'Bố già' xóm chân cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Là người đầu tiên sinh sống ở bãi giữa sông Hồng rồi từ từ mà tụ họp thành cả một xóm ngụ cư như hiện nay, dân ở đây coi ông Được Đen như trưởng làng của mình. Trẻ con sinh ra ở cái xóm chắp vá này, được người thầy đầu tiên là ông Được dạy chữ. Lại cũng là ông, chạy vạy ngược xuôi để đám trẻ ấy có giấy khai sinh, có thể đến trường lớp đàng hoàng...
'Bố già' xóm chân cầu ảnh 1

Một góc thư viện miễn phí của ông Được tại bãi giữa sông Hồng

“Bố già” 76 tuổi tóc còn xanh

Từ giữa cầu Long Biên, hai bên có hai cái cầu thang rộng chừng 1m, cao hơn 3m dẫn thẳng xuống bãi giữa sông Hồng. Cái cầu thang này có cấu tạo giống hệt cầu thang của những khu tập thể cũ của Hà Nội, nghĩa là hai bên có bậc (rất hẹp) để đi bộ, ở giữa là một đường thẳng bé chừng hơn gang tay để đi xe máy. Ở độ dốc 45 độ (có khi hơn), đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con cứ vùn vụt phi xe lên xuống như làm xiếc. “Cài số một, đi từ từ thôi”, họ hướng dẫn.

Ngay từ khi bước xuống chân cầu, hỏi thăm nhà ông Được Đen, ai cũng biết. Ông Được có gương mặt của một người đã từng qua tang thương dâu bể. Mỗi một nỗi đau đi qua đều để lại những đường vân bén như đao khắc. Năm nay ông 76 tuổi, vẫn là một đầu tóc đen, chỉ nghiện thuốc lào vặt, ngoài ra không rượu, không chè, không cờ bạc...

Ông Được, tên đầy đủ là Nguyễn Đăng Được, định cư ở bãi giữa tính đến nay chừng 40 năm. “Cô đừng hỏi thời gian cụ thể, tôi không nhớ đâu. Lúc ấy lang thang làm thuê ngoài Hà Nội, tối ngủ vỉa hè. Nhưng vỉa hè thì sau 9h người ta mới đóng cửa hàng, sáng trước 4h đã phải dậy. Mỗi lần xong việc, tôi lần ra sông Hồng tắm rửa, phát hiện cái đảo này, thế là qua ở luôn. Sống như Rô bin sơn hai năm thì có thêm người tá túc cùng. Là tôi thấy họ tội quá, cũng lang thang phố phường, không chỗ trú chân, nên rủ về. Dần dần nó thành xóm như hôm nay”.

Thực ra, quê gốc ông Được ở mãi Quảng Bình, lớn lên ở Huế và Thái Lan. 17 tuổi ông nhập ngũ, được đào tạo trở thành đặc công. Năm 1972, khi sang Lào làm nhiệm vụ, nhóm của ông gồm 5 người bị phỉ Vàng Pao phục kích bắn tỉa, 4 người hi sinh, chỉ mình ông bị thương nhẹ giả chết thành ra sống sót. Trở về quê, vì mất hết giấy tờ và không còn “nhân chứng”, câu chuyện của ông trở thành “nghe biết vậy”. Chán chường, ông Được quay ra Nam Định báo tử cho gia đình người đồng đội theo lời trăng trối của anh trước khi mất, rồi lang thang cắm rễ ở Hà Nội.

Xóm bãi giữa đông dần lên, chủ yếu dân tứ xứ làm nghề tự do, một số người lưu lạc từ nhỏ, thậm chí không nhớ quê mình ở đâu. Ông Được coi họ như những người anh em mà bảo hộ. Con cái những người này sinh ra, ông dùng vốn liếng lớp 7 phổ thông của mình dạy xóa mù cho chúng. Lũ trẻ lớn dần lên, chính ông là người chạy vạy lên chính quyền phường, quận rồi thành phố để xin giấy khai sinh “cho chúng nó được đến trường”.

Không ở đâu cán bộ cấp giấy khai sinh cho con của những người không hộ khẩu, không nguồn gốc, không giấy tờ tùy thân. Ông gõ cửa Hội phụ nữ, nhất định không gặp “bộ phận tiếp dân hay văn thư hành chính”, mà phải là “người có quyền to nhất”. Nói chuyện với chủ tịch Hội, ông bảo: “Nếu không giúp chúng nó thì đời này, đời sau, đời sau nữa của chúng vẫn cứ tối tăm không lối thoát như vậy, trẻ con thì có tội gì”?

