"Bền lâu" như... nghịch lý ngành thép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong báo cáo mới đây của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã chỉ ra năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam khá thấp, phần lớn các nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép đều phải nhập khẩu, nên sẽ chịu ảnh hưởng biến động giá theo thị trường thế giới.
 

Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Công ty TNHH Thép JFE Shoji Hải Phòng tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Công ty TNHH Thép JFE Shoji Hải Phòng tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)


Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều nhà máy có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, nguy cơ về môi trường nhưng sản phẩm không đa dạng. Do đó, cần có một chiến lược tổng thể để phát triển ngành thép Việt Nam, trong đó mục tiêu tự chủ sản xuất thép trong nước là yêu cầu tất yếu của việc tự chủ nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, cũng như quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất quốc gia.

Ngành thép Việt Nam từ lâu đã tồn tại một nghịch lý mà bấy lâu nay vẫn chưa giải quyết được. Đó là tình trạng dư thừa nguồn cung thép xây dựng, nhưng lại thiếu trầm trọng các sản phẩm thép chất lượng cao như: thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, thép tấm cán nguội, thép HCR, thép hợp kim,… phục vụ trong ngành công nghiệp chế tạo. Nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu và thị trường thế giới.

Do đó, dù là nước xuất khẩu thép lớn trong khu vực ASEAN với khoảng 14 triệu tấn, trị giá hơn 12,7 tỷ USD (năm 2021), nhưng Việt Nam vẫn phải nhập tới hơn 13 triệu tấn thép, trị giá 12,2 tỷ USD. Nhìn lại lịch sử giai đoạn 1996-2000, ngành thép Việt Nam đã phát triển “nóng” khi có nhiều dự án đầu tư mới với 12 nhà máy sản xuất thép liên doanh, sản lượng thép toàn ngành đã đạt 1,57 triệu tấn vào năm 2000. Nhưng thời điểm đó ngành thép chỉ tập trung phát triển các nhà máy cán thép xây dựng đơn thuần, đa phần đều sản xuất thép từ thép phế liệu do công nghệ đơn giản, mức đầu tư vốn, công nghệ, máy móc với yêu cầu thấp, nên rất thiếu các dự án nhà máy sản xuất thép chất lượng cao mà thị trường trong nước chưa đáp ứng được.

Sản xuất thép của Việt Nam cũng liên tục tăng, năm 2010 đạt khoảng 4,3 triệu tấn, đến năm 2016 đạt 7,8 triệu tấn và năm 2021 đạt hơn 33 triệu tấn thép với lượng tiêu thụ đạt 29 triệu tấn. Điều này cho thấy một nghịch lý, nguồn cung thép sản xuất trong nước dư thừa, đủ cho cầu tiêu thụ trong nước cũng như đáp ứng được một phần nhu cầu xuất khẩu nhưng giá thép liên tục tăng từ cuối năm 2021 đến nay với nguyên nhân chính là do

giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu tăng đột biến. Việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu đã kéo tụt năng lực cạnh tranh của thép Việt Nam khiến giá thép thành phẩm trong nước luôn phải điều chỉnh theo thị trường thế giới.

Dự kiến trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép với khoảng 18 triệu tấn quặng sắt cho các lò cao; 6 triệu đến 6,5 triệu tấn thép phế liệu cho các lò điện; 6,5 triệu tấn than mỡ luyện cốc và 10 nghìn tấn điện cực graphite. Tuy nhiên, giá các loại nguyên liệu này vẫn duy trì ở mức cao cho nên tiếp tục sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.

Vì vậy, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có các định hướng chính sách rõ ràng và đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thép, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững. Nghiên cứu, giải bài toán “nghịch lý thiếu, thừa” đang tồn tại hàng chục năm nay của ngành thép nhằm giúp các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao trình độ kỹ thuật, quản lý. Phải thu hút và đầu tư một số dự án nhà máy liên hợp sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao, có quy mô lớn để phục vụ nhu cầu trong nước. Từ đó giúp giảm dần sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu để tránh bị động khi thị trường thế giới biến động lớn.

Theo MINH DŨNG (NDĐT)

 

Có thể bạn quan tâm

Học từ thực tiễn

Học từ thực tiễn

Những ngày này học sinh đến trường thật vui. Các em được tham gia hoạt động chào đón Tết Nguyên đán nhưng thông qua sinh hoạt bên ngoài lớp học lại biết được nhiều điều từ cuộc sống, những thứ mà hằng ngày có khi không chạm tới được.

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.