Bến chờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiếc ghe chở gánh xiếc Hương Tràm cập bến Ủy ban nhân dân xã. Đám trẻ con xóm Mù Cưa í ới gọi nhau chỉ chỉ trỏ trỏ mấy con khỉ được nhốt trong cái chuồng chật ních.
Thằng nhóc con trên ghe có vẻ không hài lòng với điệu bộ của lũ trẻ trên bờ. Nó nhảy tót lên bờ cắm sào buộc dây ghe rồi lấy vải che hết mấy cái lồng khỉ lại. Đám trẻ trên bờ tiếc hùi hụi. Thằng Minh giận bụng lấy cục đất chọi xuống sông cái bủm, nước không đủ làm ướt mặt thằng nhóc trên ghe nhưng cái nhìn khiêu khích của thằng Minh càng làm thằng nhỏ đắc ý. Con Thảo dưng dửng bỏ về nhà để mặc cho thằng Minh gọi với theo đến rát cổ họng. Lần nào gánh xiếc về xóm, con Thảo cũng thản nhiên như chẳng có chuyện gì.
Thằng Minh tìm quanh sân rạp xiếc cũng không thấy một cái lỗ hổng nào để cho chúng tôi lẻn vào. Vừa đến cuối sân, tôi có cảm giác như có một ánh mắt nào đó theo dõi nhất cử nhất động của chúng tôi. Lúc thằng Minh vừa vén miếng vải tìm đường chui vào đã bị một cánh tay níu lại cùng tiếng hét lớn:
- Tụi mày định làm gì đó? Đi ra chỗ khác cho tao!
Tôi ngước mặt lên nhìn: Là thằng nhóc hồi chiều chúng tôi gặp dưới ghe. Thằng Minh đứng lên hất mặt về phía nó:
- Mày đui sao mà không thấy tao làm gì?
- Đồ nhà quê!-Thằng nhóc miệt thị.
Thằng Minh kịp đấm vào mặt nó một cú đau điếng rồi nắm tay tôi chạy như trối chết, bỏ mặc thằng nhóc ôm mặt ngồi bệt xuống đất. Trên đường về nhà, thằng Minh còn bày mưu tính kế để lần sau gặp lại cho nó một trận nhớ đời.
Con Thảo ngó lơ với câu chuyện của chúng tôi. Má tôi kể, ngày xưa, ba con Thảo cũng theo ghe đi biểu diễn xiếc khắp xứ miền Tây, nhưng từ ngày bị tai nạn trong quá trình biểu diễn đến nỗi gãy chân, ba nó trở về xóm Mù Cưa với đôi chân cà thọt. Rồi má Thảo cũng bỏ cha con nó đi theo người đàn ông khác trên chiếc ghe thương hồ mới về neo lại bến sông Mù Cưa có vài lần. Nhiều lúc tôi thấy con Thảo đứng nhìn đám lục bình trôi xớ rớ dưới sông, nó cứ đưa mắt về phía xa xa như gửi theo nỗi lòng của mình. Tôi chẳng bao giờ thấy con Thảo nói chuyện với ba nó, bởi nó cho rằng chính ba làm má nó bỏ đi theo người khác.
Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Thằng Minh hẹn chúng tôi ở chỗ cây bàng gần rạp xiếc. Tôi nhảy tọt lên nhánh cây bàng chìa ra phía sân khấu xiếc, con Thảo sau một hồi hì hục cũng chọn cho mình một chỗ ngồi dễ nhìn thấy, thằng Minh đung đưa hai cái chân trên nhánh bàng, trên tay nó vẫn cầm cái ná thun cho cuộc phục kích bất ngờ. Chẳng mấy chốc, cây bàng đã chi chít những cái đầu thò ra, đứa nào cũng hí hửng với từng tiếc mục trên sân khấu.
Thằng Minh nổi cáu khi thấy thằng nhóc trên ghe bước ra sân khấu nhào lộn mấy vòng rồi leo lên sợi dây nhìn phát thèm. Tiếng vỗ tay cứ vang lên rần rần, chốc chốc mấy đứa trẻ kế bên lại tấm tắc khen thằng nhóc giỏi, ước gì làm được phân nửa nó cũng đủ sướng rồi. Sẽ chẳng có gì nếu sợi dây buộc ngang không bị đứt giữa chừng, thằng nhóc nằm lên sợi dây bị ngã cái phịch xuống sàn sân khấu, ngó thôi cũng thấy đau điếng người. Mấy người trong cánh gà lao ra đỡ nó. Buổi biểu diễn kết thúc với lời tạm biệt vội vàng của ông bầu sô có thân hình quá khổ.
- Hổng biết thằng nhóc con đó có sao không? Thấy chưa, nó cũng có tài ba gì đâu. Hổng biết thân biết phận thì ráng chịu. Cho chừa cái tội xạo-thằng Minh hả hê.
Mới sáng tinh mơ, tôi đã thấy thằng nhóc con nằm trước nhà của ông bảy Cò bó thuốc Nam do gãy xương, vẻ mặt của nó bơ phờ trông thấy.
- Mày có sao không?
- Đừng có giả nhân giả nghĩa. Thấy tao vậy mày vui lắm phải không?-Nó mạnh miệng.
Người phụ nữ ngồi kế bên nài nỉ đút cháo cho thằng nhóc trong khi nó cứ ngậm chặt miệng ngó lơ. Bà lẳng lặng bỏ ra sau nhà trong cái lắc đầu ngao ngán. Tôi thấy thằng nhóc quệt nước mắt. Đưa về phía nó mấy trái nho rừng, tôi nói:
- Ăn đi, ngon lắm đó. Bộ mày đau lắm hả?