Về sau, ông đem chuyện này “kêu” ở khắp các tổ chức xã hội mà ông biết và được một tổ chức của Liên hợp quốc tài trợ 20 triệu. Ông chỉ dùng tiền ấy vào việc đưa các bà mẹ mới sinh về tận quê họ, nhờ chính quyền xã xác nhận công dân này là người địa phương này, xong mới ngược lên Hà Nội xin giấy khai sinh.

“Ở đây, tôi cứu người nhiều nên các anh bên phường cũng tạo điều kiện. Giờ xin giấy khai sinh cho bọn trẻ dễ rồi. Nhưng còn 17 người lớn vẫn không làm cách nào để có căn cước công dân”, “bố già” thở dài.

Có một sự trùng khít trong trách nhiệm của ông Được với vai diễn “bố già” trong bộ phim nổi tiếng cùng tên: bất cứ ai đã được “bố già” chấp nhận bảo hộ, thì đều có quyền nhờ ông giúp đỡ, ở mọi nơi, mọi lúc, kể cả ngay trước giờ làm lễ cưới con gái duy nhất của ông.

Nguyên tắc cứu người

Một công việc khiến “bố già” Được Đen nổi tiếng khắp vùng bờ Bắc sông Hồng suốt mấy chục năm qua chính là ông thường xuyên cứu người nhảy sông tự vẫn và vớt xác người chết đuối. Người ta gọi ông là “người cướp cơm của Hà Bá”.

“Chả có lý do gì cao siêu cả, nhìn thấy người ta như thế mà không ra tay thì lương tâm mình không yên”, ông Được đều đều kể.

Thời gian đầu định cư bãi giữa, ông Được sống trên một cái thuyền. Đã quen với việc ông hay ôm vào người, cứ có ca nào sắp nhảy cầu hay xác trôi sông là người ta ới ông đầu tiên. Có lần, cứu một người phụ nữ nhảy cầu lên, ông bị người ta quay lại mắng xa xả. Lẳng lặng đưa người vào bờ, ông dúi đầu người phụ nữ xuống nước “để cô thử cảm giác chết đuối là thế nào”. Chỉ hai lần dúi, người này quỳ xuống: “tôi cả giận mất khôn, xin bác tha cho”.

Lần khác, dõi theo một thanh niên người nước ngoài mấy ngày liền, ông Được nghi người này muốn nhảy cầu. “Làm việc này nhiều nên tôi nhạy lắm, ai muốn nhảy, sắp nhảy, tôi liếc mắt qua là nhận ra”. Sau nhờ sinh viên phiên dịch, ông mới biết, thanh niên người Thụy Điển, vì thất tình, bị lừa tiền mà có ý định ra sông kết liễu cuộc đời. Không đắn đo, ông Được rủ người này về nhà mình, cưu mang suốt hai năm.

'Bố già' xóm chân cầu ảnh 2

Ông Được Đen. Tranh: Kim Duẩn

Lại có lần, một cậu thanh niên vừa nhảy sông định chết thì hoảng quá kêu cứu. Ông Được phải đuổi từ cầu Long Biên xuống cầu Chương Dương mới vớt được người. Ai ngờ, lên thuyền rồi, người này giở chứng, lại đứng ở đầu mũi thuyền sàng qua sàng lại để thuyền đắm, ông không nói không rằng, phi vút thuyền vào bờ, cậu trai theo đà bắn như mũi tên đập mặt xuống đất. Đứng lên được, cậu đi thẳng không ngoảnh lại. Thời gian sau, cậu dẫn theo bố mẹ đến tìm ông Được cảm ơn.

“Họ mang rất nhiều tiền, tôi chỉ lấy năm trăm ngàn để làm lễ tạ Hà Bá. Đây là thói quen của dân vùng sông nước. Theo dân gian, cứ người nào rơi xuống sông, thì đều là “thức ăn” của Hà Bá. Mình cứu họ, vớt họ lên là cướp cơm của Hà Bá, nên muốn yên ổn thì phải làm lễ tạ. Lễ thì đơn giản thôi, một mâm cơm bình thường, với ít vàng mã và hình nhân thế mạng, cho lên cái bè rồi thả ra sông. Không phải ai cũng quay lại cảm ơn, nên hầu hết những lễ này đều là tôi bỏ tiền túi ra làm”, ông kể.

