Trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, có 1 đơn vị đặc biệt, chuyên làm nhiệm vụ săn tìm, tiêu diệt tàu ngầm đối phương...
|
Bộ đội lữ đoàn 171 trực sẵn sàng chiến đấu trên tàu hộ vệ săn ngầm lớp Petya. ẢNH: NGÔ TRẦN HẢI AN |
Đầu năm 1961, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam 4 tàu săn ngầm loại tàu nhỏ, lượng giãn nước 200 tấn. Vũ khí trên tàu, ngoài bom phóng RBU-4000 chuyên diệt tàu ngầm, còn 2 khẩu pháo 25 mm, nên khi biên chế thành đại đội 200, các tàu này chủ yếu làm nhiệm vụ phòng không.
Đại tá Bùi Trọng Khánh (nguyên phó tham mưu trưởng Vùng 5 hải quân) nhớ lại: Ngày 9.7.1966, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập Trung đoàn 171 tuần tiễu - săn ngầm trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân (BTLHQ).
|
Tàu tuần tiễu 100 tấn của trung đoàn 171 (nay là lữ đoàn 171) đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Long Biên (Hà Nội), năm 1967. Ảnh: TƯ LIỆU QCHQ |
Trung đoàn 171 (nay là Lữ đoàn 171), ngoài 4 tàu săn ngầm, còn có 12 tàu tuần tiễu (79 tấn và 100 tấn). “Tiếng là đơn vị tập trung cơ động của BTLHQ, nhưng toàn tàu nhỏ, cũ, do Liên Xô và Trung Quốc viện trợ, nên nhiệm vụ chỉ là bảo vệ phòng không, đánh tàu biệt kích Mỹ - ngụy ra quấy rối miền Bắc, chi viện đảo…”, ông Khánh kể và liệt kê: "Ban đầu, chúng tôi ở dọc sông Cấm, đánh trả máy bay Mỹ ném bom các nhà máy, xí nghiệp ở TP.Hải Phòng. Tiếp đó, ngược lên sông Hồng, bảo vệ cầu Long Biên, nhà máy điện Yên Phụ, các mục tiêu quan trọng của Hà Nội. Lúc đầu, người dân Hà Nội rất ngạc nhiên khi thấy 20 tàu hải quân bé tý, súng pháo quá ít so với các trận địa ven sông. Sau thấy tàu cơ động chiến đấu hiệu quả, bắn rơi tại chỗ máy bay địch, bà con quý lắm. Ở Phú Thượng (Hà Nội), cứ xong trận đánh là dân bơi thuyền ra tiếp tế”.
|
Các tàu tuần tiễu và săn ngầm của Trung đoàn 171 trực trên sông Hồng, bảo vệ TP.Hà Nội, năm 1968. Ảnh: TƯ LIỆU QCHQ |
Rà phá thủy lôi
Đầu tháng 5.1972, Mỹ rải 43 bãi lôi ở các cửa sông, cảng, đường hàng hải quốc tế, các khu chuyển tải và vùng ven biển miền Bắc để bịt đường giao thông đường biển quốc tế và từ miền Bắc chi viện miền Nam.
|
Tàu phóng từ 412 của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 171 rà phá thủy lôi ở luồng Nam Triệu (TP.Hải Phòng), năm 1972. Ảnh: TƯ LIỆU QCHQ |
Theo lệnh trên, Trung đoàn 171 thành lập Tiểu đoàn 1 rà phá thủy lôi. “Ban đầu, chúng tôi rà phá thủ công như ném bộc phá, bắn súng cối, pháo… để kích nổ, nhưng không hiệu quả. Giữa tháng 5, quả thủy lôi MK52 đầu tiên được tháo gỡ, để chế tạo khí tài rà phá chuyên dụng. Cuối tháng 5.1972, khung dây từ trường phá thủy lôi ra đời và giao cho Trung đoàn 171 thử nghiệm. Đêm 27.5.1972, chúng tôi phá nổ 5 quả bom từ trường tại vùng biển Quả Xoài - Bến Gót (luồng Lạch Huyện)”, ông Nguyễn Việt Long, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 nhớ vậy và kể: “Thiết bị rà phá được cải tiến và chúng tôi lại phải đi thử. Bộ khí tài mới này có phao đèn, nặng gần 4 tấn, rất khó sử dụng ở khu vực sóng lớn. Bộ đội phải nghiên cứu từng động tác, trực tiếp thu thả và rút số người từ 28 xuống chỉ còn 18 trong kíp công tác. Giảm 10 người, không chỉ thuận tiện cho sinh hoạt dưới tàu mà khi gặp sự cố trên biển còn giảm thiểu được thương vong xương máu”.
|
Biên đội tàu hộ vệ săn ngầm 09 và 11 của lữ đoàn 171 làm nhiệm vụ trên vùng biển Trường Sa, năm 2020. Ảnh: MAI THANH HẢI |
Rà phá thủy lôi là công việc mong manh giữa sống chết. Nhiều lần, các tàu và cano bị thủy lôi nổ gần làm hỏng máy, tàu trôi tự do trên bãi lôi rất nguy hiểm. Bộ đội phải dồn sức chữa máy cứu tàu. Lần khác, tàu 150 đang đi trên bãi lôi thì dây lái chính đứt, thượng sĩ Lưu Công Hưởng đã lấy tạm dây lan can làm dây lái và sử dụng lái phụ điều khiển tàu.
