Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku phẫu thuật khâu nối chi thể bị đứt lìa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghe tin chồng mình bị người ta cắn đứt tai phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku, chị H’Liu (làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) rụng rời cả chân tay. Đến nơi, chứng kiến vết thương, cả nhà chị ai cũng nghĩ chồng H’Liu sau này sẽ phải mang tật suốt đời. Thế nhưng, vợ chồng chị rất phấn khởi vì nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku đã mang lại kết quả hết sức ấn tượng.

Bác sĩ Tăng Văn Thành-Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku) cho biết: Vào lúc 20 giờ 50 phút ngày 14-1-2018, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Puih Khẩn (29 tuổi, ở làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Qua thăm khám cho thấy vành tai trái của bệnh nhân bị cắn đứt rời 1/4 trên. Người đưa bệnh nhân đi có mang theo vành tai bị đứt… Các bác sĩ nhanh chóng tiếp nhận và triển khai bảo quản phần đứt rời đồng thời hội chẩn đề ra phương án cứu chữa cho người bệnh. Trong đó, có 3 phương án được đưa ra: phương án 1, nối lại, không nối mạch máu; phương án 2, nối lại có nối mạch máu và phương án 3, chỉ nuôi giữ sụn để tạo khung cho vành tai.

 

Puih Khẩn được nhân viên y tế chăm sóc vết thương sau phẫu thuật. Ảnh: N.N
Puih Khẩn được nhân viên y tế chăm sóc vết thương sau phẫu thuật. Ảnh: N.N

“Tuy nhiên, với mảnh tai tương đối lớn thì khi triển khai phương án 1 khả năng sống của mảnh tai này không có. Phương án 2 cũng không thực hiện được vì phần đứt bị dập nát hết và mạch máu quá nhỏ. Phương án 3 là khả thi nhất và có thể thực hiện được vì sụn sống nhờ thẩm thấu. Sau khi phân tích, các bác sĩ đã quyết định triển khai phương án 3”-bác sĩ Thành cho biết thêm.

Theo bác sĩ Thành, đầu tiên chỉ nghĩ sẽ rạch mảnh da sau tai nuôi sụn dưới da, vành tai có thể phục hồi nhưng không đẹp; các bác sĩ quyết định khâu nối lại sụn đúng vị trí ban đầu sau đó tạo những vạt da từ mặt trước tai và sau tai bọc lấy sụn. Như vậy, sụn được nuôi dưỡng nhờ các vật da bọc lấy và vành tai có được hình dáng tương tự như ban đầu. Sau gần 3 giờ đồng hồ thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công.

Một tuần sau mổ, kiểm tra cho thấy các vạt da sống tốt, không có sự co rút của vành tai và không có dấu hiệu nhiễm trùng. Để có được vành tai như ban đầu thì bệnh nhân chỉ cần thực hiện thêm một cuộc phẫu thuật nhỏ. “Đây là ca bệnh lần đầu tiên chúng tôi gặp và trước đây cũng chưa thấy ca nào tương tự. Đối với một bệnh viện hạng 3 thì đây là phẫu thuật khó, thông thường thì phẫu thuật này chỉ được thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa sâu. Tuy nhiên, với trường hợp này, bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng lo âu, họ muốn bác sĩ ở đây cố gắng cứu chữa trong khả năng và điều kiện cho phép. Họ đã đặt niềm tin ở chúng tôi và thực sự không muốn và không đủ điều kiện để đi đâu nữa. Ngoài ra, khi triển khai phương án 3 thì sụn được nuôi giữ lại, trong trường hợp phẫu thuật phức tạp thì sau này bệnh nhân có thể chuyển tuyến trên cũng dễ dàng vì phần sụn được nuôi giữ lại tạo điều kiện cho phẫu thuật tạo hình vành tai sau này dễ dàng và hiệu quả hơn. Thành công này khiến bác sĩ lẫn bệnh nhân hết sức vui mừng”-bác sĩ Thành chia sẻ.

Anh Puih Khẩn phấn khởi nói: “Khi tai nạn xảy ra, tôi nghĩ khó nối lại được và mình sẽ phải mang tật suốt đời. Nhưng đến giờ phút này thì mình mừng lắm, mảnh tai bị đứt đã về đúng vị trí. Cảm ơn các bác sĩ đã tận tình cứu chữa”. Trong khi đó, chị H’Liu thì cho biết: “Vợ chồng mình có 3 con, kinh tế gia đình phụ thuộc vào thu nhập từ 3 sào cà phê nên cũng còn nhiều khó khăn. Thẻ bảo hiểm y tế mới mua nên 1 tháng sau mới sử dụng. Do đó, gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu phải chuyển viện. Cũng may, các bác sĩ của bệnh viện đã nỗ lực cứu chữa và phẫu thuật thành công”.   

Từ năm 2010, Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku đã bắt đầu thực hiện khâu nối chi thể bị đứt lìa. Hầu hết các trường hợp mà Bệnh viện thực hiện đều là đứt lìa ở bàn tay và ngón tay. Đến nay, Bệnh viện đã phẫu thuật thành công nhiều ca, kết quả khâu nối thành công (chi thể sống) là 70%, phần lớn là phục hồi được phần đáng kể chức năng của bàn tay. Khi đầu ngón tay bị đứt lìa mà không khâu nối được, phẫu thuật tạo hình để tái tạo ngón tay có hình dáng và chức năng tương tự như ban đầu cũng thường xuyên thực hiện. Thành công trong việc tái tạo vành tai bị đứt rời cho bệnh nhân thêm một lần nữa khẳng định uy tín của Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku trong lĩnh vực khâu nối và tái tạo chi thể bị đứt lìa, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

(GLO)- Từ ngày 23 đến 25-4, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính cho 34 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác dinh dưỡng tuyến huyện thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024.
Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Có những cơn nhức đầu khó chịu và vùng đau chủ yếu nằm ở nửa bên phải đầu. Cảm giác đau nhức này có thể xuất hiện ở sau đầu, hàm, mắt hay xoang. Tuy nhiên, tất cả đều nằm ở nửa bên phải đầu. Nguồn gốc của những cơn đau nhức có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

Do hãng dược phẩm EuBiologics (Hàn Quốc) sản xuất, vaccine Euvichol-S được phát triển từ một công thức đơn giản hóa, sử dụng ít thành phần hơn, rẻ hơn và có thể sản xuất nhanh hơn phiên bản trước.