Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: Khảo sát phát triển du lịch tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 2 ngày (29 và 30-3), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, huyện Kbang và thị xã An Khê đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (xã Sơn Lang, huyện Kbang); đi kiểm tra thực địa tại khu vực thác 50 nhằm đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nơi đây.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng các ban ngành đi khảo sát thác 50 Kon Chư Răng. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng lãnh đạo một số ban, ngành đi khảo sát thác 50 Kon Chư Răng. Ảnh: Đức Thụy


Qua buổi làm việc và kiểm tra thực địa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang đánh giá cao về sự đa dạng sinh học và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Để phát huy lợi thế này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị các sở ngành của tỉnh, huyện sớm triển khai các điều kiện để Kon Chư Răng sớm được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là cơ hội thuận lợi cho việc phát triển du lịch của tỉnh.

Trước mắt, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần quy hoạch chi tiết Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thành điểm du lịch, từ đó vận động, kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa tạo ra các sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch. Phối hợp với Hiệp hội Du lịch Gia Lai tham mưu cho tỉnh chiến lược khai thác và phát triển du lịch nơi đây; hướng dẫn huyện Kbang, thị xã An Khê sớm triển khai xây dựng và tạo ra các sản phẩm du lịch, từng bước hình thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh và sinh thái, du lịch cộng đồng ở khu vực phía Đông của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị các sở ngành liên quan tham mưu, đề xuất cho tỉnh phương án sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông trong Khu bảo tồn nhưng không tác động, hủy hoại đến tài nguyên rừng, tạo thuận lợi cho du khách đi lại bằng các phương tiện thô sơ như: xe máy, cưỡi ngựa, đi voi. Các ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy các vẻ đẹp và sự đa dạng về sinh học của Khu Bảo tồn thiên thiên Kon Chư Răng.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Trên cơ sở chuyến công tác này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng yêu cầu các sở ngành liên quan sớm tháo gỡ những vướng mắt về cơ chế để phát triển ngành du lịch trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Được biết, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nằm ở giữa khu rừng nguyên sinh rộng 200.000 ha của 4 tỉnh là Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định; riêng ở Gia Lai có Kon Chư Răng, Kon Ka Kinh và Trạm Lập rộng khoảng 80.000 ha. Riêng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được giao quản lý, bảo vệ gần 15.500 ha rừng đặc dụng, với độ che phủ xấp xỉ 99,5%. Đây là khu rừng có giá trị khoa học với hệ sinh thái đa dạng và là nơi lưu trữ, bảo tồn các giá trị sinh học của các hệ động thực vật thu hút nhiều nhà khoa học đến thăm quan và nghiên cứu; đồng thời nơi đây còn chứa đựng nhiều tiềm năng du lịch sinh thái cho các du khách thích tìm hiểu những vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.

Theo thống kê, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có 546 loại thực vật bậc cao; trong đó có 18 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 7 loài được ghi trong sách đỏ thế giới. Đối với hệ động vật có 392 loài, gồm có 62 loài thú, 169 loài chim và 161 loài bướm; trong đó có 31 loài thú và chim được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 29 loài được ghi trong sách đỏ thế giới.

Cùng với sự đa dạng về hệ sinh thái thì Kon Chư Răng còn được thiên nhiên ban tặng nhiều vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ; nhất là hệ thống thác nước được đánh giá tầm cỡ châu lục và thế giới với 12 ngọn thác; trong đó có những thác cao từ 40 đến 50 mét.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng còn hội tụ đủ các tiêu chí của một di sản về thiên nhiên, địa chất và môi trường; đặc biệt, nơi đây còn có những lớp đá tối cổ của trái đất với niên đại từ 1,4 đến 2,5 tỷ năm.  

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Trong 4 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,7 triệu lượt người, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Người châu Á đến Việt Nam du lịch nhiều nhất, đạt gần 6 triệu lượt người nhờ chính sách thị thực thuận lợi và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc.

Ẩm thực truyền thống của người Bahnar đến từ làng du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Văn hóa "chắp cánh" cho du lịch Gia Lai

(GLO)- Cuộc thi nghề đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực truyền thống phục vụ du lịch là dịp hội ngộ của những nghệ nhân giỏi tay nghề toàn tỉnh Gia Lai, đồng thời là hành trình khơi dậy kho tàng văn hóa, kết tinh thành sản phẩm quà tặng mang dấu ấn riêng của vùng đất cao nguyên.  

Cận kề 30.4, dòng người tranh thủ check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'

Cận kề 30.4, dòng người tranh thủ check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'

Không chỉ bạn trẻ ở TP.HCM, những người trẻ ở tỉnh, thành khác cũng về thành phố để hòa mình vào các hoạt động kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Tranh thủ ngày cận kề 30.4, không muốn bỏ lỡ cơ hội nên từ sáng sớm hôm nay dòng người nao nức check-in với những view '50 năm mới có 1 lần'.

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

Pleiku: Thành phố trẻ trên cao nguyên xanh

(GLO)- Giữa bạt ngàn đồi núi Tây Nguyên, Pleiku hiện lên như một viên ngọc thô đang dần được mài giũa. Không ồn ào náo nhiệt như TP. Hồ Chí Minh hay cổ kính, trầm mặc như Huế… song Pleiku lại có một sức hút riêng, khiến bất kỳ ai đã đến đây đều không thể quên.