Hương vị quê hương: Mắm cá quê nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quê tôi ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi, bóng tà dương gác non đoài tạo nên khung cảnh lung linh, huyền ảo. Miền quê nằm bên biển rộng, lắm sông dài, cá tôm phong phú.
Món cá chuồn muối đậm đà.
Món cá chuồn muối đậm đà.
Hai cảng cá Sa Huỳnh và Mỹ Á rộn ràng tiếng nói cười ngã giá khi thuyền về bến cá đầy khoang. Nơi đây có đồng ruộng hàng trăm héc ta làm ra những hạt "muối Sa Huỳnh mặn mà tha thiết".
Thuở giao thương chưa phát triển, hải sản đánh bắt từ biển được đưa đến những phiên chợ quê. Cá ăn không hết được cư dân trong vùng phơi khô, muối mắm dành cho những ngày biển dậy sóng, thuyền ngại ra khơi. Giữa chợ nhộn nhịp, ngoại chọn mua những con cá nục tươi rói, lớn chừng ngón chân cái vừa được rửa sạch qua nước biển. Cá mang về trộn với muối theo tỷ lệ "ba cá, một muối" rồi cho vào lu sành đậy kín nắp. Hơn 6 tháng trong lu, thịt cá chín tỏa hương thơm nồng khi mở nắp. Ngoại dùng chiếc vỉ đan bằng nan tre và viên đá nặng rửa sạch, chặn bên trên cá muối.
Sau vài ngày, trên những lớp cá và muối là nước mắm trong màu hổ phách. Nhẹ nhàng dùng muỗng múc mắm ra chén pha với chanh, đường, ớt và tỏi băm nhỏ là có món nước chấm tuyệt hảo. Đến bữa, ngoại gắp vài con cá nục muối cho vào tô và rắc thêm ít tiêu xay nhuyễn. Tiếp đến, đặt tô vào nồi cơm vừa cạn nước rồi đậy kín nắp. Hơi nóng trong nồi khiến thịt cá mềm mại. Hương mắm thơm phức khi mở nắp nồi. Cá muối mặn mòi, vị ngọt hậu cho cơm gạo thêm dẻo thơm, ngọt lành. Vị cay của tiêu làm nóng ấm cơ thể, vơi đi giá lạnh ngày đông.
Thuở trước, phụ nữ miền biển muối mắm rồi gánh rong ruổi trên khắp nẻo đường quê đổi lúa hay khoai lang xắt mỏng phơi khô. Hai thùng mắm cùng quang gánh kĩu kịt trên vai theo nhịp bước. Tiếng rao lảnh lót: "Ai đổi mắm không...?". Con trẻ chạy ra gọi người gánh mắm vào nhà. Thùng mắm qua tay vào lu sành, vài thùng lúa hay khoai lang khô trao lại nên gánh không hết đành gửi gia chủ để hôm khác đến lấy.
Lắm lúc đường xa, người đổi mắm nghỉ qua đêm tại nhà của một gia đình hiếu khách. Dần dà, tình cảm của họ thêm gắn bó, là sợi dây kết nối tình cảm giữa đôi miền xuôi - ngược. Có lẽ vì thế nên mắm thêm mặn mà, khoai lang thêm ngọt ngào và lúa gạo dẻo thơm hơn.
Giờ ngoại tôi đã về với tổ tiên. Đường quê vắng bóng những người phụ nữ gánh mắm đổi lúa hay khoai lang khô như thuở trước. Nhưng may mắn là cá muối vẫn còn hiện diện ở chợ quê. Bữa cơm vẫn còn hương vị đậm đà, gợi nhớ ngày xa.
Trang Thy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.