Tôi hỏi, ông có nhớ mình đã cứu được bao nhiêu người không, ông bảo, không nhớ, ngày xưa vớt xác không thấy người nhận, tôi chôn ngay ở bãi, nhiều lắm, phải đến hàng trăm, nhưng rồi lũ lụt, mưa bão, bờ lở, mộ cũng mất. Tôi lại hỏi những người nhảy cầu được cứu có ai quay lại cảm ơn ông không? Ông Được bảo, một số có, một số không. Có người đem theo cả mấy chục triệu, nói biếu tôi, nhưng tôi không nhận, đấy là nguyên tắc. Tôi cứu người có phải vì tiền đâu!

Quanh năm tiếp xúc với xác chết trôi dạt, nhiều trường hợp ngâm nước lâu ngày đã biến dạng, có người hỏi ông Được sợ không, ông thủng thẳng trả lời: tôi từng tự tay chôn cất 4 đồng đội, rồi một mình ngồi canh mộ cho họ 3 đêm, còn điều gì dọa tôi được nữa?

Làm sân chơi và thư viện miễn phí cho trẻ

Thích trẻ con, ông Được bao giờ cũng dành cho chúng sự quan tâm lớn nhất trong điều kiện của mình. Qua thời dạy xóa mù và xin giấy khai sinh, ông thương lũ trẻ không có chỗ chơi, tình nguyện cắt một phần đất trồng ổi để làm sân chơi cho chúng. Vài năm gần đây, một người con nuôi cùng ông cải tạo, nâng cấp sân chơi này thành một sân chơi phiêu lưu miễn phí cho trẻ nhỏ.

Ngoài tuổi thất thập, hàng ngày vợ chồng ông vẫn sống bằng thu nhập của việc nhặt rác, “nhì nhằng bán quán” và “bán vé tham quan” 20.000 đồng một lần cho người lớn. “Chỗ này trông thế chứ Tây thích lắm, hồi chưa có dịch, Tây đến rất đông”, ông Được chỉ ra cái sân rợp bóng cây giới thiệu.

Rồi vẫn sợ trẻ con đến chơi buồn, ông lọ mọ đi mua sách cũ về lập thư viện miễn phí. Sách của ông được cập nhật thường xuyên. Cứ khi nào trẻ con kêu “sách đọc hết rồi” là ông lại gom thành thùng, đem tặng những trường học ở vùng sâu, vùng xa, rồi kiếm sách mới bù vào.

Khách đến sân chơi, thấy mô hình của ông thú vị, cũng đem sách qua tặng. “Đầu sách giờ nhiều, trẻ quanh đây hay mượn về đọc vì thư viện của tôi chưa có cái bàn tử tế để ngồi. Thôi cứ túc tắc làm dần, sức đến đâu làm đến đấy cô ạ”, ông Được vừa rít thuốc lào vừa “chốt hạ” câu chuyện với tôi “để còn đi chở nước cho khách”.

'Bố già' xóm chân cầu ảnh 3

Ông Được Đen

Tài sản lớn nhất của ông Được

Ông Được cứu người cả đời hiện vẫn ở trong ngôi nhà tạm không có khóa trên đất thuê ngoài bãi giữa. Bây giờ, xóm này đã có người quản, đất đai phải nộp thuế chứ không vô tư như ngày ông mới ra đây nữa. Cuộc hôn nhân của ông với một công dân xóm chân cầu làm nghề nhặt rác có ba đứa con. “May mắn là ba đứa nó đều ngoan, giờ đều là đầu bếp cả”, ông khoe.

Ngoài ba con đẻ, ông Được Đen còn có rất nhiều con nuôi. “Toàn là trẻ lang thang không bố mẹ, tôi nhận về. Có đứa ở vài năm, có đứa ở đến tận giờ”.

“Đến tận giờ” theo lời ông là một sinh viên khoa công nghệ thông tin, bị tật ở chân nhưng “học giỏi lắm”!

