35 năm trước Gia Lai từng có một giải văn chương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Người ta nói, mùa mưa bây giờ ngắn lại, cả những cơn gió cũng ngắn lại. Tôi cũng có cảm giác dường như là thế. Nhưng dù vắn hay dài, dù bao nhiêu mùa mưa đã đi qua thì với tôi, mùa mưa ở Gia Lai năm 1984 vẫn mãi còn trong ký ức.
Cái âm điệu ướt át buồn tẻ như dính bết cả vào giấc ngủ. Buồn thế mà chẳng biết đi đâu. Là bởi, tôi mới nhận công tác, chưa mấy quen ai. Nhưng rồi chợt nhớ ở Sở Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) có Văn Công Hùng, đàn anh khóa 1 học cùng trường, nay làm Phòng Văn nghệ. Hồi ấy, sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế ở cùng dãy nhà nên dù không chơi thân thì cũng biết mặt nhau. Vậy là, tôi cuốc bộ xuống Sở tìm.
Vẫn quần loe, tóc dài như thời ở trường, “lão” tiếp tôi trước một chiếc bàn thấp, bừa bộn giấy má. Hỏi han mọi chuyện, rốt lại là: “Cố gắng dành thời gian cộng tác với tạp chí. À mà đang có cuộc thi sáng tác chào mừng 10 năm giải phóng tỉnh đấy. Có gì thì gửi”. Đã không ngờ Gia Lai-Kon Tum cũng có tạp chí văn nghệ ra định kỳ, lại tổ chức thi sáng tác nữa thì còn gì bằng! Vậy là hăm hở ngồi bàn hùng hục viết.
Câu chuyện lấy cảm hứng từ chuyến công tác đầu tiên của tôi lên huyện Đak Glei. Ngày ấy, lên được Đak Glei vô cùng gian khổ. Xe khách mỗi tuần chỉ có 1 chuyến. Gọi là “xe khách” cho sang, thực tế nó là chiếc xe tải cải tạo lại. Trên xe, người nêm chặt 2 hàng ghế, chặt cả lối đi mà vẫn còn phải đu bám phía sau.
Chiếc xe lặc lè bò qua huyện Đak Tô một đoạn thì trời đổ mưa. Xe bỗng dưng lắc một cú rất mạnh rồi nghiêng hẳn. Một phút im lặng, tiếng máy rú lên khừng khực, khói phun khét lẹt, sau đó tắt ngấm. Giọng người phụ xe ngán ngẩm: “Bị sụp hố rồi, bà con thông cảm vào trường học nghỉ tạm, chờ thuê xe kéo lên mới đi được”.
Hành khách lục tục bước xuống. Kẻ chửi thề, người thở dài não ruột. Chờ có xe đến kéo thì biết đến bao giờ, mà sáng mai cuộc họp đã khai mạc. Đang chưa biết cách nào thì một chiếc xe tải mang biển số đỏ loạng choạng lách qua, tôi nhảy lên cửa chìa giấy giới thiệu ra, tài xế ngần ngừ một thoáng rồi đồng ý.
Một số ấn phẩm của Tạp chí Văn nghệ Gia Lai. Ảnh: Nguyên Bình
Một số ấn phẩm của Tạp chí Văn nghệ Gia Lai. Ảnh: Nguyên Bình
Cơn mưa mỗi lúc mỗi thêm nặng hạt. Chiếc thùng xe không có mái che, tôi ướt mèm, rét run cầm cập. Đang lao xồng xộc trên đoạn đường lổn nhổn đá, chiếc xe bỗng nhiên phanh kít. Tôi bị chấn ngực vào thành xe đau mờ cả mắt.
Định thần xem chuyện gì, thì ra một tốp bà con dân tộc thiểu số chặn xe đi nhờ. Người nào cũng một chiếc gùi lèn chặt những chuối, măng, mật ong. Chẳng cần chủ xe có đồng ý hay không, họ cứ hối hả kéo nhau trèo lên. Hỏi một người, tôi được biết là bà con đi chợ huyện. Chợ còn cách những hai chục cây số, sáng mai mới họp nhưng hiếm hoi mới có một chiếc xe chạy ngang qua nên phải đón kiểu lăn xả như vậy.
“Chịu để bà con đi nhờ, bác tài này cũng tốt bụng đấy chứ”-tôi vừa nghĩ vậy thì đã thấy anh tài xế trèo lên thùng xe và tuyên bố: “Ai muốn đi thì cho “xin” 10 đồng”. Từ Pleiku lên tới Đak Glei xe đò vé chỉ 5 đồng, vậy mà… Chẳng ai thắc mắc gì, lần lượt từng người móc những đồng tiền nhàu nát ra trả. Chỉ 4 người không có tiền nên trả bằng hiện vật... 
