"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.

1. Nhắn tin qua zalo hẹn gặp Nguyễn Cao Thức tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi (số 28 Nguyễn Du, TP. Pleiku) song tôi vẫn không khỏi thắc mắc: Thức bị khiếm thị, làm sao có thể đọc và trả lời tin nhắn?

Vậy nhưng ngay sau đó, tôi đã nhận được câu trả lời, rất đúng trọng tâm và đúng chính tả. Đem thắc mắc này hỏi Thức ngay khi vừa gặp, Thức cười và nhẹ nhàng giải thích: Nhờ phần mềm hỗ trợ đọc màn hình, người khiếm thị có thể giao lưu, kết bạn với cả thế giới!

Thức sinh năm 1992 và từng có đôi mắt sáng như bao bạn bè cùng trang lứa. Đến năm 15 tuổi, hai mắt của Thức mờ dần, không thể nhìn rõ những vật ở xa và thỉnh thoảng cả hai mắt đều xuất hiện nhiều khoảng tối, chấm đen phía trước. Trải qua 4 lần phẫu thuật nhưng hành trình tìm kiếm ánh sáng cho đôi mắt của Thức rơi vào vô vọng khi bác sĩ kết luận: Bị bong võng mạc.

z6183363113038-d58e3478de71168a31471f1fa778bf9b.jpg
Nguyễn Cao Thức (bên trái) trò chuyện cùng em Siu HRin cũng là hội viên Hội Người mù đang làm tại Cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi. Ảnh: P.D

“Mỗi lần phẫu thuật, tôi đều hy vọng nhưng rồi nhanh chóng thất vọng. Bố mẹ tôi cũng phải vay mượn rất nhiều tiền để giúp tôi tìm thấy ánh sáng một lần nữa. Nhưng đến lần thứ 4 thì tôi tuyệt vọng hoàn toàn. Tôi bi quan, thu mình vào một góc, không muốn nói chuyện với ai. Tôi biết mẹ đã khóc rất nhiều trong đêm nhưng phải rất lâu tôi mới chấp nhận thực tế và mở lòng”-Thức chia sẻ về biến cố cuộc đời.

Sống chung với bóng tối, Thức tập làm quen với việc dùng đôi tai để lắng nghe nhiều hơn và đôi tay để cảm nhận. “Sợ hãi, bế tắc, tuyệt vọng tôi đều trải qua. Sau đó tôi nhận ra, nếu không kiên trì, cố gắng thì cả đời chỉ quanh quẩn trong nhà, sống phụ thuộc vào người khác, rồi bố mẹ, người thân cũng vất vả theo. Giờ thì những việc người bình thường làm được, tôi cũng có thể làm, có điều chậm hơn. Ví dụ quét nhà, tôi quét được nhưng sẽ không sạch bằng người bình thường làm; nấu cơm tôi cũng làm được nhưng chỉ có thể ước lượng bằng tay…”-Thức tự tin cho hay.

Cách đây 5 năm, Thức xin gia nhập Hội Người mù tỉnh và được Hội tạo điều kiện tham gia lớp học nghề về xoa bóp, bấm huyệt. Hoàn thành khóa học kéo dài 3 tháng, Thức về làm tại Cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi do Hội Người mù tỉnh quản lý. Để thuận tiện cho công việc và cũng mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, nhất là những người bị mù bẩm sinh, Thức xin gia đình ăn ở tại cơ sở.

Tháng 9-2024, Thức tham gia Hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp toàn quốc tổ chức tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Vượt qua hơn 60 thí sinh đến từ nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc, Thức giành giải nhì. “Điều tôi nhận được ở hội thi không chỉ là giải thưởng mà là cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với những người đồng cảnh ngộ đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Lắng nghe câu chuyện của mỗi người, giúp tôi có thêm động lực, niềm tin để vươn lên trong cuộc sống. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến Hội, vì đã tạo điều kiện để được học nghề, làm nghề, có thu nhập và thấy mình trở thành người có ích cho cộng đồng”-Thức trải lòng.

z6183365440484-63e5cf5d5b35caae715a288dbbe30999.jpg
Nguyễn Cao Thức (bên phải) đạt giải nhì tại Hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp toàn quốc tổ chức tại thành phố Huế. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Người mù tỉnh-nhấn mạnh: Với người khiếm thị, có lẽ không nghề nào tốt hơn nghề xoa bóp, bấm huyệt. Bình quân mỗi năm, Hội tạo điều kiện cho 10 hội viên đi học nghề tại thủ đô Hà Nội, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Sau học nghề, có người về làm tại cơ sở do Hội quản lý, cũng có người mở cơ sở, tạo lập cuộc sống ổn định. Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, Hội đã cử hội viên tham gia 4 hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp toàn quốc (2 năm tổ chức 1 lần) và đều có giải. Trong đó 1 giải nhất là chị Đoàn Thị Điệp (năm 2022), 1 giải nhì là Nguyễn Cao Thức (năm 2024) và 2 giải khuyến khích.

