Đây thường là những sản phẩm thời trang hoặc phụ kiện trang trí số lượng có hạn, làm thủ công. Khi đăng tải trên các sàn thương mại điện tử, người bán chỉ mô tả là “chiếc hộp bí ẩn”, giao hàng ngẫu nhiên và sản phẩm bên trong có thể là: ví, nước hoa, art toy (đồ trang trí nghệ thuật)... Một phiên bản art toy số lượng không quá 10 cái, nhưng có đến hơn 100 “hộp bí ẩn” tung ra trong mỗi đợt khuyến mãi, và người mua “thuận duyên” thì nhận được sản phẩm ưng ý, mua càng nhiều khả năng săn đúng hàng càng cao.
Thích sưu tầm phụ kiện art toy, Hồ Nhựt Minh (24 tuổi, nhân viên ngân hàng, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) không ngại chốt đơn 5 “hộp bí ẩn” để tìm bằng được mô hình đồ chơi con báo đen của cửa hàng C.H. Nhựt Minh kể: “Bộ sưu tập con báo có 10 màu, tôi tìm được 2 màu rồi, nên săn thêm 1 màu nữa, đủ 3 con thôi là dàn đồ chơi của mình có giá liền. Nhưng do là sản phẩm giới hạn, làm thủ công có 10 con và họ bán ngẫu nhiên, nên chốt đơn 5 hay 10 cái hộp bí ẩn cũng hên xui thôi, ai mà biết đợt này họ tung ra bao nhiêu hộp và hộp con báo nằm trong khung giờ nào. Mua hàng kiểu tò mò này kích thích người ta cứ chốt đơn hoài là vậy đó”.
Mất kha khá tiền để săn những “chiếc hộp bí ẩn”, Huỳnh Đan Mẫn (25 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Có chiếc hộp tôi mua gần 700.000 đồng nhưng bên trong chỉ là sản phẩm ví đựng tiền may bằng vải canvas có giá 549.000 đồng. Nhưng lỗ là điều bình thường thôi, vì được giao ngẫu nhiên mà, nếu hên thì là sản phẩm có giá cao gấp đôi giá mua”.
Bên cạnh xu hướng bỏ tiền mua sự tò mò, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cũng cảnh báo thêm rủi ro trong mùa mua sắm cuối năm trên các sàn thương mại trực tuyến. Anh Lê Tuấn (36 tuổi, kỹ sư lập trình, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) phân tích: “Một hình thức lừa mới bây giờ là mua hàng qua các sàn thương mại điện tử nhưng không thanh toán trực tuyến hay COD (nhận hàng mới trả tiền) như thông thường mà thanh toán qua tài khoản cho một bên thứ 3 với mức % hoàn tiền cao. Ví dụ đơn hàng 2.000.000 đồng, nếu bị hủy sẽ được hoàn 2.100.000 đồng. Một số đơn đầu, họ sẽ hoàn tiền đầy đủ để lôi kéo người mua. Nhưng khi tiền chuyển lên cao, đến hàng trăm triệu đồng thì họ sẽ chiếm đoạt toàn bộ tiền, không giao hàng, thông báo lỗi hệ thống rồi cắt đứt liên lạc”.
Mùa mua sắm cuối năm, bạn trẻ cần cẩn trọng với những chiêu trò bán hàng!