Bí ẩn miền đất cổ Cát Tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng nằm trên một bồn địa ven sông Đồng Nai, giáp với hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước. Đây là vùng kinh tế mới của tỉnh Lâm Đồng sau năm 1975 nhưng đồng thời lại là vùng đất cổ mang trong mình những bí ẩn có từ hàng ngàn năm trước. Năm 1984, những phát hiện tình cờ về khảo cổ của hai cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng khiến cho vùng đất Cát Tiên được nhiều nhà khoa học chuyên ngành chú ý đến. Ngay trong cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên, các nhà khoa học đã bắt đầu làm hé lộ những bí ẩn của vùng đất được xem là “thánh địa” này.

Và, điều đặc biệt hơn, sau gần 30 năm phát lộ với hàng ngàn hiện vật được tìm thấy, vùng đất thánh Cát Tiên nằm bên bờ sông Đồng Nai của tỉnh Lâm Đồng ấy vẫn là một vùng đất hoàn toàn bí ẩn; bởi cho đến lúc này, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải một cách chính xác chủ nhân của thánh địa Cát Tiên là ai, di tích thuộc niên đại nào, văn hóa Cát Tiên thuộc nền văn hóa nào...

Bài viết của chúng tôi sau đây có thể giúp bạn đọc hiểu thêm phần nào về miền đất cổ Cát Tiên được xem là “miền đất thánh” với nhiều bí ẩn bị chôn vùi trong lòng đất từ ngàn năm nay!

Cát Tiên hiện là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Lâm Đồng. Huyện Cát Tiên nằm ở tận cùng phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng, có dòng sông Đồng Nai bao quanh và trở thành ranh giới của huyện này giáp với huyện Bù Đăng của tỉnh Bình Phước, huyện Tân Phú của tỉnh Đồng Nai và huyện Đak Rlấp của tỉnh Đak Nông (phía Đông giáp với hai huyện Đạ Tẻh và Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng). Cát Tiên nằm ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai. Trong lịch sử, sông Đồng Nai là con đường giao thương gần như duy nhất của các cư dân vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Nam bộ với các cư dân phía thượng nguồn Nam Tây Nguyên.

Trở lại vùng đất thánh

 

Một đền tháp vừa được khai quật. Ảnh: Khắc Dũng
Một đền tháp vừa được khai quật. Ảnh: Khắc Dũng

Chúng tôi lại một lần nữa vượt quãng đường dài gần 200 km từ Đà Lạt xuôi về phía Tây Nam để về với vùng đất thánh Cát Tiên cổ trong lịch sử đầy huyền tích. Trời như đổ lửa. Cả cái bồn địa nằm bên bờ sông Đồng Nai cứ như muốn tan chảy trong cái nắng nóng hầm hập. Ấy nhưng, thánh tháp trên quả đồi được đặt tên là A1 nằm ngay sát dòng Đồng Nai thượng nguồn vẫn vững chải đón bước chân chúng tôi trên từng bậc tam cấp ngất ngưởng từ chân tháp lên trên đỉnh tháp.

Ông Lương Nguyên Minh-Trưởng ban Quản lý Khu Di tích Khảo cổ học Cát Tiên-vào đề ngay khi chúng tôi đặt vấn đề: “Ngay từ khi mới phát hiện, các nhà khoa học khảo cổ Việt Nam đã cho rằng đây rất có thể là một trung tâm tôn giáo, là một “thủ đô” của một vương quốc cổ bị lãng quên. Tuy nhiên, qua 8 lần khai quật, đến nay, chủ nhân của di tích Cát Tiên vẫn đang còn là điều gây tranh cãi trong giới khoa học”. Ông Lương Nguyên Minh khái quát cho chúng tôi rõ hơn: “Di tích khảo cổ Cát Tiên nằm trải dài khoảng 15 km dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai. Phạm vi ảnh hưởng của di tích này còn kéo dài về phía hạ nguồn Bù Đăng của tỉnh Bình Phước. Tuy vậy, di tích được phân bố dày đặc tập trung tại địa bàn xã Quảng Ngãi và một phần của hai xã Đức Phổ và Gia Viễn của huyện Cát Tiên...”. Điều đáng lưu ý: Kể từ trước đến nay, Cát Tiên là di tích khảo cổ duy nhất do người Việt phát hiện và nghiên cứu! Di tích sau khi được hai cán bộ của Bảo tàng Lâm Đồng phát hiện tuy chỉ là tình cờ (1984) nhưng sự có mặt của một số cán bộ thuộc Viện Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh ngay sau đó với mục đích thẩm định các giá trị phát hiện đó đã khiến cho giới khoa học của nhiều ngành, đặc biệt là ngành khảo cổ, đặc biệt quan tâm, bởi nhận định ban đầu của các nhà khoa học đưa ra là đây rất có thể là một đô thị tôn giáo của một cư dân cổ ở vùng đất này.

Vẫn là miền thánh địa bí ẩn

 

Chiếc linga lớn nhất Đông Nam Á ở Cát Tiên. Ảnh: Khắc Dũng
Chiếc linga lớn nhất Đông Nam Á ở Cát Tiên. Ảnh: Khắc Dũng

Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) tại Hội thảo khoa học Di tích khảo cổ Cát Tiên lần II đưa ra ý kiến: “Chủ nhân của di tích Cát Tiên cũng là một vấn đề nhiều tranh luận và cần được làm sáng tỏ. Vấn đề chủ nhân khu di tích này cũng chủ yếu là các giả thuyết khoa học thông qua những tư liệu gián tiếp nhưng đa số các nhà khoa học đều cho rằng Khu Di tích Cát Tiên có quan hệ với các nền văn hóa lân cận như Óc Eo, Chămpa nhưng không phải là họ. Có người cho chủ nhân của khu di tích là người Mạ, có người cho Cát Tiên thuộc Thủy Chân Lạp...”.

