5 thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên: "Bắt tay" phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 25-6, tại Khách sạn Tre Xanh (TP. Pleiku), UBND 5 thành phố: Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Pleiku (tỉnh Gia Lai), Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) và Gia Nghĩa (tỉnh Đak Nông) đã phối hợp tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch năm 2022. Không chỉ giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người, hội nghị còn bàn thảo nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường du lịch và thu hút du khách giữa các thành phố.

Tham dự hội nghị các ông: Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku; Đỗ Việt Hưng-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku; Huỳnh Lữ Tân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa; Huỳnh Ngọc Oánh-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Tuy Hòa; Phan Ngọc Định-Phó Chủ tịch UBND TP. Kon Tum; Phạm Tiến Hưng-Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột; Vi Đức Thành-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Gia Nghĩa; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, Hiệp hội Du lịch của các tỉnh và các doanh nghiệp du lịch…


Thảo luận nhiều giải pháp

Sau khi xem qua các thước phim ngắn giới thiệu và quảng bá về những tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của 5 thành phố, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về những giải pháp nhằm kết nối, phát triển du lịch hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đỗ Việt Hưng cho rằng, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh đổi mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch thì việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các địa phương là vô cùng cần thiết nhằm mở rộng thị trường. Vì vậy, hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP. Tuy Hòa và 4 thành phố ở Tây Nguyên gồm: Pleiku, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa là hoạt động hết sức thiết thực để thúc đẩy hợp tác phát triển liên kết vùng và kích cầu du lịch, nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19. Đây cũng là cơ hội quảng bá, giới thiệu về du lịch của 5 thành phố tới du khách, gia tăng kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành.

“Thông qua hội nghị lần này, TP. Pleiku mong muốn được cùng chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển du lịch; tập trung đề ra các giải pháp liên kết du lịch của 5 thành phố và gắn kết hệ thống kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch; phát triển và tổ chức các chương trình du lịch chuyên đề như: du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch khám phá tìm hiểu văn hóa-lịch sử hay du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku nhấn mạnh.

Ông Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy


Đồng mục tiêu, ông Phạm Tiến Hưng-Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột-chia sẻ: “Đến với hội nghị này, chúng tôi mang theo niềm khát vọng phát triển du lịch sao cho tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, từ đó đem lại thu nhập chính đáng cho người dân và góp phần phát triển kinh tế xã hội”. Để hiện thực hóa khát vọng đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột đã đưa ra tại hội nghị một số giải pháp để ngành “công nghiệp không khói” của các địa phương có thể cất cánh trong tương lai.

“Đã đến lúc cả cấp ủy, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp làm du lịch cần phải thay đổi nhận thức về du lịch. Trên thực tế, có lúc chúng ta khai thác đến mức “bóc lột” tài nguyên mà chưa chú trọng kết hợp giữa khai thác với đầu tư, làm mới và tạo sự sâu sắc hơn cho các loại hình cũng như sản phẩm du lịch. Thêm vào đó, khi liên kết, các thành phố cũng phải thống nhất về quy hoạch du lịch để tạo nên sự khác biệt trong loại hình sản phẩm, phân khúc, tránh sự trùng lặp và nét tương đồng giữa sản phẩm du lịch ở các địa phương khiến du khách cảm thấy nhàm chán”-Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) Nguyễn Lê Vi Phúc phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) Nguyễn Lê Vi Phúc phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: Đức Thụy


Tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những điểm nghẽn và hạn chế mà 4 thành phố ở Tây Nguyên đang gặp phải trong phát triển du lịch như: hạ tầng giao thông còn khó khăn; thiếu hoặc chưa xây dựng được những điểm dừng nghỉ, tham quan để níu chân du khách trên hành trình di chuyển; sản phẩm du lịch còn hạn chế, thiếu sự hấp dẫn... Điều này dẫn đến dòng khách du lịch đổ về Pleiku, Kon Tum, Buôn Ma Thuột hay Gia Nghĩa chưa được nhiều như các thành phố biển.