“Tàu rà phá thủy lôi như cái mồi cho máy bay địch đánh phá. Thậm chí chúng còn đưa tàu chiến vào gần để nã pháo. Đêm 17.8.1972, biên đội tàu 150, 152 của Trung đoàn 171 đang rà quét trên luồng cửa Cấm - Đồ Sơn thì bị tàu địch nã pháo làm hỏng lái. Anh em đã bình tĩnh xử trí thoát khỏi tầm pháo, đưa tàu về nơi an toàn”, ông Long kể.
Giám sát chiến dịch “kéo cày trả nợ”
Sau Hiệp định Paris, Trung đoàn 171 làm nhiệm vụ rà phá triệt để thủy lôi còn sót lại ở khu Hải Phòng - Đông Bắc. Khu vực nước sâu thì còn có tàu rà quét. Nơi nước nông, luồng hẹp, tàu thuyền không vào được, bộ đội phải cởi trần mò lặn, rà tìm suốt ngày đêm… Đặc biệt, các tàu của Trung đoàn 171 còn xung kích rà phá ở vùng biển khu 4, như: tàu 412 rà quét các luồng từ sông Mã tới sông Gianh trong suốt 5 tháng; tàu 416 kiểm tra 5 cửa sông từ Thái Bình đến Cửa Hội (Nghệ An) trong 2 tháng; biên đội 420, 422 rà quét từ Cửa Hội đến Cửa Việt (Quảng Trị)…
|
Bộ đội Lữ đoàn 171 chuẩn bị vũ khí chống ngầm cho khoa mục bắn đạn thật trên biển, năm 2020. ẢNH: MAI THANH HẢI |
Ngày 5.2.1973, lực lượng đặc nhiệm 78 quét mìn của Hải quân Mỹ do chuẩn đô đốc Brian McCauley (Tư lệnh Hạm đội 7 Thái Bình Dương) trực tiếp chỉ huy, đã tập kết ở vùng biển cách đảo Long Châu (Cát Bà, TP.Hải Phòng) 10 hải lý về phía đông nam để thực hiện chiến dịch mang tên "Nhát quét cuối cùng". Với lực lượng, phương tiện rất lớn và hiện đại (44 tàu chiến và tàu quét mìn các loại; 45 máy bay lên thẳng, 5.003 binh lính, sĩ quan), phía Mỹ không chỉ muốn phô trương thanh thế với thế giới mà còn đe dọa cả miền Bắc và trực tiếp là lực lượng hải quân Việt Nam.
|
Một số tàu hộ vệ săn ngầm của lữ đoàn 171 trực sẵn sàng chiến đấu tại quân cảng 171. ẢNH: NGÔ TRẦN HẢI AN |
Trong 5 tháng lực lượng quét mìn của Mỹ hoạt động, các tàu tuần tiễu của trung đoàn 171 đã vượt qua mọi sóng to gió lớn mùa Đông Bắc, bộ đội chịu đựng gian khổ, kiên trì giám sát từng hoạt động. Những thông tin thu được đã giúp cho cấp trên đánh giá hoạt động, định ra các đối sách để giúp cho phái đoàn Chính phủ ta đấu tranh linh hoạt kịp thời với Mỹ.
Hơn 5 tháng “kéo cày trả nợ”, hải quân Mỹ chỉ phá nổ được 3 quả thủy lôi ở ngoài luồng Nam Triệu (nơi lực lượng rà phá của ta chưa rà quét) và bị tổn thất lớn (1 tàu quét mìn biển bị cháy, 3 trực thăng bị rơi, nhiều khí tài dụng cụ bị hỏng, 1 quân nhân bị chết và 9 người bị thương).
Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên thuyền trưởng kỳ cựu của lữ đoàn 171 cho biết: “Liên Xô viện trợ cho ta 4 tàu săn ngầm cỡ nhỏ là để răn đe tàu ngầm Mỹ vào hoạt động trong Vịnh Bắc bộ. Thế nên, trong suốt những năm ấy, tàu ngầm Mỹ chỉ le ve phía ngoài, không dám vào trong”.
(còn tiếp)
Trong gần 400 ngày chống phong tỏa, Trung đoàn 171 đã huy động 2.508 lần chiếc tàu, ca nô rà phá trên hầu hết 43 bãi thủy lôi ở sông biển miền Bắc; hành trình 40.960 hải lý trên các bãi lôi và dưới bom đạn bắn phá của địch; phá nổ 150 thủy lôi, bom từ trường các loại; dẫn dắt 63 tàu vận tải trong và ngoài nước, trọng tải 500 - 1.500 tấn ra vào cảng Hải Phòng, Quảng Ninh; chở 120 tấn hàng, 2.515 lượt người; cứu 2 tàu đơn vị bạn và 21 người dân thoát chết khi bị thủy lôi làm đắm thuyền”... Lịch sử Lữ đoàn 171 hải quân Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, các tàu tuần tiễu của Trung đoàn 171 đã tham gia mũi tiến công trên biển, làm nhiệm vụ vận chuyển bộ đội, phương tiện và chiến đấu giải phóng các đảo. Ngày 1.5.1975, một số tàu hải quân chở đặc công, bộ binh ra giải phóng Côn Đảo. Khi đang hành quân thì nhận tin Côn Đảo đã nổi dậy, làm chủ tình hình. Hải quân chuyển sang truy quét tàn quân, tuần tra bảo vệ vùng biển đảo... Quân chủng hải quân |
Theo Mai Thanh Hải (TNO)