Du khách trải nghiệm cưỡi ngựa, ngắm thú ở Phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trải nghiệm cưỡi ngựa hay đơn giản chỉ là check-in cùng ngựa và các loài thú với những bộ trang phục du mục bắt mắt đang được nhiều khách thập phương lựa chọn khi đến với Alpaca Farm (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) trong dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay.

Du khách trải nghiệm cưỡi ngựa tại Alpaca Farm dưới sự hỗ trợ của nhân viên nông trại. Ảnh: Mộc Trà
Du khách trải nghiệm cưỡi ngựa tại Alpaca Farm dưới sự hỗ trợ của nhân viên nông trại. Ảnh: Mộc Trà

4 chú ngựa được thuần hóa vừa được chủ nông trại Võ Mai Tú (36 tuổi) đầu tư trước kỳ nghỉ lễ nhằm mang đến cho du khách trải nghiệm mới mẻ khi ghé thăm Alpaca Farm.

Theo anh Tú, cưỡi ngựa là loại hình thể thao mang tính giải trí-nghệ thuật được nhiều người ưa chuộng trong những năm gần đây. Các trang trại ngựa, câu lạc bộ cưỡi ngựa đã dần xuất hiện ngày càng phổ biến hơn ở các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước và gần đây là ở Măng Đen (Kon Tum), thu hút nhiều du khách. Nắm bắt thị hiếu ấy, anh đã quyết định hợp tác với một trang trại ngựa ở Đà Lạt đưa ngựa và lạc đà sang Gia Lai phục vụ khách du lịch xa gần tại nông trại của mình trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh đã tìm đến Alpaca Farm để vui chơi trong những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Ảnh: Mộc Trà
Nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh đã tìm đến Alpaca Farm để vui chơi trong những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Ảnh: Mộc Trà

“Nhận thấy hiệu ứng khá tốt từ du khách, sau đó, tôi mạnh dạn mua thử 1 con ngựa trắng, nhuộm màu lông cho giống ngựa vằn để khách có những bức ảnh cuốn hút hơn. Chú ngựa vằn "fake" khi ấy trở thành “cơn sốt” check-in tại Alpaca Farm. Tiếp nối thành công đó, dịp lễ 30-4 và 1-5 này, tôi quyết định mua thêm 4 con ngựa trưởng thành đã được thuần hóa nữa đưa về nông trại; đồng thời, đầu tư phục trang, đạo cụ cho khách thuê chụp ảnh. Chỉ trong 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, khách tìm đến Alpaca Farm để trải nghiệm cưỡi ngựa và chụp ảnh khá đông”-anh Tú phấn khởi cho hay.

Để có thời gian thực hiện bộ ảnh chất lượng và ưng ý trên lưng ngựa, chị Ngô Thị Thảo Trinh (thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) cùng em trai đã có mặt tại Alpaca Farm từ khá sớm. Khoác lên mình bộ trang phục màu đỏ rực rỡ, chị Trinh hóa thân thành một thiếu nữ Mông Cổ-Tây Tạng xinh đẹp, thong dong trên lưng ngựa dưới sự hỗ trợ của nhân viên nông trại.

Chị Ngô Thị Thảo Trinh (thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) chụp ảnh cùng một chú ngựa tại Alpaca Farm. Ảnh: Mộc Trà

Chị Ngô Thị Thảo Trinh (thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) chụp ảnh cùng một chú ngựa tại Alpaca Farm. Ảnh: Mộc Trà

“Trước đây, tôi từng trải nghiệm cưỡi ngựa tại Vũng Tàu và rất thích cảm giác thư giãn, tự do tự tại trên lưng ngựa. Vì vậy, khi biết đến nông trại Alpaca có dịch vụ cưỡi ngựa qua Facebook, tôi đã quyết định đi ngay trong dịp lễ này. Với giá 50 ngàn đồng/người/vé vào cổng bao gồm nước uống, lại được cưỡi ngựa và check-in miễn phí, tôi thấy khá hợp lý. Vì muốn có bộ ảnh đẹp hơn nên tôi thuê thêm trang phục tại Farm với giá 100 ngàn đồng/bộ kèm trang sức, đạo cụ”-chị Trinh chia sẻ.

Không chỉ người lớn, trẻ em cũng rất thích thú khi được trải nghiệm trên lưng ngựa. Ảnh: Mộc Trà

Không chỉ người lớn, trẻ em cũng rất thích thú khi được trải nghiệm trên lưng ngựa. Ảnh: Mộc Trà

Ngoài ngựa cưỡi, dịp lễ này, chủ nông trại Alpaca Farm còn bổ sung thêm nhiều loài thú khác như: đà điểu, cừu, dê, thỏ, heo mini Thái Lan, hươu sao, đại bàng biển, gà tây, khỉ… Đây vốn là điểm nhấn thu hút khách đến với nông trại, nhất là các “vị khách nhí”.

Chị Trương Thị Hoài Thương (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) bày tỏ: “Tôi đã đi nhiều điểm du lịch, nông trại ở các tỉnh Tây Nguyên, song khá ấn tượng khi đến Alpaca Farm. Ở đây vừa có khu vui chơi cho trẻ, vừa có nhiều loài thú dễ thương để các con cùng ngắm, trải nghiệm cho ăn. Cả 2 con trai tôi đều rất thích nơi này”.

Những du khách "nhí" hào hứng cho thỏ ăn. Ảnh: Mộc Trà
Những du khách "nhí" hào hứng cho thỏ ăn. Ảnh: Mộc Trà

Được biết, ngay từ khi thành lập vào đầu năm 2023, Alpaca Farm đã tấp nập khách vào ra khi lần đầu tiên, những chú lạc đà Alpaca ngộ nghĩnh, đáng yêu đến từ đất nước Hà Lan được đưa về Phố núi Pleiku. Tuy nhiên, sau một thời gian chăm sóc, anh Tú nhận thấy loài vật này khó thể thích nghi với khí hậu Phố núi nên đã quyết định thay đổi vật nuôi.

Những chú đà điểu đang trong quá trình thuần hóa để đưa vào phục vụ du khách. Ảnh: Mộc Trà
Những chú đà điểu đang trong quá trình thuần hóa để đưa vào phục vụ du khách. Ảnh: Mộc Trà

“Hiện nay, tôi đang chuyển đổi dần từ các loài thú để khách cho ăn sang thú cưỡi. Ngoài ngựa, sắp tới, nông trại sẽ thuần hóa dần đà điểu và bổ sung thêm lạc đà; đồng thời, đầu tư mở rộng quy mô nông trại theo hướng xanh-sạch-đẹp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách xa gần”-chủ Alpaca Farm cho hay.

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.