Bộ Giao thông-Vận tải trả lời cử tri về xây dựng các tuyến đường khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bộ Giao thông-Vận tải trả lời cử tri về xây dựng các tuyến đường khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

 

*Kiến nghị:

Đề nghị quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường nhằm đảm bảo liên kết vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói riêng, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ nói chung:

- Tuyến giao thông kết nối vùng Ayun Pa (Gia Lai) và Ea Hleo (Đak Lak): 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak có tuyến giao thông liên tỉnh tạo thành bởi đường tỉnh 668 (Gia Lai) và đường tỉnh 695 (Đak Lak) với tổng chiều dài 45 km đi từ quốc lộ 25 thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đến giáp đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea Hleo, tỉnh Đak Lak. Về hiện trạng, phía tỉnh Gia Lai tuyến có chiều dài 16 km, đã được đầu tư quy mô đường cấp V miền núi: Mặt đường bê tông xi măng 3 km và đá dăm láng nhựa 13 km được khai thác sử dụng đã lâu hiện đang bị xuống cấp; địa phận Đak Lak có chiều dài 29 km, đường cấp IV miền núi: Mặt đường bê tông nhựa 20 km, mặt đường bê tông xi măng 3 km, mặt đường đá dăm láng nhựa 6 km bị hư hỏng ổ gà, sình lún. Toàn tuyến hiện có 5 công trình cầu bê tông cốt thép, tổng chiều dài cầu 149,6 m. Việc lưu thông đi lại trên tuyến này rất khó khăn, nguy cơ mất an toàn giao thông cao, ảnh hưởng đáng kể đến phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh giữa khu vực phía Đông Bắc tỉnh Đak Lak và Đông Nam tỉnh Gia Lai nói riêng và giữa 2 tỉnh nói chung. Vì vậv, việc đầu tư xây dựng Dự án: đầu tư xây dựng tuyến giao thông kết nối vùng Ea Hleo (Đak Lak) và Ayun Pa (Gia Lai) là hết sức cấp bách và cần thiết; phù hợp chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, ưu tiên nguồn lực đầu tư các tuyến đường có tính liên kết liên tỉnh, liên vùng, nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn 2 tỉnh và cả vùng Tây Nguyên theo định hướng quy hoạch phát triển giao thông-vận tải đã được phê duyệt. Việc đầu tư dự án này góp phần đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn, rút ngắn khoảng cách giao thương, trao đổi hàng hóa, nông phẩm, giao lưu văn hóa giữa các xã, huyện phía Đông Bắc tỉnh Đak Lak và Đông Nam tỉnh Gia Lai và các trung tâm kinh tế-thương mại-dịch vụ của 2 tỉnh thông qua hệ thống đường Hồ Chí Minh, đường tỉnh và các cảng biển của các tỉnh duyên hải miền Trung, các cửa khẩu quốc tế, quốc gia của 2 tỉnh thông qua hệ thống quốc lộ 19, 25, 29, đường Trường Sơn Đông...

- Tuyến đường nối Gia Lai-Phú Yên: Tuyến đường nối Gia Lai-Phú Yên có điểm đầu giao với quốc lộ 19 tại Km 79 + 900 (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), điểm cuối giao với quốc lộ 19C tại Km 70 + 500 (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), chiều dài 135 km. Đoạn tuyến qua tỉnh Gia Lai có chiều dài 74,2 km. Hiện trạng đoạn qua tỉnh Gia Lai: Km 0 + 000 đến Km 25 + 700 (trùng với đường tỉnh 667) quy mô cấp IV miền núi, Km 25 + 700-Km 62 + 000 đã được đầu tư quy mô cấp V miền núi, Km 62 + 000-Km74 + 200 (giáp ranh giới huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) dài khoảng 12,2 km hiện chưa có đường và dự kiến mở mới. Đây là tuyến giao thông kết nối quan trọng của 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên, tuyến có ý nghĩa quan trọng trong công tác cứu hộ, cứu nạn trong bão lũ, gắn phát triển kinh tế-xã hội khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đảm bảo cơ động, góp phần giữ vững quốc phòng-an ninh trong trục Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; là tuyến giảm tải và dự phòng khi tuyến quốc lộ 1, tuyến đường Hồ Chí Minh bị ách tắc do mưa lũ.


