Trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu đang có những biến động sâu sắc, việc xây dựng, thực thi chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu hợp lý trở thành vấn đề sống còn.
Đầu năm 2025, thương mại toàn cầu "nổi sóng" khi Tổng thống Donald Trump áp dụng hàng loạt sắc thuế mới với hàng hóa nhập khẩu Mỹ - nền kinh tế chiếm khoảng 25% GDP và 10% thương mại hàng hóa, dịch vụ toàn cầu. Trong đó, đáng chú ý là quyết định đánh thuế 25% đối với toàn bộ sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu và kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối ứng với nhiều quốc gia. Động thái này không phải là sự nhen nhóm của cuộc chiến thương mại toàn cầu mà có lẽ là sự định hình, thiết lập hệ thống thương mại toàn cầu mới. Việt Nam cần chủ động hơn để tham gia hệ thống thương mại toàn cầu mới này.
Trong hệ thống thương mại toàn cầu mới, các hiệp định thương mại tự do (FTA) chắc chắn vẫn có vai trò quan trọng giúp Việt Nam đứng vững trong chuỗi cung ứng. Chúng ta đang có lợi thế nhờ hội nhập sâu rộng thế giới khi đã tham gia 17 FTA với nhiều đối tác thương mại. Các thỏa thuận thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 400 tỉ USD năm 2024. Nhu cầu cấp thiết hiện nay là phải xác lập tầm nhìn dài hạn, linh hoạt, khai thác các FTA thế hệ mới, đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa và nắm bắt cơ hội.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang được định vị lại, chiến lược tận dụng các FTA cũng cần thay đổi. Việt Nam có thể chủ động đàm phán với Mỹ về quan hệ thương mại cân bằng, phát triển bền vững giữa hai quốc gia. Nhờ mối quan hệ thương mại có tính chất tương hỗ giữa Việt Nam và Mỹ, cơ hội cho chúng ta chắc chắn vẫn rất rộng mở. Mặt khác, việc hình thành các FTA có chuẩn mực cao, được dẫn dắt bởi những nền kinh tế lớn là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa thị trường sang châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ; khai thác triệt để các FTA thế hệ mới; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt; thúc đẩy marketing số và tận dụng thương mại điện tử là những trụ cột quan trọng trong bối cảnh mới. Bối cảnh mới cũng đòi hỏi ứng xử, cải cách đột phá về thể chế, khả năng tuân thủ quy tắc xuất xứ và tăng cường kết nối với đối tác quốc tế.
Sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tận dụng các FTA và những cam kết hợp tác thương mại là rất quan trọng. Khơi thông dòng vốn để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, phát triển bền vững cũng sẽ là chìa khóa cho Việt Nam nắm bắt cơ hội trong "cuộc chơi" mới.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, Việt Nam hoàn toàn có thể củng cố vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, bảo đảm sự bền vững cho nền kinh tế xuất khẩu trong dài hạn trước xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu.
TS ĐINH TUẤN MINH (Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Giải pháp
thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội)
Theo Lê Thúy ghi (NLĐO)