Biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ xâm nhập 44 quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 11-5 thông báo, biến thể B.1.617 của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ đã xuất hiện tại 44 quốc gia và toàn bộ các khu vực trên thế giới. Biến thể này được cho là nguyên nhân chính gây ra làn sóng dịch Covid-19 dữ dội hiện nay ở Ấn Độ.

Bệnh viện dã chiến BKC, một trong những cơ sở điều trị Covid-19 lớn nhất tại TP Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: AP)
Bệnh viện dã chiến BKC, một trong những cơ sở điều trị Covid-19 lớn nhất tại TP Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: AP)
Theo thống kê của Worldometers, ngày 11-5, thế giới có thêm 707.135 ca mắc và 13.393 ca tử vong. Trong đó, Ấn Độ là nước ghi nhận hai số liệu này ở mức cao nhất, với 348.529 ca mắc mới và 4.200 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với hơn 71 nghìn ca mắc mới và 2.275 ca tử vong. Mỹ xếp thứ ba với gần 35 nghìn ca mắc mới và 743 ca tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, gần một nửa các nhà lãnh đạo trên thế giới đã liên hệ với ông để đề nghị Washington hỗ trợ mua vaccine ngừa Covid-19. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định nước này sẽ cố gắng hỗ trợ các nước khác, song không nêu tên cụ thể những quốc gia đã đưa ra đề nghị trên.
Mỹ đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng lớn, trong đó có Ấn Độ, yêu cầu Washington chia sẻ số lượng vaccine dư thừa khổng lồ. Tổng thống Biden tháng trước đã cam kết phân phối 60 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca cho Ấn Độ. Trước đó, Nhà Trắng cũng thông báo sẽ cho hai nước láng giềng là Mexico và Canada vay bốn triệu liều vaccine cả AstraZeneca.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, khoảng 10 triệu liều vaccine AstraZeneca có thể được xuất khẩu “trong những tuần tới”, trong khi khoảng 50 triệu liều khác đang được sản xuất và có thể được vận chuyển vào tháng 5 và 6. Bà cho biết thêm, chính quyền của ông Biden vẫn đang xem xét một loạt các nước sẽ nhận được vaccine, có thể là các quốc gia đối tác.
Tại Iraq, lệnh giới nghiêm hoàn toàn trong vòng 10 ngày đã bắt đầu có hiệu lực ở nước này  từ nửa đêm 11-5 trong bối cảnh số ca nhiễm ở nước này đã lên tới 1.122.914 ca, trong đó có 15.834 ca tử vong. 
Iraq cũng áp dụng các biện pháp hạn chế như đóng cửa trung tâm thương mại, nhà hàng, quán cà-phê, và các địa điểm công cộng khác cũng như cấm tụ tập... Trong khi đó, các cửa hàng bánh ngọt, cửa hàng thuốc được phép mở cửa cho đến 19 giờ trong những ngày áp đặt lệnh giới nghiêm. Tuy nhiên, Iraq không áp đặt hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa và nhiên liệu trên đường bộ và cửa khẩu biên giới.
Còn Nhật Bản đã bắt đầu chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhóm thiếu niên trong độ tuổi từ 12-15, trong bối cảnh số ca nhiễm ở những người trẻ tuổi đang gia tăng tại quốc gia Đông - Bắc Á này. Đến nay, vaccine do hãng dược Pfizer của Mỹ cùng công ty đối tác Đức BioNTech phát triển, loại duy nhất được ủy quyền sản xuất tại Nhật Bản, chỉ được tiêm cho người trong độ tuổi từ 16 trở lên.
Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Katsunobu Kato, nếu xác nhận được hiệu quả và mức độ an toàn khi tiêm cho người ở độ tuổi thiếu niên thì Nhật Bản sẽ sửa đổi các nguyên tắc chỉ đạo đối với việc tiêm vaccine phòng Covid-19 để có thể tiêm chủng cho nhóm thiếu niên dưới 16 tuổi.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 12-5 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 160.316.996 ca mắc, 3.330.828 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 33.550.111 ca mắc, 596.946 ca tử vong
2. Ấn Độ: 23.340.456 ca mắc, 254.225 ca tử vong
3. Brazil: 15.285.048 ca mắc, 425.711 ca tử vong
4. Pháp: 5.800.170 ca mắc, 106.935 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.059.433 ca mắc, 43.589 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.723.596 ca mắc, 47.465 ca tử vong 
2. Philippines: 1.113.547 ca mắc, 18.620 ca tử vong
3. Malaysia: 448.457 ca mắc, 1.722 ca tử vong 
4. Myanmar: 142.974 ca mắc, 3.210 ca tử vong  
5. Thái Lan: 86.924 ca mắc, 452 ca tử vong
6. Singapore: 61.403 ca mắc, 31 ca tử vong
7. Campuchia: 20.223 ca mắc, 131 ca tử vong
8. Việt Nam: 3.571 ca mắc, 35 ca tử vong
9. Lào: 1.362 ca mắc 
10. Brunei: 230 ca mắc, 03 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 45.661.619 ca mắc, 1.039.401 ca tử vong  
2. Châu Á: 44.815.959 ca mắc, 580.738 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 38.956.343 ca mắc, 873.259 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 26.127.708 ca mắc, 710.807 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.690.289 ca mắc, 125.399 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 64.357 ca mắc, 1.209 ca tử vong
H.H (Theo Worldometers, Reuters, TTXVN/NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.