Cán bộ phải trọng liêm sỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ thị số 42 của Bộ Chính trị về tăng cường giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đã đặt ra một vấn đề cốt lõi: liêm sỉ của người cán bộ.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Chỉ thị số 42 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu cán bộ, đảng viên phải trọng liêm sỉ, không tham nhũng, lãng phí.

Đây không chỉ là vấn đề đạo đức cá nhân mà còn là yếu tố quyết định đến hiệu quả công việc và niềm tin của nhân dân vào bộ máy công quyền.

Liêm sỉ - hai chữ tưởng đơn giản nhưng lại là thước đo quan trọng của phẩm giá người cán bộ. Đó là sự trong sạch về đạo đức, là lòng tự trọng và danh dự, là ranh giới giữa đúng và sai mà mỗi cán bộ, đảng viên phải tự vạch ra cho mình.

Trong thực tế, chúng ta đã chứng kiến không ít trường hợp cán bộ vì thiếu liêm sỉ mà đánh mất chính mình. Điển hình là vụ việc xảy ra trong ngành y tế. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, một số cán bộ trong ngành y tế đã lợi dụng tình hình khẩn cấp để trục lợi từ việc mua sắm vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, vắc-xin và các thiết bị phòng chống dịch. Các cán bộ này có trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng họ lại chọn con đường tham nhũng, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng chống dịch, gây ra những tổn thất về người và tài sản.

Gần đây nhất là vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nơi một số cán bộ ngân hàng đã tiếp tay cho doanh nghiệp thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua việc phát hành trái phiếu.

Tệ hơn, nhiều cán bộ khi vướng vào sai phạm lại tìm cách che giấu, đổ lỗi hoặc trốn tránh trách nhiệm. Điển hình như trong vụ Việt Á, nhiều cán bộ đã cố tình xóa dấu vết, chối bỏ trách nhiệm và tìm cách đổ lỗi cho cấp dưới. Hay như trong vụ AIC, một số cán bộ có liên quan đã bỏ trốn ra nước ngoài, thể hiện sự thiếu trách nhiệm và liêm sỉ của người cán bộ.

Cán bộ không có liêm sỉ chính là nguyên nhân sâu xa của nhiều tệ nạn trong bộ máy công quyền. Bởi, khi không còn tự trọng và danh dự, con người dễ dàng đánh đổi lương tâm để trục lợi cá nhân. Hậu quả của việc này không chỉ là thiệt hại về kinh tế mà còn làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân. Khi người dân không còn tin tưởng vào bộ máy công quyền, mọi chính sách dù tốt đến đâu cũng khó thực thi hiệu quả.

Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, có đạo đức không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là nhiệm vụ sống còn của hệ thống.

Để xây dựng và củng cố liêm sỉ trong đội ngũ cán bộ, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, phải tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục về liêm sỉ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, tạo môi trường làm việc minh bạch để cán bộ "không thể tham nhũng, tiêu cực".

Phương châm "không muốn, không thể, không dám, không cần" tham nhũng, tiêu cực phải được thực thi mạnh mẽ, minh bạch. Trong đó, "không muốn" chính là biểu hiện của liêm sỉ - khi người cán bộ tự đặt ra giới hạn đạo đức cho mình.

Tất nhiên, để đạt được điều này, ngoài ý thức tự giác của mỗi cá nhân, còn cần có những điều kiện vật chất phù hợp – là việc "nâng cao đời sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức".

Trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cũng phải được quán triệt. Khi người lãnh đạo thể hiện rõ phẩm chất liêm sỉ trong công việc và đời sống, họ không chỉ tạo niềm tin cho cấp dưới mà còn góp phần xây dựng văn hóa liêm chính trong toàn bộ hệ thống.

Ngược lại, nếu người đứng đầu thiếu liêm sỉ, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Nói thẳng, liêm sỉ chính là "la bàn đạo đức" của người cán bộ.

Đó không chỉ là yêu cầu của Đảng mà còn là đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Chỉ khi đội ngũ cán bộ thực sự coi trọng liêm sỉ, lấy đó làm kim chỉ nam cho hành động, Việt Nam mới có thể xây dựng được nền hành chính trong sạch, hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

Theo QUỐC HY (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Lãi vay thấp, thời hạn vay dài là điều kiện quá tốt để người trẻ nói riêng và người có thu nhập thấp nói chung sở hữu một chỗ an cư. Thế nhưng chỉ ưu đãi lãi vay thôi thì chưa đủ mà cần có thêm nhiều biện pháp đồng bộ khác nữa thì cung - cầu trên thị trường bất động sản mới có thể gặp nhau.

Đứng về phía người nghèo

Đứng về phía người nghèo

(GLO)- Trong nhiều nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi phải hoàn thành trong năm 2025, Trung ương tập trung tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc phát sinh và phát động các phong trào thi đua. 

Thương chiến đã đến cửa

Thương chiến đã đến cửa

Như vậy, chỉ 5 ngày sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuẩn bị kịch bản ứng phó cho khả năng chiến tranh thương mại, thì nguy cơ này đã bắt đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế VN.

Niêm yết giá, luật đã có sao chưa làm?

Niêm yết giá, luật đã có sao chưa làm?

Quán bún riêu nổi tiếng có tuổi đời chục năm ở Hà Nội đã bị đóng cửa ngay đầu năm mới, do hành khách tố phải trả 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún. Khi bị dư luận phản ứng và cơ quan chức năng vào cuộc thì chủ quán thanh minh là "nói đùa" khi tính tiền.

Giải thoát hơn giải hạn

Giải thoát hơn giải hạn

Năng lượng tốt lành đầu năm đáng ra trở thành động năng cho mọi người vào một năm mới an lạc, thế nhưng nhiều người hằn sâu trong tâm trí sự ám ảnh cố hữu: nam sợ La Hầu, nữ sợ Kế Đô, Thái Bạch mất sạch cửa nhà...