Từ ghềnh thác Ia Ly (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lần đầu tiên khi nghe ca sĩ Rcom Jơ hát ca khúc Xin gọi tên Ia Ly (nhạc sĩ Ngọc Tường): “Sóng Sê San vời vợi, hát bài ca cuộc đời/Hôn đắm say ghềnh đá/Yêu rừng núi ngàn hoa…” bằng chất giọng khỏe khoắn, dữ dội, tôi đã bị Ia Ly quyến rũ. Hình dung một Ia Ly ầm ào thác đổ, mang vẻ đẹp lãng mạn như cổ tích nhưng cũng phóng khoáng, hoang dại của đại ngàn. Đến Ia Ly rồi, tôi còn bị choáng ngợp bởi nhiều điều khác nữa.

Ia Ly chỉ thực sự được cả nước biết đến nhờ công trình: Thủy điện Ia Ly, khởi công năm 1993 và khánh thành cách đây đúng 15 năm, năm 2002. Nhìn bên ngoài, công trình không có gì nổi bật. Có chăng là địa thế mà ngoảnh mặt bốn phía đều thấy mênh mang sóng nước và vững chãi của núi non, tạo cho công trình một vẻ đẹp hùng vĩ. Tuy nhiên, phần lớn các hạng mục của công trình này được xây dựng ngầm, mà những gì được kiến tạo bên trong vượt xa sự tưởng tượng của con người. Đi giữa đường hầm trong lòng núi, chỉ nghe tiếng ù ù của động cơ, du khách dễ bị choáng ngợp trước sức mạnh, trí tuệ của con người nhỏ bé khi đã tạo ra những điều kỳ diệu ngay trong lòng đất. Tại đây, thuyết minh viên sẽ kể cho bạn nghe lịch sử từ khi khởi thủy đến khi hình thành công trình này. Và, bao nhiêu hy sinh đã được đền đáp bằng công trình có ý nghĩa to lớn khi tạo ra nguồn năng lượng khổng lồ cho đất nước. Tôi tin rằng, tận thấy, tận nghe những điều thú vị và kỳ diệu ấy, bạn sẽ có cảm xúc khâm phục và choáng ngợp như khi lần đầu tiên tôi đến đây.

 

Từ nhà máy thủy điện nhìn xuống thác ghềnh của dòng Sê San.             Ảnh: H.N
Từ nhà máy thủy điện nhìn xuống thác ghềnh của dòng Sê San. Ảnh: H.N

Nhưng tôi không chỉ đến thủy điện Ia Ly một lần. Công trình này còn khiến tôi phải quay trở lại nhiều lần cùng với bạn bè mình để chứng kiến vẻ  mỹ lệ của dòng sông điện năng này. Nếu vào mùa mưa, dòng nước luôn có màu đỏ của phù sa. Còn vào đầu mùa khô, nước trong xanh hiền hòa, soi rõ bóng những ngọn núi được phủ sắc lá cam của những cây bằng lăng rừng mùa thay lá. Đứng từ bên này nhìn dòng nước chảy bên dưới, luồn lách qua những thác ghềnh, uốn lượn dưới chân núi, bạn hãy khẽ nhắm mắt thu hết vào mình năng lượng của trời đất, có cảm giác như được tái sinh lần nữa.

Thưởng ngoạn Ia Ly không dành cho người vội vàng. Bởi sự hoang dại của cảnh sắc xung quanh sẽ khiến bạn phải cởi giày để men theo dòng sông đi tìm điều gì mà ngay bạn cũng chẳng rõ. Những ngôi nhà thảng hoặc xuất hiện rồi biến mất. Một vài lão ngư đánh đu với dòng nước để bắt cho được những loài cá chỉ riêng có nơi dòng Sê San này. Một người bạn của tôi, chuyên kinh doanh đặc sản cá quý sông Sê San ngay tại Phố núi Pleiku nhiều năm nay kể rằng: Chỉ riêng nơi này, nơi mà dòng nước khi hiền hòa khi gầm xiết mới sinh ra những giống cá tột ngon và những lão ngư cự phách. Chỉ riêng chuyện cá quý và ngư phủ cũng đã trở thành trầm tích, khoác lên dòng Sê San một màn sương hư ảo, thực đó mà hư đó, không dễ gì nắm bắt.

Nếu không thích bộ hành, bạn có thể trải nghiệm cảm giác đi thuyền dọc sông Sê San thưởng ngoạn cảnh đẹp. Đây là dịch vụ được Công ty Thủy điện Ia Ly mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của rất nhiều du khách. Xuôi thuyền giữa dòng nước biếc, ngắm những buôn làng Jrai chậm trôi trong tầm mắt, thảng hoặc xuất hiện trong tầm nhìn bóng vài cổ thụ còn sót lại đâu đó…, bạn sẽ có nhiều cảm xúc trái ngược. Đặc biệt, nếu may mắn nhìn thấy thì một cây pơ lang nở hoa đỏ ngời giữa điệp trùng xanh bên bờ sông sẽ nhắc nhớ bạn đang mùa tháng 3. Rất gần thôi, ngay phía những buôn làng kia biết đâu đang lễ hội. Bạn chỉ cần đưa thuyền cập bến, tìm đến nơi cây pơ lang rực lên muôn ngàn đốm lửa ấy, biết đâu mùa xuân đang đón chào bằng men thơm của rượu cần và tình người.

Hoàng Ngọc
----------------------------------------
(*) Một câu trong bài hát “Xin gọi tên Ia Ly” của nhạc sĩ Ngọc Tường

Có thể bạn quan tâm

Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

(GLO)-

Giữa núi rừng hùng vĩ tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có một bãi tắm được ví như “biển trên núi”. Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, bãi tắm ở dòng sông Pô Cô đã thu hút hàng ngàn lượt người đến vui chơi, thưởng ngoạn.

Du lịch xanh “lên ngôi”

E-magazineDu lịch xanh “lên ngôi”

(GLO)- Gia Lai có các tuyến giao thông đường bộ thuận lợi, những điểm cắm trại lý tưởng trong rừng, thác nước, nhất là các địa điểm du lịch đều gắn với thiên nhiên. 
Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.
Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

(GLO)- Từ trên cao, cánh đồng Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đẹp tựa như một bức tranh. Dưới ánh hoàng hôn, từng thửa ruộng ánh lên sắc màu ấm áp, bình yên. Mời các bạn cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của nơi này qua góc máy của tác giả Phạm Quý.
Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Chọn ở homestay nghỉ ngơi thư thái, tránh xa những điểm du lịch, khách sạn đông đúc, ồn ào và trải nghiệm khám phá thiên nhiên, đời sống người dân địa phương là lựa chọn của nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay.
Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

(GLO)- Vào những chiều hè nắng rực, khi ánh hoàng hôn dần buông soi chiếu xuống mặt nước, hồ Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) trở thành một tấm gương khổng lồ, tạo nên khung cảnh yên bình và lãng mạn.