Từ di tích Cát Tiên, Giáo sư Đào Duy Anh chỉ ra mối quan hệ giữa chủ nhân khu thánh địa với tiểu vương quốc Mạ-một trong những tộc người thiểu số Lâm Đồng hiện tại - qua cuốn sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” như sau: “Còn khối Sơ Ma (Stiêng và Mạ) thì từ xưa họ đã là một nước nhỏ chiếm ở miền rừng núi giữa Bình Thuận là đất Chiêm Thành và Biên Hòa là đất Chân Lạp. Sau khi chúa Nguyễn chiếm hết đất Chiêm Thành và bắt đầu chiếm đất Biên Hòa, Gia Định của Chân Lạp thì nước Sơ Ma không thể tồn tại độc lập được nữa ở ngay trên đường của người Việt Nam từ Khánh Hòa, Bình Thuận vào Biên Hòa, Gia Định. Thế là nước ấy suy tàn và các bộ lạc phải tản cư lên miền Tây Bình Thuận và miền Đông nước Cao Miên” (Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Thuận Hóa, Huế, 1994, tr. 212). Chúng tôi xin được lưu ý thêm: Tuy sự tồn tại của vương quốc Mạ trong lịch sử là hạn hữu (hiện tượng này diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới với điển hình là sự lụi tàn của nền văn hóa Crét-Myxen Hy Lạp cổ đại) nhưng nhiều thành tố văn hóa quan trọng của cư dân bản địa Mạ lưu dấu trong lịch sử vẫn bền vững qua thời gian và không gian với nhiều biểu hiện qua các lễ hội, phong tục, tập quán... Tuy nhiên, ở di tích Cát Tiên qua 8 lần khai quật với hàng ngàn hiện vật được tìm thấy, dấu vết văn hóa Mạ cổ đại xem ra khá nhạt nhòa nếu không muốn nói rằng hầu như không lưu dấu lại gì.

 

 Sông Đồng Nai chảy ngang qua khu thánh địa. Ảnh: Khắc Dũng
Sông Đồng Nai chảy ngang qua khu thánh địa. Ảnh: Khắc Dũng

Trong khi đó, TS. Đào Linh Côn (Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ thuộc Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ), một trong số ít nhà khảo cổ học tiếp cận di tích Cát Tiên ngay từ những ngày đầu phát hiện, thì cho rằng: “Về vấn đề chủ nhân của Cát Tiên, hiện nay và trong nhiều thời gian tới nữa vẫn không ai có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn. Bởi cho đến nay, tuy các nhà khảo cổ đã khai quật nhiều lần ở rất nhiều địa điểm khác nhau trong khu vực này, nhưng vẫn chưa có thông tin nào về cốt sọ người cổ dành cho các nhà nhân học để xác định chủ nhân của di tích. Sẽ là quá sớm khi nói chủ nhân của di tích là của người Mạ với chỉ một yếu tố vì nó nằm trong địa bàn cư trú của dân tộc Mạ. Ngoài ra, còn bởi cho đến tận nay, trên địa bàn Cát Tiên nói riêng và Lâm Đồng nói chung, khảo cổ chưa tìm thấy bằng chứng mang tính mắt xích để có thể liên hệ Cát Tiên với các di tích được cho là của các tộc người hiện đang sinh sống trên vùng đất Lâm Đồng”.

TS. Đào Linh Côn đặc biệt lưu ý: “Song trong di chỉ cư trú Cát Tiên đã tìm thấy gốm thô pha nhiều cát mịn giống với gốm thô thời tiền sử vùng Đồng Nai và gốm thô trong di tích Phù Mỹ (Cát Tiên, Lâm Đồng) đồng thời phát hiện được dấu vết xương cốt người trong vò hoặc chum chôn trong mộ dạng Óc Eo. Với những phát hiện trên, bước đầu cho phép xác định, cư dân Cát Tiên có nguồn gốc bản địa, họ là hậu duệ của lớp người cổ sống ở vùng Đông Nam bộ-Nam Tây Nguyên từ khoảng 5.000 năm đến 2.000 năm cách ngày nay. Vào thời kỳ đầu của lịch sử, thế kỷ IV-VII, cư dân này phụ thuộc Phù Nam, chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Óc Eo, có quan hệ giao lưu, trao đổi kinh tế với cư dân văn hóa Chămpa thuộc ngữ hệ Malayo-polinesien và tiếp xúc với văn minh Ấn Độ. Sau khi Phù Nam suy vong, nhà nước Cát Tiên đã có sự liên kết quan hệ chặt chẽ với láng giềng gần gũi Chămpa và với các vùng đất khác. Tại Cát Tiên, ngoài cư dân bản địa chủ yếu, còn có cư dân Malayo - polinesien ở vùng ven biển lên và có thể cả cư dân thuộc ngữ hệ Môn-Khơme ở phía tây sang. Cũng như vương quốc Phù Nam, Cát Tiên trong suốt thời gian tồn tại nhiều thế kỷ là một vùng đất hay một quốc gia đa dân tộc”.

Và bởi vậy, cho đến lúc này, miền đất thánh Cát Tiên bí ẩn vẫn hoàn... bí ẩn!

Khắc Dũng

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.