- Đau cái con khỉ. Mấy cái thứ này làm gì được tao.
- Vậy sao nãy mày khóc?
Nó nhìn tôi không đáp. Mấy trái nho rừng tôi để lại trên ghế. Lúc tôi quay đi, nó hỏi với:
- Mày tên gì?
- Tao tên An. Còn mày?
- Tao tên Tí-Thằng nhóc lí nhí.
*
*      *
Ông chủ gánh xiếc có thân hình quá khổ tạt qua nhà Thảo. Ông gọi với vào nhà:
- Anh Được ơi, có ở nhà không anh Được?
- Ổng đi giao lúa cho người ta rồi, có gì ngày mai hoặc tối chú quay lại đi-con Thảo trả lời trong hậm hực.
Câu hỏi của thằng Minh còn khiến con Thảo thêm phần bực dọc.
- Chú kiếm ông ấy để làm xiếc hả chú. Chú Được chân cẳng vậy sao mà xiếc như hồi xưa được. 
Ông chủ gánh xiếc phân trần:
- Chú chỉ ghé thăm anh Được thôi. Ngày trước, chú với anh Được đi chung đoàn. Tội nghiệp ảnh lắm. Đang định kiếm thêm ít tiền rồi về quê mua miếng đất làm ruộng sống với vợ con. Ai ngờ trong lúc biểu diễn gặp nạn, bao nhiêu tiền kiếm được mang đi chạy chữa hết trơn mà còn không được theo nghề nữa. Vài phút trên sân khấu để cho người đời coi mà đổi biết bao nhiêu máu và nước mắt.
Con Thảo đứng nép vào vách nhà, nó quay mặt đi tránh ánh nhìn của tôi. Thằng Minh chặc lưỡi:
- Thằng nhóc bữa bị ngã chắc khổ lắm hả chú?
Ông chủ gánh xiếc thở dài:
- Thằng Tí đó hả? Má nó bỏ nó từ hồi nó còn ẵm ngửa. Cả gánh xiếc thấy tội quá nên nhận nó về nuôi. Lúc năm sáu tuổi, nó đã bắt đầu học đu dây, thằng thiệt lì, té trầy tay trật chân vậy mà không chịu nghỉ. Tối ngày nó chỉ làm bạn với mấy con khỉ trong đoàn. Cái bà bán vé là má nó đó, bỏ nó mười mấy năm trời giờ tìm nó để nhận lại mà nó có chịu nhìn đâu, nên bả theo đoàn phụ bán vé luôn...
*
*      *
Thằng Tí ngồi trước nhà ông Bảy Cò trong khi con khỉ của nó cứ nhảy qua nhảy lại nhìn chóng cả mặt. Con Thảo và tôi giục mấy bận thằng Minh mới chịu vào gặp thằng Tí. Sau mấy lần gãi muốn tróc da đầu, thằng Minh cũng lí nhí được lời xin lỗi. Thằng Tí chỉ cười cười rồi gật đầu. Con Thảo mang theo mấy củ khoai nướng chia cho chúng tôi, vừa ăn vừa nhìn mây trời với những câu chuyện không đầu không cuối. Thằng Tí nói sau này lớn lên nó sẽ dừng chân lại một cái bến nào đó, mua một miếng đất, cất một ngôi nhà và có cho mình một khu vườn thích cây gì trồng cây đó, nằm trong nhà gác kèo ong, nghe mấy con dế gáy cho đã hai tai. Con Thảo ngồi bật dậy:
- Để tụi tao dẫn mày đi thăm khu vườn của riêng mày nha.
Thằng Minh cõng thằng Tí lên vai. Đoạn đường đến khu vườn khá xa và mịt mùng cỏ dại. Khu vườn có căn nhà bị bỏ hoang khá mát mẻ, yên tĩnh nên chúng tôi vẫn thường trốn nhà để vào đó chơi. Con Thảo nói khu vườn này không có chủ nên giờ nó là của thằng Tí.
Thằng Tí dang tay hít căng lồng ngực, nó nhắm mắt lại như muốn tận hưởng hết không khí của khu vườn mình mơ ước. Chúng tôi ngồi lặng im cùng nhau đến chiều tối. Thằng Minh nói, ngày mai tao sẽ cõng mày lại khu vườn của mày nha Tí. Mày đợi tụi tao nghen.
*
*      *
Nhưng điều thằng Minh hứa đã không thể thực hiện được. Buổi sáng hôm đó, gánh xiếc bắt đầu dọn bãi. Thằng Tí ngó lên bờ nhìn ba đứa trẻ nước mắt đầm đìa. Nó gọi với lên:
- Tụi mày đợi tao về nghen.
Chúng tôi đứng lại bến sông rất lâu. Chiếc ghe đã rẽ sóng trôi đi. Thằng Tí sẽ về đâu giữa biển người mênh mông?
Chiều đó, con Thảo giúp ba nó mang nơm cá giao cho nhà bác Chín. Lúc đi ngang cây cầu dừa, con Thảo lí nhí, ba để con xách tiếp cho. Giọng con Thảo nhỏ lắm mà đủ làm người đàn ông đi trước nó bật khóc. Cuối cùng thì ba con Thảo cũng đợi được ngày này, còn người phụ nữ dưới ghe không biết phải cập bao nhiêu bến nữa mới mong mình được nhận ra, mà tính ra thằng Tí cũng đâu có cứng đầu hơn con Thảo là mấy. Đôi khi tôi nghĩ lòng người như một khu vườn, giống như thằng Tí nói, trồng cây gì là do mình. Vậy thì dại gì để cỏ mọc vướng víu lòng mình. Thằng Tí rồi sẽ trở về. Biết đâu được…
Nguyễn Chí Ngoan

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.