67 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2022): Vượt qua lằn ranh sinh tử: Tự hào góp phần giúp TP.HCM hồi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sự tận tụy, dấn thân và cả hy sinh, mất mát của người thầy thuốc trong suốt 2 năm qua đối mặt Covid-19, đã giúp hàng trăm ngàn người bệnh vượt qua lằn ranh sinh tử trở về gia đình.
Người thầy thuốc Việt Nam gánh vác sứ mệnh cao cả và rất đáng tự hào: Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Sự tận tụy, dấn thân và cả hy sinh, mất mát của người thầy thuốc trong suốt 2 năm qua đối mặt Covid-19, đã giúp hàng trăm ngàn người bệnh vượt qua lằn ranh sinh tử trở về gia đình, góp phần đặc biệt quan trọng giúp đất nước dần vượt qua đại dịch một cách kiên cường để trở lại trạng thái bình thường mới.
Thanh Niên đăng tải bài viết của một số y - bác sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến Covid-19 đầy cam go và khốc liệt đợt dịch thứ 4, như một lời tri ân gửi đến những người làm ngành y, nhân kỷ niệm 67 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam.
Những chiến sĩ áo trắng tham gia chống dịch Covid-19 đã học được rất nhiều bài học về chuyên môn. Điều tự hào của người thầy thuốc là đã góp một phần nhỏ bé để giúp cho TP.HCM hồi sinh như ngày hôm nay.
 
Các nhân viên y tế BV Việt Đức cấp cứu bệnh nhân tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19
Các nhân viên y tế BV Việt Đức cấp cứu bệnh nhân tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19
Có nữ bác sĩ xa con chỉ mới 17 tháng tuổi
Cuối tháng 7, đầu tháng 8.2021, TP.HCM đang ở thời điểm dịch bùng phát mạnh. Thực hiện lệnh điều động của Bộ Y tế, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức đã thành lập Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 với mục tiêu làm giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Địa điểm đóng quân tại BV dã chiến số 13 ở xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM. Trong 10 ngày, trung tâm được xây dựng xong với tốc độ thần tốc.
Khác với chuyên ngành đào tạo ngoại khoa tại BV Hữu nghị Việt Đức, đội ngũ phẫu thuật viên và gây mê hồi sức dù rất giỏi, nhưng lại chưa có kinh nghiệm trong điều trị bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, khi lãnh đạo BV thông báo, hơn 300 nhân viên y tế, trong đó phần lớn là những người trẻ, đã tình nguyện viết đơn xin vào tâm dịch. Có gia đình, cả chồng cả vợ đều xung phong, “nhường nhau” ở nhà. Có nữ bác sĩ có con chỉ mới 17 tháng tuổi vẫn viết đơn tình nguyện xin đi. Nhớ mãi hình ảnh trước ngày lên đường, tại khuôn viên BV, chúng tôi tổ chức “xuống tóc” cho các y - bác sĩ. Nhiều bạn nữ điều dưỡng viên đã phải cắt bỏ những mái tóc dài, đen nhánh nuôi từ rất lâu. Còn các y - bác sĩ nam cười tươi bên mái đầu trọc, hình ảnh đẹp hơn ngàn lời nói. Không khí ấm áp, vui tươi, xúc động, nhưng không hề có cảm giác bi lụy. Tất cả sẵn sàng vào “tâm dịch” với một tâm thế vì mục đích rất nhân văn, đó là cứu người.
Chung sức, đồng lòng
Mặc dù đã dự liệu khó khăn trước mắt, song các y - bác sĩ đã phải đối mặt với thực tế hết sức khắc nghiệt. TP.HCM khi đó có hơn 10.000 ca Covid-19/ngày, số ca tử vong cũng hơn 300 ca. BV quá tải bệnh nhân nặng và nguy kịch, nguy cơ rủi ro cho nhân viên y tế rất cao. Tổn thương phổi ở bệnh nhân Covid-19 diễn biến rất nhanh thành hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, kèm theo cơn bão cytokine, tắc mạch, tổn thương các cơ quan…, đặc biệt trên những bệnh nhân cao tuổi, béo phì, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin.
Thêm vào đó, số lượng bệnh nhân nguy kịch quá nhiều làm quá tải hệ thống y tế. Rất nhiều bác sĩ không phải chuyên ngành hồi sức cũng như truyền nhiễm nhưng trước đại dịch, chúng tôi phải “đồng sức, đồng lòng”, đồng tâm hiệp lực hỗ trợ nhau trong công việc, vừa học, vừa làm, vừa đào tạo, cố gắng làm sao đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
 
TS-BS Lưu Quang Thùy chỉ đạo kíp trực tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 qua bộ đàm. Ảnh: NVCC
TS-BS Lưu Quang Thùy chỉ đạo kíp trực tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 qua bộ đàm. Ảnh: NVCC
Do nguồn nhân lực y tế chuyên ngành hồi sức tích cực không nhiều, nên bên cạnh trực tiếp điều trị, trung tâm cũng phải cập nhật, đào tạo liên tục cho chuyên ngành khác để cùng chung tay điều trị người bệnh Covid-19. Ngày thì thực hành, tối về toàn bộ nhân viên được đào tạo online bởi các chuyên gia có kinh nghiệm; tiếp theo là người vào trước đào tạo người vào sau…, làm sao để phác đồ điều trị được phát huy hiệu quả nhất.
