho mượn bò để mời dân làng, khi nào có thì trả lại. Đó cũng là cách làm hay thể hiện sự tương trợ của người Jrai.

Bữa cơm cộng cảm do những người phụ nữ trong làng tập trung nấu giúp gia chủ. Họ nấu 5-6 nồi cơm lớn cho hàng trăm người ăn cùng một lúc. Cơm nấu chín được dỡ vào những chiếc bao tải trắng sạch sẽ, loại dùng để đựng gạo. Cơm màu trắng hoặc trắng ngà, có khi khô khi dẻo vì được nấu từ những loại gạo khác nhau, chứa đầy tình cảm cộng đồng.

Gia chủ của người đã khuất mà tôi đến chia buồn tương đối khá giả. Gia chủ làm thịt 3 con bò để làm thức ăn mời dân làng. Những người mổ bò thường là đàn ông trung niên trong làng. Đùi, thăn thì dùng nướng hoặc hấp. Xương, đầu, chân hầm với đu đủ làm canh. Nội tạng bò thì làm món cà xóc...

Bữa cơm cộng cảm được ăn ở nghĩa địa để tiễn biệt người đã khuất. Sau khi chôn cất xong, những người trong gia đình và họ hàng ăn ở đầu mộ, sau đó mới mời người đến viếng dùng cơm. Trai gái trong làng phụ trách việc bưng cơm và thức ăn mời mọi người.

Từ khi người thân qua đời đến lúc xây xong mộ, gia đình tổ chức cúng nhiều lần. Ngày xây xong mộ, họ cúng rất lớn. Nhiều con bò được giết thịt, bà con gần xa đến rất đông. Mộ người chết được xây kiên cố, lát đá hoa, có mái che, có ảnh thờ. Người Jrai quan niệm ăn gì cúng nấy. Chốc chốc, người nhà lại rót thêm rượu ghè, thêm thịt vào phần tô, dĩa để đồ cúng.

Bà con dân làng ngồi xung quanh ngôi mộ hoặc dưới những bóng cây to gần đấy, cùng nhau ăn uống. Ăn no, uống say thì họ bắt đầu tấu cồng chiêng và nối vòng xoang. Không kể già trẻ, gái trai, tất cả đều bước ra nối dài vòng xoang đoàn kết.

Bữa cơm cộng cảm thể hiện nếp sống tâm linh của người Jrai, góp phần kết nối cộng đồng cùng chia sẻ, động viên nhau vượt qua buồn đau của cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt lại náo nức với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, nét đẹp tặng chữ đầu xuân đã trở thành một truyền thống hiếu học của dân tộc và mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho năm mới.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.