5 thay đổi về chính sách lương hưu, bảo hiểm xã hội năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2024, người lao động cần lưu ý một số chính sách mới về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT), cách tính lương hưu.

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM, năm 2024 sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách về lương hưu, BHXH, BHYT theo hướng gia tăng quyền lợi của người thụ hưởng. Cụ thể:

1. Tăng tuổi nghỉ hưu, thay đổi điều kiện hưởng lương hưu

Theo quy định tại bộ luật Lao động năm 2019, từ ngày 1.1, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện bình thường là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi và 4 tháng (so với năm 2023, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 9 tháng và của nữ là 56).

Người lao động tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng lương hưu khi đóng đủ 20 năm BHXH trở lên và đạt đến tuổi nghỉ hưu đã được điều chỉnh.

Với lao động nữ nghỉ hưu năm 2024, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức hưởng tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Với lao động nam nghỉ hưu năm 2024, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức hưởng tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

2. Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH

Ngày 10.11.2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết 104 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo đó, từ ngày 1.7.2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Tuy nhiên, để xác định lương hưu năm 2024 tăng bao nhiêu phần trăm còn chờ văn bản quy định chi tiết của Chính phủ.

Ngành LĐ-TB-XH thông tin rằng sẽ cố gắng tham mưu để mức lương hưu tăng tối thiểu đạt 15% so với mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5%; tham mưu nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng hoặc 750.000 đồng/tháng (số tiền này sẽ nhân với hệ số 1 - 3, tùy trường hợp theo quy định).

Tính toán cho thấy nếu nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 750.000 đồng thì người cao tuổi không có lương hưu và thuộc hộ nghèo sẽ nhận trợ cấp = 750.000 đồng x 3 = 2.250.000 đồng/tháng; người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng sẽ nhận 750.000 đồng/tháng.

Năm 2024, nhất là thời điểm bỏ lương cơ sở (từ 1.7), chính sách về lương hưu, BHXH sẽ có nhiều thay đổi đột phá

Năm 2024, nhất là thời điểm bỏ lương cơ sở (từ 1.7), chính sách về lương hưu, BHXH sẽ có nhiều thay đổi đột phá

3. Thay đổi cách tính lương hưu tối thiểu và một số trợ cấp

Quy định hiện nay, theo khoản 5 điều 56 luật BHXH năm 2014, mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc bằng mức lương cơ sở.

Từ ngày 1.1 - 30.6.2024, mức lương cơ sở tiếp tục áp dụng theo mức 1,8 triệu đồng/tháng và tiền lương được tính bằng hệ số x lương cơ sở. Thế nên, mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng.

Từ ngày 1.7, bỏ mức lương cơ sở để thay thế bằng chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27. Thế nên sẽ có một cơ chế mới trong việc xác định mức hưởng lương hưu. Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất.

Ngoài ra, với dự thảo luật BHXH sửa đổi dự kiến được thông qua năm 2024, sẽ có điều chỉnh các khoản trợ cấp BHXH như trợ cấp sinh con, dưỡng sức sau sinh, dưỡng sức sau ốm và trợ cấp tuất hằng tháng.

Theo luật BHXH năm 2014, các khoản trợ cấp BHXH được tính dựa trên mức lương cơ sở. Ví dụ như trợ cấp 1 lần khi sinh con, trợ cấp dưỡng sức sau sinh, dưỡng sức sau ốm, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hằng tháng.

Thế nên, khi không còn hệ số lương và mức lương cơ sở thì các khoản này cũng thay đổi. Hiện Chính phủ đang đề xuất các khoản trợ cấp gắn với lương cơ sở bằng với mức cao nhất hiện nay và quy định bằng số tiền cụ thể, như trợ cấp dưỡng sức sau sinh, ốm đau là 540.000 đồng/ngày; trợ cấp 1 lần khi sinh con là 3,6 triệu đồng/con.

4. Thay đổi hệ số trượt giá BHXH

Hệ số trượt giá BHXH sẽ thực hiện theo Thông tư 01 năm 2023 của Bộ LĐ-TB-XH. Sự thay đổi của hệ số trượt giá BHXH từ năm 2023 sang 2024, dù chưa được công bố cụ thể, nhưng nếu tăng lên sẽ dẫn đến việc tăng tương ứng trong các chế độ như BHXH 1 lần, lương hưu hằng tháng, trợ cấp nghỉ hưu 1 lần và trợ cấp tuất 1 lần.

5. Thay đổi mức đóng BHYT

Hiện nay, mức đóng BHYT hộ gia đình như sau: người đầu tiên trong hộ sẽ đóng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Đối với học sinh, sinh viên, mức đóng BHYT hằng tháng là 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách hỗ trợ 30%.

Tuy nhiên, từ 1.7.2024 bỏ mức lương cơ sở nên sẽ dẫn đến việc xem xét lại và đưa ra hướng dẫn mới về mức đóng và hưởng BHYT.

Ngoài ra, nếu trước đây chi phí khám chữa bệnh dưới 15% mức lương cơ sở (khoảng dưới 270.000 đồng) sẽ được BHYT chi trả 100%. Tuy nhiên, từ 1.7, chi phí này sẽ thay đổi và có hướng dẫn cụ thể.

Có thể bạn quan tâm

Chính thức: Nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, dịp lễ 30/4-1/5 nghỉ 5 ngày liên tiếp

Chính thức: Nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, dịp lễ 30/4-1/5 nghỉ 5 ngày liên tiếp

Theo thông báo chính thức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ Tết Âm lịch kéo dài 9 ngày, từ thứ Bảy, ngày 25/01/2025 dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 02/02/2025 dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).