Bông bí miền quê...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong tâm khảm của mỗi người xa quê có lẽ đều ẩn chứa một khu vườn, đong đưa những khóm hoa đồng nội tỏa hương vào giấc mơ.

Trên ban công gác trọ sáng nay có vài bông bí mới nở, chỉ thế thôi cũng đủ làm tôi tần ngần nhớ dáng mẹ lặng thầm. Những bông bí màu vàng cam chất phác, vẽ lên trong tim miền quê nhỏ êm đềm, mà tâm trí luôn đau đáu một nỗi nhớ mênh mông.

Chỉ cần ta có lòng, góc phố thân thuộc cũng trở nên đằm thắm một nét quê. Những bông bí vàng giữa ban công mướt xanh rau trái - góc nhỏ ấy như niềm ủi an, thỏa thuê nỗi nhớ quê nhà. Có những người gốc gác nhà quê, những đứa con sinh ra bên rạ rơm ngược xuôi vào phố, đã trọn lòng chắt chiu, vun vén một khoảng xanh khiêm nhường mang dáng dấp cố hương. Lòng luôn canh cánh nỗi niềm quê xa mà nương vào bông bí, liếp cải, bụi ớt để được mang theo một góc quê bên mình.

Ngắt vài bông bí thả vào nồi rau luộc, bữa cơm có bát rau xanh điểm vàng bông bí làm tôi cồn cào bao dư vị thuộc về mẹ, đã ngấm sâu vào tôi không lẫn vào đâu, chẳng thể phai nhòa. Nỗi nhớ dắt tôi về bên gian bếp ấm có những đọt bí non, những bông bí vàng mẹ xào với tỏi còn hôi hổi nóng, thoảng thơm mùi khói củi. Nhớ vị đậm đà, ngọt nước của nồi canh bông bí đỏ, rau tập tàng mẹ nấu chung với mớ tép đồng cha cất vó. Hay giản đơn chỉ là đĩa bông bí luộc chấm cùng chén mắm cà vào một chiều mưa dầm cũng đủ làm lòng xốn xang…

Ngày bé, ríu rít bên mẹ như một chú gà con, tôi biết rằng những bông bí vàng cũng có hoa "đực", hoa "cái". Nối liền với cuống hoa cái là bầu nhụy sau này lớn thành trái bí, mẹ hái nấu canh. Mùa gió nồm là mùa những cây bí trong vườn đậu nhiều quả nhất, từng trái bí non lớn dần dưới bàn tay sớm chiều nâng niu, chăm chút của mẹ. Và như thế, bức họa thơ ấu được tô thêm những vệt vàng hoa bí từ những món ăn đượm vị ký ức của mẹ, từ mảnh vườn yêu dấu đã chắp thêm cho tôi đôi cánh mộng mơ. Dáng hình của bông bí hệt như chiếc chuông nhỏ leng keng gọi tôi về những triền xanh nõn nà hoa cỏ, những khóm chuối, dậu rau non mướt và rót vào tâm hồn tiếng chim vườn cũ biết hót lời nhớ thương.

"Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi" (thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh). Cảm ơn những bông bí thấm đẫm hồn quê đã sưởi ấm trái tim tha hương, mang về cơn gió dịu êm thổi qua ngày tất bật. Cảm ơn từng ngọn cây, cọng cỏ đã dung dưỡng tâm hồn biết lắng nghe lời thì thầm hoa lá, biết bao dung với cuộc đời tựa gác trọ trần gian. Bông bí nở thắm hồn tôi, tỏa mùi hương của yêu thương sâu đậm, vàng như ánh trăng soi sáng lòng mẹ vỗ về…

Theo Trần Văn Thiên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

Thơ Đào An Duyên: Đêm sang mùa

(GLO)- Bài thơ "Đêm sang mùa" của Đào An Duyên là một bức tranh thơ mộng về những khoảnh khắc chuyển giao, khi đêm và mùa giao thoa, khi không gian và thời gian hòa quyện vào nhau, tạo nên một cảm giác lạ kỳ, huyền bí...

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

“Tổ quốc bên bờ sóng”

“Tổ quốc bên bờ sóng”

(GLO)- Đó là chủ đề cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

Tạ Chí Tào và tác phẩm mới dâng lên Bác Hồ

(GLO)- Nhà giáo Tạ Chí Tào (trú tại huyện Chư Sê) mang trọng bệnh đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ chịu ngừng nghỉ. Anh vẫn đều đặn sáng tác văn học, nghiên cứu lịch sử. Đến nay, anh đã có gần 10 đầu sách, chính xác là 9 tập đã phát hành, còn 1 cuốn nghiên cứu lịch sử đang có kế hoạch xuất bản.

Báo Gia Lai: Phụng sự và kiến tạo

Báo Gia Lai phụng sự và kiến tạo

(GLO)- Qua 78 năm xây dựng và trưởng thành (16/3/1947-16/3/2025), Báo Gia Lai xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong xu thế hiện nay, Báo Gia Lai chú trọng phát huy vai trò kiến tạo nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.