Bộ Y tế ban hành hướng dẫn dùng thuốc Remdesivir chữa Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ Y tế hướng dẫn, các bệnh viện chỉ được sử dụng thuốc Remdesivir chữa Covid-19 sau khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.
(Ảnh minh họa)
Ảnh minh họa
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các đơn vị được phân bổ, sử dụng thuốc Remdesivir trong điều trị Covid-19 hướng dẫn triển khai sử dụng thuốc Remdesivir.
Theo đó, các bệnh viện phải thông báo với bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân các thông tin về việc thuốc được cấp phép nhập khẩu. Chỉ được sử dụng thuốc sau khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.
Thực hiện theo dõi, đánh giá hiệu quả điều trị và an toàn của thuốc, báo cáo các thông tin gồm: Số lượng thuốc đã sử dụng, hiệu quả điều trị, độ an toàn của thuốc Remdesivir gửi về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Dược) vào ngày 30 hàng tháng để tổng hợp và đề xuất Bộ Y tế bổ sung hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19. Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khẩn trương triển khai thực hiện và tổng hợp báo cáo Bộ Y tế.
Theo hướng dẫn tạm thời sử dụng thuốc Remdesivir 100mg (5mg/ml) theo hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA Hoa Kỳ), Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), thuốc Remdesivir chỉ định dùng cho người bệnh Covid-19 điều trị nội trú tại bệnh viện có suy hô hấp phải thở ô-xy, thở HFNC, hoặc thở máy không xâm nhập.
Thuốc sử dụng trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh và nên phối hợp với Dexamethasone.
Thuốc này ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, béo phì (BMI >25).
Bộ Y tế lưu ý không bắt đầu sử dụng thuốc cho người bệnh Covid-19 cần thở máy xâm nhập, ECMO.
Riêng đối với các trường hợp được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ, thuốc này chống chỉ định với trường hợp phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần của thuốc; Suy chức năng thận eGFR < 30mL/phút; Tăng enzyme gan ALT > 5 lần giá trị giới hạn trên; Suy chức năng đa cơ quan nặng.
Bộ Y tế lưu ý thuốc này thận trọng sử dụng với phụ nữ có thai và cho con bú, chưa có dữ liệu đầy đủ nên không khuyến cáo trừ trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ.
Người suy giảm chức năng thận cũng chưa có dữ liệu đánh giá, nhưng với eGFR ≥ 30 mL/phút, không cần chỉnh liều. Xét nghiệm enzyme gan ALT và thời gian prothrombin (PT) trước khi chỉ định. Đặc biệt, không truyền Remdesivir cùng lúc với các thuốc khác.
Thuốc này có các tác dụng không mong muốn như: Có các phản ứng do quá mẫn như tụt huyết áp, buồn nôn, nôn, chảy mồ hôi, rùng mình. Nên lựa chọn truyền chậm trong 120 phút để hạn chế tác dụng không mong muốn…
Trước đó, ngày 2/8, dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Tập đoàn Vingroup đã đàm phán thành công đơn hàng gồm 500.000 lọ thuốc Remdesivir.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Remdesivir là thuốc mới, liều dùng cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong quá trình điều trị, các cơ sở y tế cũng cần theo dõi chặt chẽ về hiệu quả của thuốc. Việc sử dụng thuốc cho người bệnh phải được bác sĩ chỉ định.
Tính đến tối 12/8, tổng cộng 40.000 lọ thuốc điều trị Covid-19 Remdesivir đã về tới Việt Nam. Trong đó, 10.000 lọ được chuyển vào TP Hồ Chí Minh để điều trị các F0 nặng ở 10 bệnh viện.
THU PHẠM (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.