Bên bậc thềm xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi luôn ước rằng, khi nào có thể tự làm cho mình một ngôi nhà, tôi nhất định sẽ xây những bậc thềm, để trước khi đặt chân vào bên trong nhà, tôi sẽ gượng nhẹ bước chân, rồi cũng thật khẽ, ngồi xuống hiên nhà để bỏ giày dép, bỏ cả lại những thứ khiến tôi vui vẻ hay mệt nhoài…
Những năm tháng đi xa, mỗi lần trở về, tôi đều thấy mẹ tôi ngồi trên bậc thềm, ngóng ra cổng ngõ để chờ đón chúng tôi. Hết con rồi đến cháu, bậc thềm theo thời gian cũng cũ kỹ và rêu phong dấu thời gian, chỉ có dáng mẹ qua tháng năm vẫn ngóng trông như thế.
Thời gian không chỉ in dấu lên dáng ngồi mong ngóng của mẹ, có lẽ còn in sâu trong tâm trí mẹ những tháng ngày chúng tôi đã lớn lên bên bậc thềm nhà. Những bước chân tập đi chập chững đầu tiên, vừa đi vừa ngã, chúng tôi đã vịn lên từng bậc thềm, vừa đi vừa trèo để vào được tới nhà, cho đến khi bước chân thật vững vàng.
Trên thềm nhà, chúng tôi chơi chuyền chơi chắt, đan lát, khâu vá, thêu thùa. Những đêm mùa hè trăng thanh gió mát, chúng tôi bày biết bao trò chơi dưới sân, các bà mẹ ngồi trò chuyện trên bậc thềm nhà. Chúng tôi chơi chán thì trải chiếu ngủ lăn lóc luôn ở hiên nhà, đêm có đứa mơ ngủ lăn cả xuống bậc thềm, thế mà vẫn rúc rích cười.
Tháng Chạp đang cạn nốt mình những ngày cuối cùng, gió vẫn buốt những cơn xon xót lòng dạ bao đứa con xa. Tầm này, mùi hương trầm đã vương vất quyện với hương hồi hương quế. Mẹ chắc hẳn đã dọn dẹp cửa nhà, chuẩn bị xong mọi thứ cho những ngày trọng thể nhất trong năm. Phần việc cuối cùng mẹ làm là ngồi trên bậc thềm rêu phong ngày tháng cũ và dõi mắt nhìn ra cổng ngõ. Cánh cổng mẹ cả đời bỏ ngỏ, nhưng lúc nào cũng lo con về không ai mở ra cho…
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Chiều cuối năm cuốn theo những tin tức dịch bệnh hoành hành, ai đó thốt lên rằng: “Mẹ ơi! Đường về nhà sao quá xa!”, lòng tự nhiên thắt lại. Hình dung dáng mẹ còng xuống theo tháng năm bên bậc thềm nhà, thấy niềm thảng thốt vụt qua.
Bao nhiêu đứa con trông đợi ngày được trở về đặt chân lên bậc thềm xưa cất giữ những bước chân thương nhớ, bao nhiêu dáng mẹ ngồi như vá vào trời chiều cuối năm, gửi niềm mong ngóng những yêu thương phiêu dạt nơi những chân trời xứ lạ. Chỉ có bậc thềm phủ kín rêu phong như chứng nhân cho những nỗi niềm không phải ai cũng hiểu.
Bên bậc thềm xưa, hoa xuân hàm tiếu, trầm hương quyện trong khói chiều thơm những bước chân xa xứ, và mẹ, vẫn ngồi như vá vào tháng năm mong ngóng…
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.