Đây là tiền đề vững chắc để Bình Định vươn mình trong kỷ nguyên phát triển mới.
Đầu tư hạ tầng, mở rộng không gian phát triển
Nhắc về những ngày gian khó nhưng đầy nhiệt huyết trong công cuộc tái thiết quê hương, ông Nguyễn Tấn Hiểu - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn khóa IX, X, không khỏi bồi hồi: Đầu tiên là phải quy hoạch thành phố, lấy trung tâm phát triển hạ tầng để phát triển KT-XH. Mà trọng tâm của phát triển hạ tầng là phát triển mạng lưới giao thông đô thị và giao thông nối liền với mạng lưới giao thông quốc gia. Việc đầu tiên Quy Nhơn làm là phải xây dựng cho được các tuyến giao thông từ Phú Tài về trung tâm, rồi từ Quy Nhơn nối với tỉnh Phú Yên bằng tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu và xây dựng cầu Thị Nại nối liền thành phố với bán đảo Phương Mai là một bước đi lịch sử. “Công trình này phá thế độc đạo của tỉnh, tạo điều kiện cho sự mở rộng không gian phát triển sau này”, ông Nguyễn Tấn Hiểu bồi hồi nhớ.

Còn ấn tượng của ông Nguyễn Duy Quý, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy, là Bình Định từ một tỉnh nông nghiệp bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, không có nền tảng cho công nghiệp, rất khó để kêu gọi đầu tư, nhưng trong suốt chặng đường nửa thế kỷ dựng xây quê hương, tỉnh đều đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH. Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đi trước mở đường, Bình Định đã mở rộng không gian phát triển bằng loạt công trình giao thông trên hành lang tuyến ven biển, đường phía Tây tỉnh, đường kết nối vùng nội tỉnh và liên vùng…
50 năm qua, KT-XH của tỉnh liên tục phát triển. Tính trong 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 7%/năm; quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng, từ một tỉnh nghèo đến nay đã vươn lên xếp thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, và đứng 25/63 tỉnh, thành cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, du lịch phát triển mạnh mẽ, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Quy Nhơn - Bình Định đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, hai lần liên tiếp được vinh danh “Thành phố du lịch sạch ASEAN”.
Anh Courtney Gair, du khách người Scotland, đặt chân lần đầu tiên đến Quy Nhơn - Bình Định những ngày cuối tháng 3.2025, hòa trong không khí tưng bừng của lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định (31.3.1975 - 31.3.2025) nói rằng: Bạn bè tôi cũng nói nhiều về Quy Nhơn, về Bình Định. Tuy nhiên, khi đặt chân đến đây, tôi thấy những hình dung trước đó vẫn chưa đủ. Đặc biệt, Quy Nhơn là một thành phố nhỏ nhưng vô cùng xinh đẹp và thân thiện. Tiếc rằng thời gian ngắn ở lại nơi đây chưa đủ khám phá hết nên tôi sẽ còn tiếp tục trở lại với Quy Nhơn - Bình Định của các bạn.
Từ gian khó cho đến sự phát triển của quê hương ngày nay, ông Lê Phước Thoại (72 tuổi, ở thôn Vạn An, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) khẳng định đó là cuộc đổi thay lớn, thấy rõ người dân được hưởng lợi và đồng lòng góp công, góp của. Nông thôn bây giờ đã sáng - xanh - sạch - đẹp, nước sạch cũng đã về với bà con, kinh tế phát triển kéo theo thu nhập, đời sống của người dân nâng cao đáng kể.
Đưa Bình Định trở thành trung tâm KHCN
Trong những tháng đầu năm 2025 này, cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo chủ trương của Đảng, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục khởi sắc.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, tỉnh quyết tâm tập trung phát triển hạ tầng giao thông và logistics như những yếu tố then chốt trong chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện tỉnh đang triển khai các dự án trọng điểm, nổi bật là tuyến cao tốc Bắc - Nam dài 118 km đi qua Bình Định, dự kiến hoàn thành trong năm 2025, cùng với việc nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát. Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku cũng đang khẩn trương lập các thủ tục dự án để trình Quốc hội trong tháng 5.2025 để sớm khởi công trong năm nay. Đồng thời, đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống cảng biển, trong đó dự án Cảng Phù Mỹ đang được xây dựng thủ tục, với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 150 nghìn tấn; dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ đã hoàn thành bước chủ trương đầu tư, đang cấp tập để khởi công trong năm nay…

Khi nói về hành trình phát triển của tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cũng khẳng định “khác biệt” khi Bình Định đã mạnh dạn tạo ra những bước đột phá trong phát triển KT-XH, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu. Nếu việc mở QL 1D phá thế độc đạo cho TP Quy Nhơn và việc xây dựng cầu Thị Nại nối liền thành phố với bán đảo Phương Mai là một bước đi lịch sử thì sự hình thành của Trung tâm ICISE - hạt nhân của khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa được xem là điểm nhấn của Bình Định so với các địa phương khác trong cả nước, là một bước đi táo bạo cách đây hơn 10 năm.
Năm 2013, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) khánh thành đi vào hoạt động, đặt ra mục tiêu tổ chức từ 10 - 12 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao mỗi năm, tập trung vào các lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng, đặc biệt trong vật lý và mở rộng sang các lĩnh vực khác như sinh học, y học, khoa học xã hội và nhân văn. Hơn 10 năm đặt dấu ấn, TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm ICISE, cho biết ICISE đã phối hợp với Hội Gặp gỡ Việt Nam và tỉnh Bình Định tổ chức gần 200 sự kiện khoa học quốc tế chất lượng cao, thu hút hơn 12.000 nhà khoa học từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn thế, đây còn là “hạt nhân” cho sự hình thành của Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa - mô hình đầu tiên của Việt Nam.
Từ đây, nhiều “ông lớn” công nghệ như TMA Solutions, FPT đã chi hàng triệu USD để phát triển hạ tầng tại Quy Hòa. Những công trình biểu tượng về khoa học được xây dựng biến Bình Định thành điểm sáng về KHCN như Đại lộ khoa học, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo… Tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu đưa Bình Định trở thành trung tâm KHCN, Trung tâm Trí tuệ nhân tạo và Đô thị phụ trợ do Tập đoàn FPT đầu tư rộng hơn 93 ha, tổng vốn 4.362 tỷ đồng tại TP Quy Nhơn dần thành hình. “FPT cam kết cùng đồng hành với Bình Định trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển KT-XH bền vững. Đó là tiếp tục đầu tư vào Bình Định về nghiên cứu khoa học, công nghệ lõi và đổi mới sáng tạo; giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, khẳng định.
“Đi trước, đón đầu” KHCN và đổi mới sáng tạo là chiến lược quan trọng Bình Định đã lựa chọn đầu tư ngay cả trước khi Nghị quyết 57-NQ/TW ra đời. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho hay, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW, tháng 2.2025, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 32-CTr/TU xác định phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá hàng đầu, động lực chính trong phát triển KT-XH, với 3 trụ cột chính: Kinh tế số và công nghiệp công nghệ cao; hạ tầng số và đô thị thông minh; phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2045, Bình Định trở thành trung tâm KHCN, ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam, dẫn đầu cả nước về đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu này được ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, khẳng định là đột phá của Bình Định. “Xây dựng Bình Định trở thành “điểm đến” của các ngành, các DN KHCN, các nhà khoa học trong nước và quốc tế; Bình Định phải xứng đáng và xứng tầm là một trung tâm về KHCN và đổi mới sáng tạo”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo MAI HOÀNG (baobinhdinh.vn)