Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xuất khẩu nông sản năm qua là một trong những mảng sáng của bức tranh kinh tế đất nước, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới.

Năm 2024 khép lại với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023; xuất siêu đạt mức kỷ lục 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%. Trong đó, 11 mặt hàng duy trì kim ngạch trên 1 tỷ USD, 7 mặt hàng vượt mốc 3 tỷ USD.

Đây là kết quả của những nỗ lực chuyển dịch sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Những mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, trái cây và thủy sản đều có những bước tiến vượt bậc. Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 9 triệu tấn, mang về hơn 5,7 tỷ USD, trong đó ĐBSCL đóng góp hơn 90%. Xuất khẩu rau quả đạt 7,2 tỷ USD, tăng 1,6 tỷ USD so với năm 2023, riêng sầu riêng đóng góp 3,4 tỷ USD. Thủy sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, tăng 12,7%; trong đó tôm đạt 4 tỷ USD (tăng 16,7%) và cá tra đạt 2 tỷ USD (tăng 8,9%). ĐBSCL hiện chiếm hơn 65% sản lượng trái cây và hơn 70% sản lượng thủy sản của cả nước, khẳng định vai trò trung tâm của vùng trong chuỗi cung ứng nông sản quốc gia.

Tuy nhiên, để duy trì và tăng cường vị thế trên thị trường quốc tế, khu vực này cần các chiến lược đồng bộ, bao gồm đầu tư hạ tầng, kết nối giao thương và đổi mới cách thức sản xuất, xuất khẩu. Cùng với đó cần giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở và yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, áp lực từ “cuộc chiến thương mại” và chính sách thương mại khó đoán định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi hỏi phải linh hoạt trong các chiến lược tiếp cận thị trường và thích ứng trước các thay đổi.

Hiện nay mặc dù đã có những chuyển dịch tích cực trong tỷ trọng các mặt hàng nông sản theo hướng chế biến tinh nhưng phần lớn nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dạng thô hoặc sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao. Trong khi đó các nước cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia đã đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và chuỗi cung ứng. Để tăng tính cạnh tranh chúng ta cần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến, xây dựng các thương hiệu nông sản mạnh cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Một trong những thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp là sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và tác động của giá cả thị trường thế giới. Chi phí sản xuất trong nước, từ phân bón, thức ăn chăn nuôi đến vận chuyển đều bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông sản vẫn chịu cảnh “được mùa mất giá” do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ.

Do đó, việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản mạnh mẽ hơn, từ sản xuất đến tiêu thụ, là một yêu cầu cấp thiết. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đối với ngành thủy sản, ĐBSCL chiếm hơn 70% sản lượng nuôi trồng của cả nước, đặc biệt là tôm và cá tra. Trong năm 2024, xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, cá tra đạt 2 tỷ USD, phản ánh sự phục hồi và tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang siết chặt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và bảo vệ môi trường. Ngành thủy sản cần chú trọng vào việc xây dựng vùng nuôi đạt chuẩn quốc tế, đầu tư chế biến sâu, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tăng cường đàm phán mở rộng thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống.

Nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và nông dân trong việc đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường. Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong tiếp cận thị trường mới, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến cũng như xây dựng thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng chủ lực.

Sự chủ động, sáng tạo và thích ứng linh hoạt sẽ là chìa khóa giúp nông sản Việt Nam không chỉ giữ vững điểm sáng xuất khẩu mà còn vươn xa hơn trên bản đồ nông nghiệp toàn cầu.

Theo TS TRẦN HỮU HIỆP (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Bứt tốc ngay đầu năm mới

Bứt tốc ngay đầu năm mới

Là năm tăng tốc, về đích trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025) và khởi động cho giai đoạn phát triển mới của đất nước, thế nên tết năm 2025 đã diễn ra hết sức đặc biệt.

Để Việt Nam phát triển nhân lực AI

Để Việt Nam phát triển nhân lực AI

Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã đặt ra nhiều thách thức lớn cho các trường ĐH trong việc định hướng, đổi mới chương trình, chiến lược đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và thị trường lao động.

Bất cập bảo hiểm xe máy

Bất cập bảo hiểm xe máy

Với tỷ lệ bồi thường quá thấp, chính sách không còn thực sự phát huy tác dụng, đã tới lúc cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm túc xem xét xử lý bất cập liên quan bảo hiểm xe máy bắt buộc.

Đội ngũ tiên phong

Đội ngũ tiên phong

Nửa sau thế kỷ 20 và 1/4 đầu thế kỷ 21, hai tiếng Việt Nam đã vang khắp địa cầu như một biểu tượng của tinh thần quật cường và độc lập dân tộc; của lương tri và phẩm giá; của tinh thần đổi mới và hội nhập mạnh mẽ, thành công.