Bóng hình của ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngọn gió bấc hun hút tràn về. Ở quê nhà, hẳn là đất trời đã khoác lên màn sương lạnh chùng chình trắng xóa. Tôi hình dung dáng ngoại ngồi trên bậu cửa chải tóc. Thể nào cũng có vài sợi tóc rụng vướng vào chiếc lược gỗ, bàn tay nhăn nheo của ngoại gỡ từng sợi vo tròn rồi nhẹ nhàng giắt lên mái hiên. Làn tóc bạc màu cứ thưa dần như hàng cây rụng lá vàng xao xác trước ngõ. Chiều nay, mưa bụi vấn vương giữa phố vắng thưa người, lòng tôi giăng kín nỗi nhớ ngoại khôn nguôi.
Nhớ về ngoại, lại bùi ngùi thương căn nhà nhỏ của người. Ở nơi đó, dù nắng hay mưa khi nào cũng khiến lòng tôi ấm áp, thời gian trôi qua nhẹ tênh và thong thả, lưu giữ bao dấu tích của ấu thơ êm đềm. Lần nào được về với ngoại, tôi cũng dùng dằng muốn ở lại thật lâu, chỉ để vừa được nghe ngoại kể những câu chuyện xửa xưa, vừa mân mê từng món đồ phủ màu năm tháng. Thương đứa cháu nhỏ lâu ngày mới được về thăm ngoại, bao giờ người cũng dặn dò tôi thật kỹ, bàn tay lốm đốm vết đồi mồi dịu dàng nắm lấy tay tôi… Trong mắt ngoại, tôi vẫn mãi là đứa cháu bé bỏng cần được yêu thương, che chở. Cũng bởi thế mà dù có ngược xuôi rong ruổi nơi đâu, lòng tôi chưa bao giờ quên đường về với ngoại.
Tôi nhớ tất thảy những gì thân thuộc từng ngày gắn bó với ngoại. Là gốc mận già lặng thầm tỏa bóng mát, những sớm mai trong trẻo ngoại lom khom quét lá khô rụng đầy sau trận gió đêm trước. Là cái chum lọc nước đã lên rêu, chắt chiu dòng nước ngọt lành để ngoại pha trà sớm, hương trà thơm nền nã, chân phương. Là cánh võng mắc ở gian nhà trên, cạnh ô cửa sổ nhìn ra khoảng sân xanh mướt, mà mỗi lần tôi đặt lưng lên võng lại thoang thoảng mùi dầu gió của ngoại. Là góc bếp nhỏ được ngoại sắp xếp ngăn nắp, sớm chiều bềnh bồng làn khói êm ả như ru... Trong khung cảnh ấy, ngoại tựa bà tiên độ lượng giữa bao la miền cổ tích. Tôi về lại hiên nhà thăng trầm mưa nắng, ngỡ như vừa mới đây thôi mình vẫn còn bé nhỏ, vui sướng đón lấy những bánh trái mà ngoại để dành cho.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Đôi lần giữa những chộn rộn phố phường, khi chợt bắt gặp bóng dáng một cụ bà ngồi trầm tư trước bậc thềm, tôi lại nghĩ về ngoại với tất cả tình thương. Có lẽ khi đã ở quãng cuối cuộc đời, những người già đều giống nhau ở sự cô đơn cất giấu trong thẳm sâu đáy lòng. Giờ này, ngoại có thể đang ngồi yên lặng, ánh mắt xa xăm nhìn ra khung cửa sổ, như những buổi chiều nào đó lặng thinh bên cánh võng, dõi theo đứa cháu vừa bước chân đi.
Và tôi, trên những chặng đường đời, trong xa xôi, vẫn thường tự hỏi: Gió đông về, những sớm tinh mơ ngoại có còn lụi cụi nhóm lửa đun nước? Những khuya trở lạnh, ngoại có cời bếp cho lửa đượm lên để bớt đi buốt giá, có lặng lẽ bật chiếc radio rè rè nghe chương trình tin tức, cải lương? Mùa đông nơi phương xa sẽ chẳng còn lạnh nữa khi tôi nghĩ về ngoại và biết rằng ngoại vẫn đợi tôi về giữa khoảng trời ăm ắp yêu thương.
TRẦN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Quốc Nguyễn

Quảng bá “sức mạnh mềm” từ hoạt động đối ngoại văn hóa

(GLO)- Những ngày gần đây, hình ảnh truyền cảm hứng nhất được lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang-Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (chuyên về lĩnh vực công nghệ) cùng dạo phố cổ và thưởng thức nem chua rán, uống bia.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.