Cạnh dòng Sêrêpốk hùng vĩ, buôn Nui được nhiều người biết đến không chỉ bởi những mái nhà sàn, chế độ mẫu hệ, mà còn bởi tài năng thực hành di sản của các nghệ nhân dân gian.
|
Nghệ nhân Y Ghông Êban ẢNH: QUANG VIÊN |
Buôn Nui (xã Tâm Thắng, H.Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) chỉ vỏn vẹn hơn 250 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu nhưng có đến 3 nghệ nhân ưu tú.
Lãnh sứ mệnh của tổ tiên
Giới thiệu về Nghệ nhân Ưu tú H Đá Êya, tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông, Phó giám đốc Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Tây Nguyên (Trường ĐH Tây Nguyên), tự hào: “Trước đây, đa số phụ nữ Ê Đê đều biết dệt thổ cẩm. Việc này không chỉ để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình mà còn là tiêu chí để đánh giá người phụ nữ khéo léo, tài năng. Và như một sứ mệnh của tổ tiên giao phó, bà H Đá Êya ngày đêm âm thầm ngồi bên khung dệt cần mẫn luồn từng sợi chỉ trên khung cửi, đạp chân, đưa tay thật khéo léo để tạo nên sắc màu thổ cẩm Ê Đê”.
Gặp H Đá Êya, bà thong thả kể, thời xưa người Ê Đê thường dùng bông kéo sợi, sau đó nhuộm bằng lá, vỏ cây rừng để tạo sự đa dạng màu sắc thổ cẩm. Chẳng hạn, sợi vàng dùng củ nghệ già, sợi xanh chàm dùng vỏ cây chàm... Màu sắc, hoa văn của người Ê Đê trên sản phẩm thổ cẩm phản ánh nhận thức về thế giới tự nhiên, sự sáng tạo nghệ thuật, tín ngưỡng, tình cảm...
Ngày nay, ngoài việc giữ lại màu sắc chủ đạo như đen, đỏ và những hoa văn truyền thống, nghệ nhân dệt thổ cẩm buôn Nui cũng “cách tân” cho hợp thời. “Tôi chọn nhiều màu để dệt. 5 màu cơ bản gồm đen, đỏ, tím, xanh nước biển, xanh lá cây. Hoa văn trên các sản phẩm cũng đa dạng hơn. Từ nhỏ tôi được mẹ dạy cách dệt, trang trí nhiều hoa văn trên thổ cẩm rồi”, bà H Đá Êya nói.
|
Nghệ nhân H Đá Êya giới thiệu sản phẩm thổ cẩm |
Các sản phẩm thổ cẩm do nghệ nhân này dệt là thế giới sống động với hình tượng cỏ cây, hoa lá, muông thú cùng các hoạt động văn hóa đặc trưng của dân tộc Ê Đê. Áo nam giới mặc thường ngày ít hoa văn. Phục trang dành cho lễ hội thì vạt sau và vạt trước hoa văn cầu kỳ, mảng trước ngực có dải hoa văn màu đỏ hình cánh chim đại bàng (người Ê Đê gọi là ao kăr nut) tượng trưng cho khí phách, khát vọng, sức mạnh của nam giới. Áo váy phụ nữ mặc ở nhà hoặc lên nương rẫy hoa văn đơn giản. Những ngày hội, lễ, tết áo váy được trang trí nhiều hoa văn với màu sắc rực rỡ, cầu kỳ. Nhìn vào số lượng và họa tiết hoa văn, người ta có thể biết được vị trí xã hội hoặc tiềm lực kinh tế của người đó.
Đặc biệt, kỹ thuật giăng 15 sợi chỉ tạo hoa văn khó là “tuyệt kỹ công phu” của H Đá Êya, ít ai có thể làm được. Một chiếc áo thổ cẩm đơn giản có thể dệt trong vài tuần, nhưng có những sản phẩm phải dệt 2 - 3 tháng mới xong. H Đá Êya giải thích: “Tùy vào loại trang phục sẽ có cách sắp xếp, trang trí hoa văn khác nhau và tốn ít hay nhiều thời gian dệt”.
Bây giờ, H Đá Êya không chỉ thực hành dệt thổ cẩm mà còn truyền dạy cho gần 200 học viên. Sản phẩm thổ cẩm của các nghệ nhân buôn Nui được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, khách nước ngoài đã ghé Buôn Nuôi phải mua bằng được thổ cẩm mang về.