Link bài gốc: https://tienphong.vn/bo-gia-xom-chan-cau-post1537979.tpo

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người - Bài 1: Những cuộc đời bị đánh cắp

Quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người - Bài 1: Những cuộc đời bị đánh cắp

Nạn mua bán người gây ra những hậu quả không thể đo đếm được khi tước đoạt tương lai, cuộc sống và để lại nỗi đau tận cùng cho nạn nhân, gia đình họ cùng nhiều người khác. Thấu hiểu nỗi đau đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cả hệ thống chính trị quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm này. Luật Phòng, chống mua bán người sau hơn 10 năm được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, có ý nghĩa chính trị cả về đối nội, đối ngoại và thể hiện quyết tâm của Việt Nam trước vấn nạn nhức nhối cần loại bỏ.
Sóc, Bẹc dưới bóng mây Tà Xiên

Sóc, Bẹc dưới bóng mây Tà Xiên

Con chó Sóc có màu lông xám pha trắng giống màu gấu trúc, còn con chó Bẹc có lông vàng pha đen. Cả 2 con không phải vật lộn để sinh tồn như con chó Ca Dăng trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của nhà văn James Oliver Curwood. Cả 2 con phải quen với mùi hương mới, khi sự đổi thay lan khắp vùng cao xã Ga Ri (Tây Giang).
Phía sau những gánh hàng rong: Nỗi niềm ai tỏ…

Phía sau những gánh hàng rong: Nỗi niềm ai tỏ…

Không người thân, không họ hàng bên cạnh, không bạn bè, tài sản quý giá nhất của họ chỉ là chiếc xe đạp, đôi quang gánh hoặc một chiếc xe hàng nhỏ. Họ là những người độc hành ở đất Hà thành. Hàng thập kỷ qua, những bước chân họ in dấu khắp phố phường, những tiếng rao vẫn cất lên ngày đêm, dù đã mai một nhiều…
Mùa thiên di của người

Mùa thiên di của người

Khi những cơn mưa dầm của tháng 11 dần tắt, gió chướng bắt đầu thổi về, mang cái hanh khô, se sắt phủ tràn lên những bạt ngàn cà phê chín đỏ, đó là khi đoàn người thiên di từ khắp các ngả quê đổ về Tây Nguyên. Dù đã nhiều lần đến Tây Nguyên vào mùa gió chướng, gặp những đoàn người thiên di mùa cà phê chín, nhưng tôi vẫn có cảm xúc khó nói hết thành lời…
Lấp lánh những 'vầng trăng khuyết', Kỳ 2: Chim cánh cụt vẫn có thể bay

Lấp lánh những 'vầng trăng khuyết', Kỳ 2: Chim cánh cụt vẫn có thể bay

Từ một người khuyết tật, chị Nguyễn Thị Huyền đến từ Đắk Nông không ngừng nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Chị chia sẻ: “Đẹp không chỉ ở nhan sắc, đi không chỉ nhờ đôi chân, chim cánh cụt vẫn có thể bay nếu chúng ta đủ niềm tin và nghị lực”.
Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 3: Đối đầu với quân đội Nhật ở An Khê

Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 3: Đối đầu với quân đội Nhật ở An Khê

(GLO)- Trước khí thế sôi sục của Nhân dân từ nông thôn đến thành thị trên cả nước đang vùng lên như nước vỡ bờ, Tri huyện Tân An Phan Sĩ Sàng đã bỏ trốn; quân đội Nhật lặng lẽ rút khỏi An Khê. Đoàn Thanh niên Chấn Hưng cử anh Trần Thông cùng một số thanh niên cốt cán vào Đồn Bảo an gặp Đội Kiệt để giải thích hiện trạng đất nước, địa phương và đề nghị giải giáp vũ khí, giải tán lính Bảo an ở huyện lỵ.
Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 2: “Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ”

Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 2: “Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ”

Ư(GLO)- Đỗ Trạc thường đọc cho bạn bè ở vùng An Sơn nghe trong giai đoạn anh từ Huế trở về quê để chờ thời, chuẩn bị cho một hành trình mới trong đời, đó là những câu đầy trăn trở trước thời cuộc: “Nào ai tỉnh, nào ai say/Lòng ta ta biết, chí ta ta hay/Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ/Hà tất cùng sầu đối cỏ cây…” (Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác-người theo phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh). Một số thanh niên và trí thức nông thôn ở An Khê bấy giờ đang hoang mang, đứng ở ngã ba đường. Không khí chiến tranh khá ngột ngạt bao trùm khắp nơi, các tổ chức yêu nước bị giặc khủng bố, đàn áp.