*Trả lời:

Trước tiên, Bộ Giao thông-Vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông-Vận tải xin trả lời như sau:

1. Về đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối vùng Ayun Pa đến Ea Hleo

Tuyến đường giao thông kết nối vùng Ayun Pa đến Ea Hleo được kết nối bởi các tuyến đường tỉnh 668 và đường tỉnh 695 từ quốc lộ 25 (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đến đường Hồ Chí Minh (thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea Hleo, tỉnh Đak Lak) với tổng chiều dài 45 km, hiện trạng đường cấp IV-V miền núi.

Bộ Giao thông-Vận tải thống nhất về sự cần thiết đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối vùng Ayun Pa đến Ea Hleo nhằm liên kết tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại được thuận lợi, phục vụ kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn khi có bão lũ xảy ra và góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, do đây là dự án thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của từng địa phương. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển kiến nghị của cử tri tới UBND tỉnh để chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, lập dự án đầu tư và chủ động cân đối ngân sách địa phương để thực hiện. Bộ Giao thông-Vận tải sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai dự án.

2. Về tuyến đường nối tỉnh Gia Lai với tỉnh Phú Yên

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021, tuyến nối Gia Lai-Phú Yên được hoạch định là tuyến quốc lộ 19E có chiều dài 135 km, quy mô cấp III-IV, 2-4 làn xe. Đoạn qua tỉnh Gia Lai có chiều dài 74,2 km, đã đầu tư đoạn Km 0 + 000 đến Km 25 + 700 cấp IV miền núi, Km 25 + 700-Km 62 + 000 cấp V miền núi và đoạn Km 62 + 000-Km 74 + 200 (giáp ranh giới huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) dài 12,2 km chưa có đường và dự kiến mở mới.

Bộ Giao thông-Vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh về nhu cầu đầu tư tuyến quốc lộ 19E trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm bảo đảm tính đồng bộ, góp phần giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách, quốc phòng-an ninh cho tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung. Tuy nhiên, hiện trạng tuyến phần lớn có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp hoặc chưa có đường, chưa bảo đảm tiêu chí của đường quốc lộ theo quy định tại khoản 4 Mục III Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021 “Các tuyến đường địa phương được quy hoạch thành quốc lộ trong quyết định này chỉ nâng lên quốc lộ sau khi được đầu tư bảo đảm quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch và không thấp hơn quy mô đường cấp IV, 2 làn xe” nên vẫn thuộc tài sản của địa phương, việc đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo Luật Ngân sách nhà nước. Vì vậy, để không gây áp lực đối với ngân sách trung ương (mức vốn phân bổ cho Bộ Giao thông-Vận tải hiện nay không đủ đầu tư kết cấu hạ tầng hiện hữu), đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển kiến nghị của cử tri tới UBND tỉnh để xem xét, chủ động cân đối ngân sách địa phương đầu tư đoạn tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV và chuyển về Bộ Giao thông-Vận tải sau khi được nâng cấp.

Bộ Giao thông-Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh để giải quyết các vấn đề liên quan đến giao thông-vận tải trên địa bàn.

 

GLO

Có thể bạn quan tâm

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

(GLO)- Tại khắp các địa phương trong tỉnh Gia Lai, công tác chỉnh trang đô thị đang được khẩn trương thực hiện, bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán 2025 và chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Kbang: Làm đẹp không gian đô thị chào đón Xuân mới. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang làm đẹp không gian đô thị chào đón Xuân mới

(GLO)- Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, cơ quan chức năng và người dân huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đang khẩn trương chỉnh trang đô thị, làm đẹp các tuyến đường góp phần tạo diện mạo phố xá sáng-xanh-sạch-đẹp đón mừng Xuân mới.

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.