Chuyện thực tế chỉ có thế và tất nhiên là khi bắt tay vào viết, tôi phải hư cấu thêm cho hoàn chỉnh. Đại loại 15 năm trước có anh lính giải phóng bị thương lạc đơn vị. Một phụ nữ dân tộc thiểu số đi rẫy phát hiện được đã nuôi giấu anh ngoài rừng. Khi vết thương sắp lành thì bọn địch đánh hơi thấy. Chúng bắt bà dẫn vào rừng chỉ chỗ. Bằng sự mưu trí, bà đã đánh động cho anh chạy thoát, còn mình thì bị chúng đánh suýt chết.
Trên chuyến xe hôm nay, người phụ nữ ngày ấy là một người trong tốp đồng bào đi nhờ, còn anh lính giải phóng năm xưa bây giờ là người lái xe. Anh không nhận ra ân nhân nhưng bà thì vẫn nhận ra, dù vậy, bà vẫn điềm nhiên coi như không quen biết… Vậy là 1 truyện ngắn có cái tên rất cổ điển “Xa xăm” ra đời. Truyện được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Gia Lai-Kon Tum số 3 năm 1985.
35 năm qua, tôi không còn nhớ có bao nhiêu tác giả, tác phẩm dự thi nhưng chắc cũng không nhiều lắm vì lực lượng sáng tác Gia Lai-Kon Tum bấy giờ đâu chỉ vài chục người. Dù vậy, để đảm bảo tính khách quan và nghiêm túc của cuộc thi, Sở Văn hóa-Thông tin đã mời hẳn các nhà văn nổi tiếng về chấm giải. Tôi nhớ Ban giám khảo có các nhà văn: Kim Lân, Khuất Quang Thụy, Mạc Phi và nhà thơ Võ Thanh An… Ngoài việc chấm giải, nhân dịp này, Sở còn tạo điều kiện để các nhà văn đi tham quan, sáng tác.
Với tôi, truyện ngắn đầu tay được đăng, chưa cần có giải cũng đã mừng. Giữa lúc đó thì xảy ra “biến cố”: Tháng 5-1985, tỉnh có đợt tăng cường cán bộ về cơ sở. Tôi thuộc số ấy. Ngày lại ngày trôi đi lê thê đến mức cầm cuốn sách lên cũng thấy sợ chữ. Và cái truyện ngắn “Xa xăm” trôi về một cõi xa xăm nào tôi cũng chẳng hay…
Buồn quá, Tết năm 1986, tôi quyết định về phép. Bởi tầm quan trọng của chuyến đi, từ 20 tháng Chạp, tôi đã về trụ sở UBND huyện Chư Prông xin tạm ứng lương. Hai, ba lần nói khó, ông Quý kế toán vẫn lắc đầu: “Két Ủy ban không có một đồng, anh chờ đến 28, 29 Tết thì may ra…”. Vậy thì chỉ còn cách đi mượn. Nhưng Tết sắp đến nơi rồi, được mấy đồng lương còm ai cũng để sắm sanh cả, rỗi đâu mà cho mượn.
Gan ruột như nẫu hết vì buồn chán, chiều 26 Tết, sau khi ghé nhà một người bạn, tôi nhằm hướng Diệp Kính lang thang như kẻ mộng du. Ngang qua Bưu điện chợt giật mình bởi tiếng gọi giật: “Ê, thằng kia!”. Thì ra là Văn Công Hùng. “Lão” khoát tay ra hiệu cho tôi đến gần: “Mày ở đâu mà tao nhắn tìm khắp nơi không thấy? Cái “Xa xăm” được giải ba đấy! Tiền thưởng 200 đồng tao đã lĩnh giùm. Giờ theo tao về nhà mà lấy!”.
Bỗng thấy trời đất sáng lòa… 200 đồng tiền mới lúc ấy tức là 2.000 đồng tiền cũ. Mới đổi tiền tháng 9-1985, nó gần như chưa mất giá. Không chỉ đủ cho tôi khứ hồi thoải mái mà còn dư dả để mua theo một đống sách nữa!
Ngần ấy thời gian đã qua, giải văn chương ấy hẳn không mấy người còn nhớ. Chính Văn Công Hùng là người trong cuộc mà ông cũng láng máng: “Hình như là ông Ksor Jin giải nhất”. Thế nhưng với tôi, dù ai nhớ ai quên thì đây vẫn là giải văn chương ý nghĩa nhất. Là bởi mỗi lần nhớ lại, nó nhắc tôi nhớ về một thời đầy những cử chỉ say mê văn chương trong sáng… Lại chợt nhớ ra: Ngần ấy năm rồi, Tạp chí Văn nghệ Gia Lai vẫn chỉ có duy nhất 1 cuộc thi như thế!
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.