Nơi chú trọng
Nhà máy Đá granite Quốc Duy thuộc Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) hiện có 76 công nhân làm việc. Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2025, Công ty đã đẩy mạnh truyền thông qua việc treo băng rôn với các nội dung như: “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, “An toàn là bạn, tai nạn là thù” tại 5 dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người lao động trong việc đảm bảo an toàn lao động.
Đặc biệt, Công ty đã dành hàng tỷ đồng đầu tư 2 hệ thống chữa cháy tự động bằng thiết bị chữa cháy bọt Foam. Hàng năm, Công ty còn mời chuyên gia huấn luyện ATVSLĐ, an toàn hóa chất cho toàn bộ người lao động.
Ông Trương Quốc Cường-Giám đốc Công ty-cho hay: “Chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng trong việc đảm bảo ATVSLĐ, qua đó tạo môi trường làm việc an toàn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm”.

Là công nhân bộ phận sản xuất thuộc Nhà máy Đá granite Quốc Duy, ông Nguyễn Quốc Tuyển chia sẻ: “Tôi làm ở bộ phận mài đá gần 7 năm. Năm nào Công ty cũng mời các chuyên gia về tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy, xử lý tai nạn, giúp người lao động yên tâm làm việc, nhất là trong môi trường có nhiều máy móc”.
Tương tự, tại Xí nghiệp Chế biến mủ Kdang (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang), hàng chục công nhân đang miệt mài làm việc bên những dây chuyền sản xuất hiện đại. Tất cả đều được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như: mũ bảo hiểm, khẩu trang, găng tay và giày chuyên dụng.
Ông Lê Thế Anh-Giám đốc Xí nghiệp-cho biết: Công nhân ở đây làm việc trong môi trường có nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe như bụi, nhiệt độ cao, tiếng ồn. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã đặc biệt chú trọng đến việc huấn luyện an toàn lao động và khám sức khỏe định kỳ cho công nhân.
Không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, Xí nghiệp còn tổ chức các buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy, sơ cứu ban đầu và triển khai hệ thống cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm. Nhiều năm qua, Xí nghiệp chưa ghi nhận trường hợp tai nạn lao động nghiêm trọng nào.

Chỗ thờ ơ
Theo ghi nhận của P.V tại xưởng mộc Trương Công Đạt (làng O Ngó, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa), tình trạng người lao động không đeo khẩu trang, không găng tay, làm việc cạnh máy cưa, máy bào không che chắn thường xuyên diễn ra.
Anh Châu Ngọc Dũng-Công nhân lao động ở xưởng mộc-cho hay: “Tôi làm quen rồi nên không mang đồ bảo hộ cũng thấy bình thường. Với lại, chủ cơ sở không bắt buộc nên chúng tôi cũng lười mang. Đầu đội mũ, tay đeo găng, chân đi ủng trong mùa nóng này thì khó chịu lắm”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các xưởng cơ khí gia công nhỏ, các nhà máy sản xuất đá hay đội thi công xây dựng dân dụng... Nhiều lao động làm việc ở những nơi này vẫn chưa được tiếp cận, huấn luyện về an toàn lao động, thậm chí không có hợp đồng hay bảo hiểm tai nạn. Bởi thế, khi không may xảy ra tai nạn thì người lao động luôn chịu thiệt thòi.
Anh Nguyễn Văn Trung (47 tuổi, tổ 3, phường Ia Kring, TP. Pleiku) là lao động tự do chuyên làm thuê cho các công trình xây dựng nhỏ lẻ quanh thành phố. Không hợp đồng, không đóng bảo hiểm, anh chỉ nhận tiền công theo ngày. Hơn 1 năm trước, trong lúc khiêng bao xi măng lên tầng 2, anh bị trượt chân ngã từ giàn giáo, gãy chân trái và bị chấn thương vùng hông.
“Lúc đó đau lắm nhưng tôi chủ quan cho rằng chỉ nghỉ dưỡng thương vài bữa rồi đi làm lại. Ai ngờ khi đến bệnh viện khám thì bác sĩ kết luận phải nằm viện điều trị 2 tháng, không được làm gì. Mấy triệu đồng tiết kiệm tiêu hết trong 10 ngày điều trị”-anh Toản kể lại.
Chưa kể, vì không có bảo hiểm y tế, không được chủ thầu hỗ trợ, anh Toản đành phải vay nóng để đóng tiền viện phí. Sau vụ tai nạn, anh không còn đủ sức khuân vác vật nặng như trước, công việc vì thế cũng trở nên bấp bênh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách lao động (Sở Nội vụ) nhấn mạnh: “An toàn lao động không thể chờ đến khi xảy ra sự cố mới xử lý. Doanh nghiệp phải xem đó là trách nhiệm và quyền lợi gắn bó mật thiết với sự phát triển bền vững của mình.
Vì vậy, việc chung tay vì an toàn lao động cần sự thay đổi từ nhận thức đến hành động, không chỉ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mà của cả hệ thống chính quyền, cơ quan chuyên môn và người lao động”.