Ông Ngô Văn Định-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên-nêu giải pháp: Hoạt động liên kết du lịch chính là cách làm sáng tạo, hiệu quả. Chẳng hạn, mùa mưa ở Phú Yên thường rơi vào tháng 11, 12 thì lại là mùa du lịch đẹp nhất ở Pleiku nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Thời điểm này, các doanh nghiệp lữ hành ở Phú Yên và Tây Nguyên có thể liên kết với nhau để xây dựng các tour du lịch “mùa đông”, hay “lên rừng-xuống biển kết hợp thăm người thân” để giới thiệu và thu hút du khách đồng bằng về với Tây Nguyên; qua đó có thể tăng dần và cân bằng lượng du khách đến tham quan, du lịch giữa Tuy Hòa và các thành phố ở khu vực, tạo sự gắn kết và phát triển bền vững.

Ký kết hợp tác du lịch

Đại diện lãnh đạo UBND 5 thành phố ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch. Ảnh: Đức Thụy
Đại diện lãnh đạo UBND 5 thành phố ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch. Ảnh: Đức Thụy
Dịp này, lãnh đạo UBND TP. Tuy Hòa cũng đã tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo UBND 4 thành phố: Pleiku, Kon Tum, Buôn Ma Thuột và Gia Nghĩa.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND 5 thành phố: Tuy Hòa, Pleiku, Kon Tum, Buôn Ma Thuột và Gia Nghĩa đã cùng ký kết biên bản hợp tác nhằm đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng, kết nối tour-tuyến với các đối tác.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân tin tưởng sự gắn kết giữa các thành phố sau hội nghị này sẽ đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy du lịch Tây Nguyên và duyên hải miền Trung phát triển. Đồng thời, mong muốn từ TP. Pleiku, Ngày hội Du lịch kết nối sẽ được luân phiên tổ chức giữa các thành phố còn lại để việc hợp tác ngày càng bền chặt và có hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng cũng đánh giá: “Hội nghị này có ý nghĩa rất thiết thực. Vì thế, tôi mong rằng những ký kết hợp tác tại hội nghị này không chỉ dừng lại trên giấy mà sẽ phát huy giá trị thực tiễn, mang lại nhiều tín hiệu vui cho các địa phương liên quan. Cùng với đó, tôi đề nghị, nếu các thành phố tiếp tục tổ chức ngày hội trong những năm tới thì nên thu hút nhiều doanh nghiệp, công ty lữ hành tham gia hơn nữa để tăng cường kết nối, kích cầu du lịch”.

Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt (TP. Pleiku) Hà Trọng Hải tham gia thảo luận tại hội nghị.
Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt (TP. Pleiku) Hà Trọng Hải tham gia thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy


Tại hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa 4 doanh nghiệp lữ hành của TP. Pleiku và TP. Tuy Hòa gồm: Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Sinh thái Gia Lai, Công ty cổ phần Phù Đổng Phú Yên, Công ty TNHH Quy Nhơn Đẹp Phú Yên.

“Thời gian qua, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách ở Pleiku đăng ký tour đến với Tuy Hòa nói riêng và các thành phố biển nói chung ngày càng tăng; tuy nhiên các tour theo chiều ngược lại từ Tuy Hòa về Pleiku khá ít. Do đó, việc ký kết hợp tác tại hội nghị sẽ mở ra cơ hội cho chúng tôi trong việc liên kết, trao đổi và phát triển du lịch với các đối tác, nhất là thu hút, kết nối khách du lịch giữa 2 địa phương”-Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt (TP. Pleiku) Hà Trọng Hải phấn khởi nói.

Bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hòa Nguyễn Lê Vi Phúc nhấn mạnh: Nếu Tuy Hòa mạnh về du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng biển thì các thành phố ở Tây Nguyên lại mạnh về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh và nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chính sự khác biệt về sản phẩm du lịch là điều kiện thuận lợi để các địa phương liên kết, hợp tác phát huy thế mạnh, hình thành và khai thác hiệu quả tuyến du lịch hành lang kinh tế Đông-Tây; từng bước tạo thành điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển du lịch vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, góp phần kiến tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, thể hiện rõ nét tinh thần của biên bản ghi nhớ và chủ đề “Vẻ đẹp Tuy Hòa cùng đại ngàn Tây Nguyên”.

 

MỘC TRÀ - TRẦN DUNG

 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.