Không thể phủ nhận các phòng khám tư nhân có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, trong bối cảnh các cơ sở khám chữa bệnh công vẫn quá tải.
Tuy nhiên, công tác quản lý các phòng khám tư nhân lại là câu chuyện khác. Thử nhìn lại câu chuyện Phòng khám đa khoa Bình Thuận "chặt chém" một người bệnh ở đảo Phú Quý với số tiền trên 32 triệu đồng khi thanh niên này đến chỉ để thực hiện thủ thuật "cắt bao quy đầu". Trong y khoa, thủ thuật này không phải là kỹ thuật phức tạp, hầu như tất cả các phòng khám chuyên khoa, đa khoa đều có thể giải quyết cho người bệnh mà không cần lo lắng.
Tuy nhiên, việc phòng khám đã dùng chiêu trò vòi tiền người bệnh lên cao gấp nhiều lần, là hành vi khó có thể chấp nhận.
Mặc dù phòng khám đã bị xử phạt số tiền 19,7 triệu đồng (thấp hơn nhiều số tiền phòng khám này chặt chém người bệnh), nhưng câu hỏi mà dư luận đặt ra là đã có bao nhiêu trường hợp người bệnh bị chặt chém tương tự, chưa được phát hiện và xử lý ?
Mặt khác, liệu từ nay về sau, vụ việc tương tự còn tái diễn tại phòng khám này hay không? Trong báo cáo của Sở Y tế Bình Thuận mới đây về các sai phạm của phòng khám này có đặt ra yêu cầu phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các phòng khám, nếu để xảy ra tình huống như đã nêu.
Công tác quản lý, kiểm tra việc khám bệnh, chữa bệnh ở các phòng khám tư nhân hiện nay chưa kiểm soát hiệu quả, cần được tăng cường hơn nữa. Vì điều đó không chỉ góp phần đưa hoạt động khám chữa bệnh ngoài công lập đi vào nền nếp; mà còn giữ uy tín cho ngành y, không gây bức xúc cho người bệnh, tập trung các nguồn lực xã hội một cách hiệu quả vào công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Theo Quốc Hanh (TNO)