2. Nếu không nhìn trực diện mà chỉ nhìn vào cử chỉ, hành động, rất khó để biết chị Đoàn Thị Điệp (286 Lê Duẩn, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) là người khiếm thị. Bởi lẽ, bước đi có hơi chậm nhưng dứt khoát, tự tin, không cần sờ hay bám, nắm vào vật dụng hỗ trợ.

Cũng như Thức, chị Điệp (SN 1983) không bị mù bẩm sinh. Chị phát hiện bị thoái hóa võng mạc năm 17 tuổi. Mắt yếu và mờ dần nhưng vì ham học, chị vẫn quyết tâm học và nhận bằng trung cấp du lịch. “Biết trước là mắt mình yếu, bị mù là chuyện sớm muộn nhưng thực tế ấy vẫn khó để chấp nhận. Bao ước mơ, dự định đều dang dở. Cho đến khi tham gia Hội, trở thành hội viên, được tạo điều kiện đi học nghề, mình vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận hiện thực. Chỉ khi học xong, đi làm, có thu nhập và nhận được những lời khen từ khách hàng, mình mới thấy cuộc sống ý nghĩa hơn”-chị Điệp bộc bạch.

Nhờ tự tin, lạc quan vào cuộc sống, chị Điệp đã tìm được hạnh phúc cuộc đời mình. Chồng chị cũng là người khiếm thị. Cả hai kết hôn và có với nhau 3 cô con gái. Năm 2019, gia đình chị rời quê hương Nam Định vào Gia Lai sinh sống. Cả hai tham gia Hội Người mù tỉnh và mở Cơ sở xoa bóp, bấm huyệt “Bàn tay vàng”.

Nhiều năm nay, cơ sở của gia đình chị trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng. Gia đình chị còn tạo việc làm ổn định cho cặp vợ chồng khiếm thị ở thị xã An Khê, cũng là hội viên Hội Người mù tỉnh. Anh Nguyễn Vinh (hẻm 443 Lê Duẩn, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku)-cho biết: “Vài ngày tôi ghé cơ sở 1 lần, khi thì xoa bóp, bấm huyệt; lúc lại xông hơi, chườm đá nóng. Ở đây giá cả phải chăng, nhân viên nhiệt tình, trách nhiệm; quan trọng hơn là tình trạng nhức mỏi của cơ thể được cải thiện rõ rệt”.

z6183364198411-12227ab8fbe5a68d5f682e965ab487f6.jpg
Chị Điệp đang thực hiện công việc xoa bóp, bấm huyệt cho khách tại cơ sở của gia đình. Ảnh: P.D

Hiện tại, chị Điệp là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Người mù tỉnh và luôn nỗ lực lan tỏa thông điệp tích cực đến những người cùng cảnh ngộ “Không bỏ cuộc trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra”.

“Bố mẹ dù luôn rất thương yêu con cái nhưng chỉ có người cùng cảnh ngộ mới dễ chia sẻ, cảm thông. Người khiếm thị chỉ thật sự tự tin, lạc quan khi tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống. Tuy nhiên công tác vận động người khiếm thị tham gia Hội để được giúp đỡ đang gặp nhiều khó khăn. Trước hết là vì địa bàn rộng, người khiếm thị sống rải rác; tiếp đến là tâm lý mặc cảm, tự ti cùng với suy nghĩ chủ quan của người thân”-chị Điệp thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm tặng quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.T

Để tất cả người lao động đều có Tết

(GLO)- Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Với mục tiêu tất cả đoàn viên, người lao động (NLĐ) đều có điều kiện đón Tết, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang tích cực triển khai kế hoạch chi trả lương, thưởng và tặng quà Tết.

Thước đo sự hài lòng

Thước đo sự hài lòng

UBND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, qua đó cho thấy nhiều cơ quan trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực cải cách chỉ số năng lực cạnh tranh để phục vụ người dân.

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Chính thức: Nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, dịp lễ 30/4-1/5 nghỉ 5 ngày liên tiếp

Chính thức: Nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, dịp lễ 30/4-1/5 nghỉ 5 ngày liên tiếp

Theo thông báo chính thức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ Tết Âm lịch kéo dài 9 ngày, từ thứ Bảy, ngày 25/01/2025 dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 02/02/2025 dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).