Bộ sưu tập “âm thanh cổ” độc nhất vô nhị ở phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) gây dựng cơ nghiệp từ nghề sửa chữa điện tử. Cũng từ đó, ông có điều kiện sưu tập và sở hữu kho máy hát, loa cổ, đĩa cổ… đồ sộ khiến không ít người bất ngờ và khâm phục.

Gây dựng cơ nghiệp

Ông Lê Đình Quốc sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Từ nhỏ, ông Quốc đã không có sự chăm sóc của cha và thường lóc cóc theo mẹ đi làm ăn khắp xứ. Rồi mẹ đi lấy chồng và có gia đình mới. 16 tuổi, cậu thanh niên có dáng người nhỏ bé lặn lội lên Tây Nguyên lập nghiệp.

Với 2 bàn tay trắng, ông Quốc phải bươn chải đủ nghề để sinh sống, từ bán bánh mì, bán kem đến đánh giày… Hầu hết các tuyến đường ở Gia Lai, Kon Tum đều in dấu chân ông. Chăm chỉ làm lụng sớm hôm, riết rồi ông Quốc cũng có chút vốn lận lưng.

Tại Kon Tum, ông có quen với một thợ sửa radio, cassette. Ông nghĩ mình nên có một cái nghề ổn định thay vì ngày ngày rong ruổi khắp các thôn cùng ngõ hẻm. Vậy nên, ông quyết tâm theo người thợ này để học nghề. Một thời gian sau, khi đã ít nhiều hiểu biết về nghề, ông Quốc hùn vốn mở cửa hàng sửa chữa đồ điện tử tại Kon Tum.

Vốn ham học hỏi, càng ngày ông càng thấy kiến thức của mình hạn hẹp. Những hiểu biết và thủ thuật sửa chữa mà ông học được từ trước thực ra rất sơ sài. Bởi vậy, ông Quốc mang theo ít vốn liếng khăn gói vào Sài Gòn “tầm sư” để nâng cao tay nghề. Tại đây, ông Quốc may mắn xin được vào học tại xưởng sửa chữa lớn. Vì đã có tay nghề từ trước, ông Quốc được học bằng trưởng xưởng-một chứng chỉ khá cao trong nghề.

Ông tá túc ở khu ổ chuột dột nát khu vực Cầu Bông bắc qua kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Lắm hôm, ông đến xưởng với cái bụng đói nhưng vẫn miệt mài học hỏi những người thầy lành nghề giỏi giang.

Sau hơn nửa năm “tầm sư học đạo”, ông Quốc trở về Kon Tum hành nghề, sau đó chuyển về Gia Lai thuê mặt bằng mở tiệm. Cạn vốn liếng, có lúc tưởng chừng ông không thể bám trụ được với nghề. Song, dẫu có thế nào ông vẫn không nản chí. Cứ thế, công việc dần khá lên.

Bắt đầu là khi người hàng xóm cho 2 chiếc ti vi đã hỏng, ông mày mò tìm hiểu nhiều ngày để cuối cùng sửa được cả 2, đánh bóng như mới và bán lại kiếm lời. Vừa sửa vừa mua đi bán lại các thiết bị điện tử, cửa hàng của ông Quốc mỗi ngày một “ăn nên làm ra”. Cũng với tay nghề sửa chữa điện tử mà ông “lấy lòng” được cha vợ.

Năm 1974, vợ chồng ông mua lại căn nhà ở 63 Hoàng Văn Thụ (thị xã Pleiku) mở cửa tiệm mang tên Đại Vinh chuyên sửa chữa, mua bán các thiết bị điện tử. Nhờ tay nghề thành thạo cùng sự nhạy bén trong kinh doanh, Đại Vinh là một trong những tiệm điện tử lớn nhất thời bấy giờ. Cùng với những cửa hàng như Đại Thành, Thanh Tùng, Đức Ngọc… Đại Vinh trở thành một phần ký ức của người dân phố núi Pleiku trong hàng chục năm sau giải phóng.

Đến năm 1998, ông Quốc dừng hoạt động ở mảng điện tử để tập trung vào kinh doanh xe đạp, du lịch, nông nghiệp… Với gần 30 năm trong nghề và trải qua nhiều thế hệ của máy móc điện tử, hiện nay, ông Quốc vẫn đang giữ vai trò cố vấn của Hội Điện tử Gia Lai với khoảng hơn 100 thành viên.