Thế nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại, bởi điều kiện làm việc tại BV dã chiến hết sức khắc nghiệt, các nhân viên y tế phải làm việc cả ngày trong bộ đồ bảo hộ dưới thời tiết nắng nóng, khu điều trị lợp bằng mái tôn thấp không có điều hòa. Nhiều người đã ngất trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, các nhân viên y tế gặp phải các vấn đề stress tâm lý. Nhiều người đã có biểu hiện rối loạn giấc ngủ sau khi đã hoàn thành ca trực. Vất vả là vậy nhưng tất cả đều nỗ lực để vượt qua.
Với người quản lý thì cường độ làm việc còn cao hơn nhiều vì ngoài việc phụ trách điều hành chuyên môn, chúng tôi phải tham gia chỉ đạo tuyến và hỗ trợ cho tuyến dưới, xây dựng quy trình làm việc cũng như giải quyết tất cả các công việc ngoài chuyên môn như: giải quyết bệnh nhân tử vong, trao trả tài sản, liên hệ người nhà, giải quyết thắc mắc rồi hoàn thiện hồ sơ bệnh án… Trong 4 tuần đầu tiên, tôi đã sụt 5 kg. Áp lực đè nặng, hầu như đêm nào cũng chỉ ngủ được vài tiếng.
Chúng tôi học được nhiều bài học
Mọi khó khăn, bỡ ngỡ rồi cũng qua, kế hoạch phân vòng điều trị đã được đưa ra cụ thể và thực hiện rất nghiêm túc từ sinh hoạt đến chuyên môn. Mục tiêu là tránh lây chéo Covid-19 và hỗ trợ nhau, nếu không may có người mắc Covid-19 thì cách ly cả ê kíp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của toàn đoàn.
Sau hơn 2 tháng hoạt động, hơn 30 quy trình được hoàn thiện vận dụng một cách tương đối trơn tru trong suốt quá trình làm việc; thậm chí khi xuất hiện các tình huống khó cũng đã được dự đoán trước và vẫn thực hiện theo đúng quy trình, không để xảy ra lúng túng khi giải quyết công việc. Hiệu quả điều trị bệnh nhân ngày càng được cải thiện. Trung tâm đã điều trị 971 bệnh nhân, trong đó có gần 600 bệnh nhân được xuất viện. Nhờ thực hiện nghiêm túc chiến lược “Một cung đường - Hai điểm đến”, sau hơn 2 tháng hoạt động, hơn 700 nhân viên y tế của trung tâm đều trở về an toàn, không ai bị nhiễm Covid-19. Đó là một trong những thành tích rất đáng tự hào.
Mặc dù xây dựng thần tốc nhưng trung tâm đã triển khai được rất nhiều kỹ thuật cao trong hồi sức tích cực. Thực hiện tốt công tác đào tạo, trung tâm còn hỗ trợ chuyên môn cho 8 BV tuyến dưới thuộc Q.Bình Tân và H.Bình Chánh - nơi được coi là tâm dịch của TP.HCM. Đầu tháng 10, khi dịch bệnh tại TP.HCM dần được kiểm soát, số ca nặng giảm mạnh; trung tâm chỉ còn 32 bệnh nhân, BV Việt Đức đã tiến hành bàn giao lại cho BV Trường đại học Y Dược TP.HCM.
Trong lần ra trận lần này, những chiến sĩ áo trắng đã học được rất nhiều bài học về chuyên môn, cách ứng xử trong các tình huống, tinh thần phối hợp đồng đội. Đặc biệt hơn nữa là tình cảm, sẻ chia của người dân TP.HCM. Họ hỗ trợ tối đa cho đội ngũ y - bác sĩ, tặng chúng tôi từ con gà, gói mì tôm, hay thùng sữa… để bồi dưỡng sức khỏe. Tôi tin là các nhân viên y tế sẽ rắn rỏi hơn khi đối mặt với những khó khăn sau này. Điều tự hào nhất của người thầy thuốc là những đóng góp, những cống hiến của chiến sĩ tuyến đầu được lãnh đạo cũng như người dân thành phố ghi nhận, góp một phần nhỏ bé làm cho thành phố hồi sinh như ngày hôm nay.
(còn tiếp)
Sau khi chống dịch tại TP.HCM trở về, các chiến sĩ áo trắng lại tiếp tục tham gia công tác chống dịch tại miền Bắc. Theo sự phân công của UBND TP.Hà Nội và Bộ Y tế, BV Việt Đức được giao nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị, tư vấn và quản lý bệnh nhân Covid-19 của Q.Hoàn Kiếm.
Với những người đã tiêm đủ vắc xin, khi bị mắc Covid-19 thì cần bình tĩnh, không hoang mang và thực hiện đúng các phác đồ điều trị của Bộ Y tế khuyến cáo, tuyệt đối không nghe theo tư vấn của những cơ sở không có chuyên môn về y tế vì có thể sẽ làm cho bệnh nặng thêm…
(*) Phó giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP.HCM).
Theo TS-BS Lưu Quang Thùy (*) (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.