40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc: Một điển hình về hợp tác phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29 đến 31-5 diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2017).

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc gặp quan trọng với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và dự Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc tại thành phố New York.

 

Việt Nam dự một hội nghị của Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Việt Nam dự một hội nghị của Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)


Hỗ trợ hiệu quả công cuộc xây dựng, phát triển của Việt Nam

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977. Kể từ đó, quan hệ của Việt Nam với Liên hợp quốc ngày càng phát triển. Trong giai đoạn sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, từng bước khôi phục sản xuất.

Các tổ chức tài trợ chính bao gồm: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc; Chương trình Lương thực thế giới; Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc; Quỹ Dân số Liên hợp quốc; Tổ chức Y tế Thế giới... đã hỗ trợ đáng kể cho đầu tư của Chính phủ Việt Nam về các hạng mục phát triển-xã hội, tập trung trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Hợp tác với Liên hợp quốc góp phần nâng cao trình độ công nghệ, thúc đẩy tiến bộ về khoa học-kỹ thuật ở Việt Nam, phục hồi, xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển. Trong bối cảnh bị bao vây cấm vận, hợp tác với Liên hợp quốc tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận được nguồn viện trợ của nhiều nước phương Tây.

Trong giai đoạn 1986-1996, Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, các dự án hợp tác của Liên hợp quốc là nguồn hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, trình độ cán bộ. Liên hợp quốc tiếp tục có những đóng góp có giá trị đối với việc nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, phát triển nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật, giải quyết các vấn đề xã hội của Việt Nam.

Trong giai đoạn 1997-2000, Liên hợp quốc dành ưu tiên hỗ trợ cho lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội; cải cách và quản lý phát triển; quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên; điều phối viện trợ, quản lý nhà nước và huy động nguồn lực.

Giai đoạn 2001-2005, Liên hợp quốc chuyển mạnh hướng hỗ trợ kỹ thuật sang hỗ trợ các biện pháp cải cách về chính sách và thể chế kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, hành chính công, luật pháp, lập kế hoạch đầu tư công, phát triển hệ thống ngân hàng, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác như phòng chống HIV/AIDS và các bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quyền bình đẳng nam-nữ...

Những ưu tiên chính trong giai đoạn này là thúc đẩy cải cách, tư vấn trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi nhiều bộ luật quan trọng, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thực hiện Chương trình 135, lồng ghép với việc thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên, nâng cao nhận thức của người dân về môi trường, xây dựng chiến lược, chính sách, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường, đa dạng sinh học.

Góp phần giải quyết các vấn đề chung toàn cầu

Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn Liên hợp quốc làm cơ sở tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế.

Nổi bật là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1998; một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996; thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996.

 

2
Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc tham dự Kỳ họp lần thứ 34 Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc.


Ngoài ra, Việt Nam sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các Hội nghị lớn như: Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 2000 , năm 2005, năm 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, năm 2003...

Sự kiện quan trọng đánh dấu vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc, đó là việc Việt Nam tham gia ứng cử và được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nhiệm kỳ năm 1997; thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế nhiệm kỳ 1997-1999; được bầu vào Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc tháng 5/2000; bầu vào Ban Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa tháng 10/2001; Ủy viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế năm 2003.

Việt Nam đồng thời là thành viên Hội đồng Điều hành của Chương trình Phát triển và Quỹ Dân số Liên hợp quốc; thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018; thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016). Tháng 6/2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thu hút viện trợ của các tổ chức phát triển Liên hợp quốc mà còn chủ động xây dựng các hình thức hợp tác và tham gia vào các tổ chức này. Mô hình hợp tác 3 bên (ban đầu giữa Việt Nam, FAO, Senegal về trồng lúa) đã được mở rộng và áp dụng rộng rãi, được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam-Nam. Việt Nam đã tích cực phối hợp với các tổ chức phát triển Liên hợp quốc thực hiện thí điểm sáng kiến “Một Liên hợp quốc," được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao.

Trong giai đoạn hợp tác 2012-2016, một cấu phần quan trọng của Sáng kiến Thống nhất Hành động-Một Liên hợp quốc là Một Ngôi nhà chung, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng Ngôi nhà Xanh chung Liên hợp quốc tại Hà Nội. Đây là Ngôi nhà chung Liên hợp quốc đầu tiên thân thiện với môi trường, đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021 trong khuôn khổ Sáng kiến Một Liên hợp quốc cơ bản được xây dựng xong, đã trình Chính phủ Việt Nam chờ chính thức thông qua. Chương trình này tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên Liên hợp quốc, cũng như về vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.

Sự hợp tác này đã đạt được những kết quả tốt, có tác dụng tích cực, đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn, tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới.

 

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...