
Khi được sử dụng rộng rãi, mạng xã hội trở thành nơi các đối tượng lợi dụng nhằm lan truyền tin giả (fake news), tạo nhiều luồng dư luận xấu, thậm chí gây đảo lộn đời sống của người dân, ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đáng nói, tin giả ngày càng xuất hiện với tần suất dày đặc và càng khó để nhận diện nếu người dân không có đủ kiến thức, kỹ năng và sự tỉnh táo.
Gần đây, báo chí liên tục đưa tin về các trường hợp bị xử phạt do đăng tải thông tin không đúng sự thật. Ngày 25-1, Công an TP. Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tài khoản mạng xã hội L.H.T. vì nhiều lần sử dụng tài khoản cá nhân chia sẻ, bình luận các bài viết trên mạng xã hội Facebook với nội dung xuyên tạc, ảnh hưởng xấu đến quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Công an huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) cũng đang củng cố hồ sơ để xử lý người phụ nữ đăng tải hình ảnh chiếc ô tô kèm theo nội dung “Xe này bắt cóc nè, giờ tới Ea Súp mình rồi, mọi người cẩn thận nhé, đừng lại gần. Mọi người cảnh giác nhé” lên mạng xã hội Facebook, gây hoang mang dư luận. Công an TP. Đà Nẵng cũng đã mời người phụ nữ tự cho rằng “bị đối tượng xin đi nhờ xe bỏ thuốc mê” và chia sẻ câu chuyện lên trang Facebook cá nhân, gây hoang mang dư luận. Qua làm việc, Công an xác định không có việc người này bị bỏ thuốc mê giữa đường. Sau đó, chủ tài khoản đã xóa bài đăng, đồng thời đăng thông tin đính chính.
Tại Gia Lai, mới đây nhất, tài khoản trên mạng xã hội Facebook có tên “Lê Yến” đăng tải thông tin một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng với dòng tiêu đề “Tin Gia Lai: Cần tìm gấp người nhà cho nạn nhân ở Tô Vĩnh Diện, Pleiku”. Đặc biệt, đối tượng còn đăng bạn nữ đi cùng đã tử vong, còn bạn nam đã được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Thế nhưng, qua xác minh từ cơ quan Công an TP. Pleiku, tin tức này hoàn toàn giả mạo, tại đường Tô Vĩnh Diện cũng như trên địa bàn thành phố không có vụ tai nạn nào xảy ra tại thời điểm như trên. Các đường link được cho là trích camera an ninh khi xảy ra vụ việc cũng đều là link giả, kích thích tính tò mò của người xem nhằm lừa đảo. Tháng 9-2024, chủ một fanpage nổi tiếng tại Pleiku cũng bị xử phạt hành chính vì thông tin không đúng sự thật về vụ va chạm giữa xe cứu nạn cứu hộ và một nam thanh niên khiến người này thiệt mạng, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy.
Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội. Có khoảng 110 triệu tài khoản người Việt Nam sử dụng mạng xã hội trong nước. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 30-6-2024, Zalo có 76,5 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, vượt qua cả 3 nền tảng xuyên biên giới gồm: Facebook (72 triệu), YouTube (63 triệu) và TikTok (67 triệu). Lượng thông tin được cập nhật trên mạng xã hội từng giây, từng phút vô cùng khổng lồ, đa chiều, đa phương thức đòi hỏi người dùng phải thực sự tỉnh táo, có kiến thức và kỹ năng để phân biệt, nhận diện tin chính thống và tin giả. Để làm được điều đó, trước hết, mỗi người phải nghiên cứu, nắm vững các kiến thức về luật pháp, đặc biệt là Luật An ninh mạng. Tích cực theo dõi thông tin trên các website, trang mạng xã hội của các cơ quan thông tấn, báo chí chính thống để có thêm những hiểu biết sâu sắc về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cần phải có tư duy phản biện trước những thông tin trái chiều, những nguồn tin chưa có sự kiểm chứng; không share, like những thông tin mà bản thân chưa chắc chắn về mức độ tin cậy, tính chính xác. Đồng thời, cần kiên quyết vạch mặt, ngăn chặn, đấu tranh, phản bác; cảnh báo cho mọi người biết để đề phòng và báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý khi phát hiện đó là tin giả, tin xấu độc, thất thiệt. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật An ninh mạng, cố tình đăng tải thông tin không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng nhằm tạo sự răn đe.