Bộ Xây dựng: Gần như không có chung cư giá dưới 25 triệu đồng/m2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trên thị trường, phân khúc căn hộ chung cư có mức giá bán dưới 25 triệu đồng/m2 gần như không có giao dịch và không có sản phẩm để bán.

Bộ Xây dựng cho biết trên thị trường gần như không có chung cư dưới 25 triệu đồng/m2. Ảnh: Văn Duẩn
Bộ Xây dựng cho biết trên thị trường gần như không có chung cư dưới 25 triệu đồng/m2. Ảnh: Văn Duẩn

Ngày 30-10, trong báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III-2024, Bộ Xây dựng cho biết theo khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới đã tăng khoảng 4-6% theo quý và 22-25% theo năm.

Việc tăng giá bất động sản trong thời gian qua, theo Bộ Xây dựng có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần lớn do tác động bởi một số yếu tố như biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai, đặc biệt tại một số địa phương; sản phẩm nhà ở giá bình dân không đủ nguồn cung cho nhu cầu của thị trường. Điều này đã kéo giá bán chung cư tăng lên, đặc biệt có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Vẫn theo Bộ Xây dựng, trên thị trường phân khúc căn hộ chung cư bình dân (có mức giá bán dưới 25 triệu đồng/m2) gần như không có giao dịch và sản phẩm để bán. Căn hộ chung cư trung cấp (có mức giá khoảng 25 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2) vẫn chiếm tỉ trọng cao về giao dịch và nguồn cung trên thị trường.

Qua tổng hợp cho thấy giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Qua phân tích cho thấy có nhiều nguyên nhân tác động làm tăng giá bất động sản nhà ở, trong đó có nguyên nhân do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới.

Đặc biệt, tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.

Có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời.

Việc đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động làm tăng mặt bằng giá đất, giá bất động sản, giá nhà ở của khu vực lân cận và của địa phương; đồng thời làm tăng chi phí triển khai thực hiện dự án nhà ở, gây khó khăn cho doanh nghiệp, giảm nguồn cung cho thị trường, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Hiện tượng "tạo giá ảo", "thổi giá" của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi.

Cùng với đó, thiếu nguồn cung bất động sản, nhà ở để đáp ứng nhu cầu đại bộ phận người dân, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM.

Bộ Xây dựng kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản tại địa phương; kiểm soát việc mua đi, bán lại các bất động sản trao tay nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.

Theo Văn Duẩn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

'Ngấm' bảng giá đất mới

'Ngấm' bảng giá đất mới

Gần nửa năm sau khi bảng giá đất mới có hiệu lực, nỗi lo về tác động của giá đất tăng kéo theo tiền sử dụng đất tăng đã trở thành hiện thực. Tại TP.HCM, hàng trăm người đã phải rút hồ sơ vì tiền chuyển mục đích sử dụng đất vượt quá khả năng tài chính của họ.

Chủ động phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông dịp lễ

Chủ động phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông dịp lễ

(GLO)- Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày, dự báo nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng và đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chủ động triển khai các phương án, bố trí nhân sự và phương tiện nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ.

Mệnh lệnh vì sự phát triển

Mệnh lệnh vì sự phát triển

8 lần tới công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thị sát, kiểm tra, động viên và trong lần cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra thời hạn về đích cụ thể cho tuyến cao tốc này là ngày 19.12 tới.