Kho tàng “âm thanh cổ”

Dù không theo nghề song mỗi khi nghe lại những bài nhạc cũ, trong lòng ông Quốc lại sống dậy hoài niệm về một thời đã xa. Năm 2015, ông nảy sinh ý tưởng sưu tập những thiết bị âm thanh cổ để thỏa lòng mong ước. Ông đều tìm cách sưu tầm những thiết bị nổi tiếng một thời như: Akai, Sharp, Sony, Toshiba, Panasonic, National… có tuổi đời hơn nửa thế kỷ.

2vn.jpg
Ông Quốc nâng niu những kỷ vật của thời gian đã qua hơn nửa thế kỷ. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Quốc chia sẻ: “Khi còn làm thợ, tôi thường xuyên sửa những bộ máy hát, những chiếc loa xa xỉ mà cả đời mình cũng không mua nổi. Khi ấy, chỉ giới nhà giàu mới chơi bởi nó có giá 8-10 cây vàng.

Ở một giác độ nào đó, nó thể hiện cho đẳng cấp của giới thượng lưu ngày đó. Đặc biệt là những chiếc máy nghe nhạc băng cối nhãn hiệu Akai của Nhật Bản, mẫu mã đẹp, âm thanh chân thực, mộc mạc, không qua xử lý để tôn lên chất giọng của ca sĩ mà các thiết bị hiện đại sau này không thể có được”.

Lặn lội từ Nam ra Bắc, khi hay tin ở đâu có dòng máy hát, loa, đĩa… yêu thích là ông Quốc lại tìm đến. Đặc biệt, qua sàn thương mại điện tử eBay, ông mua được những món đồ điện tử ngay tại Nhật Bản với phiên bản giới hạn có tuổi đời lên đến 80 năm.

Hiện bộ sưu tập của ông có khoảng hơn 100 máy hát, loa, âm ly các loại. Tất cả đều hoạt động tốt. Trong căn nhà bề thế của mình nằm trên đường Vạn Kiếp, ông Quốc trưng bày bộ máy hát ở vị trí trang trọng nhất của phòng khách. Cùng với đó, ông dành không gian rộng lớn làm những chiếc kệ cho bộ sưu tập đồ sộ khiến ai nấy đều không khỏi choáng ngợp.

Sau khi nhẹ lau những chiếc máy, ông Quốc bật một số máy hát cho chúng tôi thưởng thức âm thanh mang đậm dấu ấn thời gian. Ông thao tác thuần thục và nhanh nhẹn từng phím bấm, chiếc loa, núm vặn điều chỉnh âm thanh được bố trí gắn kết với nhau một cách rất cẩn thận, khoa học mà chỉ có người lành nghề mới thiết kế được.

“Có những chiếc máy, chiếc loa bằng tuổi tôi nhưng vẫn hoạt động rất tốt. Loa cũ song rất bền, âm thanh thì miễn chê. Mỗi khi những bản nhạc của Thanh Thúy, Thái Thanh, Khánh Ly… vang lên là ký ức của một thời lại ùa về. Nó đại diện cho cái thời khởi đầu của đồ điện tử “đổ bộ” vào Việt Nam. Với riêng tôi, đó là khát khao cháy bỏng, là mơ ước một thời mà phải đến tận bây giờ tôi mới sở hữu được”-ông Quốc tâm sự.

Với bộ sưu tập hiếm hoi ấy, căn nhà của ông Quốc đã trở thành điểm hẹn của những người ưa hoài niệm ở Pleiku. Nhiều người đến đây để nhâm nhi tách trà, ly cà phê và thư thái thưởng thức những giai điệu xưa cũ từ những chiếc máy, chiếc loa được xem là đồ xa xỉ một thời.

Ông Võ Đình Sang (SN 1950, phường Yên Thế, TP. Pleiku) chia sẻ: “Với những người ở tuổi thất thập như chúng tôi, mỗi khi nghe những giai điệu ấy vang lên lại cảm thấy nao lòng khi bao kỷ niệm của một thời cứ thế ùa về.

Chúng tôi thường ngồi lại với nhau để kể nhau nghe những câu chuyện ngày xưa, kể mãi mà không thấy chán. Đó là khoảng thời gian thư giãn tâm hồn. Tôi phải cảm ơn ông Quốc vì có người am hiểu tường tận về nghề và đam mê mãnh liệt mới lưu giữ được những di vật quý giá này”.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.