Việc Ngân hàng ACB tung gói vay "Ngôi nhà đầu tiên" với thời gian vay lên đến 30 năm, thủ tục đơn giản và linh hoạt cùng lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm trong 5 năm đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, nhất là người trẻ - đối tượng của gói vay này. So với mức lãi vay thông thường áp dụng với bất động sản trên thị trường, thời gian cố định lãi suất kỳ đầu tiên cũng như thời gian vay..., có thể nói, các điều kiện đều rất hấp dẫn. Thế nhưng sau khi tính toán, nhiều người vẫn "chào thua" vì nhiều lý do.
Thứ nhất, dù các điều kiện hấp dẫn nhưng giá nhà trên thị trường hiện quá cao. Muốn mua nhà giá trung bình hay thấp đều không có. Theo báo cáo cuối năm 2024 của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, căn hộ bình dân xuất hiện lần cuối năm 2020, căn hộ trung cấp có mặt lần cuối trên thị trường năm 2023 còn đến năm 2024 chỉ có nhà cao cấp. Không chỉ hết nhà giá rẻ mà giá nhà cao cấp cũng tăng phi mã. Mới nhất, theo Công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, 3 tháng cuối năm 2024, chung cư TP.HCM thiết lập mức giá kỷ lục mới, trung bình đạt 91 triệu đồng/m2 (chưa gồm thuế phí), tăng 36% theo quý và 33% theo năm. Nhìn vào mức giá này có thể thấy rõ dù được ưu đãi lãi vay cũng khó mà kham nổi khoản gốc, lãi trả mỗi tháng nếu vay 70%, thậm chí là 50% tổng giá trị căn nhà.
Thứ 2, rất nhiều gói ưu đãi của chúng ta "bị ế" vì điều kiện, thủ tục quá khắt khe, thậm chí có những yêu cầu vô lý mà đối tượng thụ hưởng không thể đáp ứng. Vì vậy, nỗi lo thủ tục vẫn ám ảnh nhiều người, nhất là người trẻ.
Thứ 3, thời hạn gói vay dài nên rủi ro lãi vay sau ưu đãi là rất lớn. Chuyện ưu đãi thành "ngược đãi" đã xảy ra không ít trên thị trường nên cần có giải pháp để người vay yên tâm hơn.
Dẫn ra để thấy chỉ ưu đãi lãi vay thôi thì chưa đủ. Muốn người trẻ nói riêng và người dân nói chung có chỗ an cư, cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ. Đơn cử như tăng cường nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân để họ có sự lựa chọn. Đặc biệt, phải có các biện pháp kéo giảm và ổn định giá nhà đất, nếu không thì ưu đãi sẽ không đuổi kịp giá nhà. Thực tế lâu nay, ưu đãi 1 thì giá nhà tăng 2; thậm chí các gói ưu đãi chưa kịp triển khai thì giá đã bốc đầu tăng trước... Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ghìm cương giá bất động sản? Dư địa để làm việc này chính là tháo nút thắt thủ tục, pháp lý cho hàng trăm dự án dở dang, chậm tiến độ trên cả nước; đẩy nhanh quy trình để thời gian một dự án từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư cho tới khi đến tay người tiêu dùng được rút ngắn; đưa các chính sách ưu đãi cho nhà ở xã hội triển khai nhanh trên thực tế... Những giải pháp này không mới, đã được nói đến rất nhiều lần trong suốt mấy năm qua.
Ở thời điểm hiện tại cũng đã thấy những tín hiệu chuyển động, nhiều dự án đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, tốc độ này so với tốc độ tăng giá nhà, so với nhu cầu, so với mục tiêu vẫn còn rất, rất chậm.
Chính phủ đang quyết liệt với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm nay cũng như 2 con số trong những năm tới. Đây là lúc cần sự đóng góp, tận lực tận tâm của tất cả người dân, doanh nghiệp; phát huy nội lực của tất cả ngành nghề, lĩnh vực. Bất động sản là ngành kinh tế tổng hợp, là đầu vào đầu ra của vài chục ngành quan trọng trong nền kinh tế. Vì vậy, khơi thông, tháo ách tắc cho ngành này phát triển thì sự đóng góp là rất lớn.
Ngân hàng đã vào cuộc ưu đãi lãi suất, giờ là lúc cần những cơ quan có thẩm quyền liên quan quyết liệt phần việc của mình để cung - cầu trên thị trường gặp nhau, giúp người dân có chỗ an cư, lạc nghiệp.
Theo Nguyên Minh (TNO)