Giữ hồn thiêng dân tộc
Văn hóa cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận “kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại. Còn người Ê Đê coi cồng chiêng như linh hồn của dân tộc. “Nghệ nhân Ưu tú Ysim Êban là một trong hai nghệ nhân nắm giữ hồn cồng chiêng ở buôn Nui hiện nay”, tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông cho biết.
|
Nghệ nhân Ysim Êban trình tấu nhạc cụ ding năm |
Năm 12 tuổi, Ysim Êban đã bắt đầu tiếp xúc và tập đánh cồng chiêng trong các lễ hội truyền thống như lễ cúng giàng, cúng bến nước, rước kpan, mừng nhà mới... 15 tuổi tham gia trực tiếp vào đội cồng chiêng trong buôn. Di sản văn hóa phi vật thể Ysim nắm giữ gồm: đánh, truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng; chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc gồm goong, ding tút, ding năm, đàn brụ, cing kram. “Đến nay mình đánh thành thạo 12 bài chiêng và diễn tấu được tất cả các vị trí trong dàn chiêng 10 chiếc”, Ysim Êban tự hào.
Các bài chiêng Ysim đánh thành thục gồm bài lễ hội, cột ché rượu và giết heo, gà, đón khách, lễ cúng, đối đáp uống rượu cần, theo điệu thổi ding năm và hát ayray, múa khiên trong lễ hội rước trống và rước kpan, theo tiếng chim păkkơga hót báo trời sáng, điệu thác chảy hay gió thổi, điệu hái rau, tiếng con sóc kêu, tiếng diều bay…
Cách nhà Ysim Êban vài trăm mét là nhà Nghệ nhân Ưu tú Y Ghông Êban. Từ thơ ấu, Y Ghông đã đắm chìm trong những câu chuyện cổ cha kể về truyền thống người Ê Đê. Ông cũng truyền dạy Y Ghông hát dân ca, sử dụng nhạc cụ truyền thống. Y Ghông đang nắm giữ di sản văn hóa của dân tộc mình với nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, chế tác nhạc cụ và biểu diễn thành thục cing kram, đàn brụ, goong, ding năm, ding tút.
Y Ghông Êban say sưa thuyết minh: “Trong những nhạc cụ dân tộc của người Ê Đê, dàn chiêng được đồng bào xem trọng hơn cả bởi tiếng chiêng gắn bó với đời sống con người từ khi chào đời cho đến khi từ giã cõi trần. Tiếng chiêng của người Ê Đê khỏe, ngân vang. Diễn tấu các bài chiêng để nó vang đến 9 tầng mây, lọt đến 7 tầng vực sâu đòi hỏi nghệ nhân phải rất điêu luyện...”.
Không chỉ trình diễn cồng chiêng, Nghệ nhân Ưu tú Y Ghông Êban còn sưu tầm chiêng. “Tôi bán lúa mua bò nuôi. Sau đó bán bò mua chiêng. Đó cũng là cách gìn giữ văn hóa của đồng bào”, ông trải lòng.
Đau đáu nỗi lo thất truyền văn hóa cồng chiêng
Theo tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông, về kết cấu cơ bản, cồng chiêng của các dân tộc Tây nguyên đều có sự tương đồng nhất định. Khác biệt là về cách sử dụng, trình tấu, âm nhạc... Âm thanh trầm hùng của bộ chiêng người Bahnar trong lễ hội đầu mùa; lời tự tình, ngân nga, lắng đọng của chàng trai cô gái Jrai qua tiếng chiêng arap trong lễ hội bỏ mả; sự thủ thỉ thì thầm như rót mật vào tai của tiếng chiêng Mnông trong lễ hội đầu mùa; hay thông điệp mạnh mẽ, khát khao của nam thanh nữ tú qua tiếng chiêng Ê Đê trong lễ hội cúng bến nước...
Trăn trở lớn nhất của Nghệ nhân Ưu tú Y Ghông Êban và Ysim Êban là văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình ngày càng mai một. Truyền lại văn hóa cồng chiêng cho thế hệ mai sau là điều Ysim rất tâm huyết. Ông tham gia thành lập các đội cồng chiêng, câu lạc bộ hát dân ca (hát a ray, kưt, kể khan), hướng dẫn nhiều người sử dụng nhạc cụ và chế tác nhạc cụ. Trong khi đó, Y Ghông cũng nỗ lực vận động giới trẻ và tham gia lớp truyền dạy biểu diễn cồng chiêng, nhưng “bọn trẻ trong buôn bây giờ chơi ghi ta, hát karaoke, đánh bida..., ít ai chịu nghiên cứu học hỏi văn hóa truyền thống”, Y Ghông buồn rầu chia sẻ.
Theo Quang Viên (TNO)