5 năm qua, tính trung bình mỗi năm có khoảng 800.000 người rút BHXH một lần. Và năm sau cao hơn năm trước đến “hai con số”, tức khoảng 11,6%. “Bán lúa non” không chỉ là làn sóng, nó thật sự là vấn đề.
Người lao động chờ làm thủ tục BHXH tại Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Nam Dương |
Con số 4 triệu người rút BHXH một lần, theo ông Chu Mạnh Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam là thậm chí còn chưa tính số lao động thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công An.
Và trong con số 4 triệu này, có khoảng 895.500 trường hợp của năm 2022, khi dịch bệnh đã bị đẩy lui, tăng 3,7% so với 2021.
Có 1 lý do của việc rút BHXH một lần không bao giờ thay đổi: Là vì khó khăn. Là do cần tiền. Nhưng không thể trông cậy vào đâu được nữa..., khi “một vài triệu đồng là cả một tài sản mà người lao động phải làm việc cật lực mới có được”.
Còn nhớ vào tháng 7.2020, khi vụ thu gom, cầm cố sổ BHXH được phát hiện ở Củ Chi, có một số trường hợp khiến dư luận kinh ngạc. Đó là việc một số công nhân đã bán sổ BHXH theo kiểu “bán lúa non” với giá chỉ 20 triệu đồng, trong khi chỉ 5 tháng sau là đến hạn “lãnh một cục” 25 triệu đồng.
Có nghĩa rằng hoàn cảnh đã... hoàn cảnh đến mức họ không thể chờ thêm nổi 5 tháng nữa, dù biết sẽ mất đến 20% số tiền.
Hôm qua, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng thẳng thắn về nguyên nhân, rằng: Tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua khiến đời sống của người dân có nhiều khó khăn. “Nhiều trường hợp chỉ còn trông chờ vào rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống”.
Trong vụ cầm, cắm, “bán lúa non” sổ BHXH cũng có những trường hợp như thế. Báo Sài Gòn Giải phóng thuật lại, có trường hợp do cần gấp tiền nhưng không thể vay tại các tổ chức ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, nên công nhân đành "bán non" sổ BHXH tại cửa hàng cầm đồ H.Đ.
Hình như chính những trường hợp này cũng là một đáp án. Để có những sửa đổi về mặt pháp lý coi sổ BHXH là một vật tín chấp, một tài sản đảm bảo... cho một món vay cầm hơi lúc tức thời.
Chứ đã rút rồi thì số người tái tham gia BHXH đang quá thấp, chỉ khoảng 3,5%.
Chứ 4 triệu người rút BHXH một lần trong chỉ 5 năm. Đó là một vấn đề, ở cả nghĩa tình trạng thực tế, vừa ở cả việc “chưa có giải pháp hữu hiệu”- như nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. Nhưng đã đến lúc không thể cứ dừng lại ở tình trạng “chưa có giải pháp”!
Theo Đào Tuấn (LĐO)