Nhớ Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cơn mưa đầu mùa đổ xuống miền biển sau bao ngày đất trời oi ả, khô hanh. Tôi trở về nhà, thần người nhìn mưa rớt bên ngoài. Và đột nhiên trong giây phút ấy, ký ức như một cuốn phim cũ được bảo quản ở một góc nào đó của não bộ đến một thời điểm thích hợp, tự chúng bung ra như một đóa hoa. Như hôm nay, khi bên ngoài trời mưa, tôi chợt nhớ một ngày mưa Pleiku.
Xa Pleiku bao lâu rồi, giữa những tháng ngày của cái tuổi không còn quá trẻ, chẳng hiểu sao tôi vẫn dành rất nhiều xúc cảm cho nơi ấy. Có lẽ, khoảng thẳm sâu nhất của tâm hồn đã được tắm gội trong những mùa mưa Pleiku nên trong lòng luôn lắng lại niềm xúc động. Là bởi, với thành phố nhỏ hẹp và yên bình này, tôi đã thuộc lòng từng con đường, từng hẻm nhỏ.
Quên sao được mùa nhiều sương, nhìn từ xa con đường về nhà uốn cong như một dải lụa mềm mại vắt ngang thành phố. Nhớ ông bà cụ hàng xóm hiền lành tóc bạc như sương giăng, sớm chiều ngồi trò chuyện cùng nhau bên căn nhà gỗ nhỏ. Chợt nhớ dáng hình của hai người đàn ông luống tuổi ngồi bên nhau hàn huyên những chuyện ngày xưa ở quán cà phê quen. Tôi ngồi bàn bên cạnh, nghe hai người kể chuyện về thời trung học ở Pleiku thú vị lắm! Có lẽ cũng vì thế mà từ đó tình yêu với Pleiku trong tôi mỗi ngày càng một dày thêm.
Pleiku những ngày mưa thật lạnh. Mưa không đến đột ngột rồi trôi tuột đi, mưa giăng trắng xóa trên mái phố, rơi xiên xiên theo hơi thở của gió. Những chiều mưa, tôi thường co lại vì lạnh, vì như muốn ôm trọn vào lòng mình thứ gì đó quá đỗi mong manh. Lúc ấy, tất cả những ý niệm về cuộc đời dường như chỉ còn là mưa rơi trước mặt.
Ướt đẫm mưa ngoài đó, bao phận người lận đận mưu sinh bởi cuộc sống vẫn tiếp diễn. Những đêm ôm con ngủ trong chăn ấm, tôi thường nghĩ đến những người phụ nữ thức trắng ở khu chợ đêm, họ chở hàng đi chợ, họ dọn đồ buôn bán, họ bốc vác, khuân đồ. Mấy ai biết khi mình có nơi nương náu bình yên mỗi đêm thì ngoài kia có biết bao người xuyên qua màn mưa để về nhà khi trời còn chưa sáng. Bao nỗi nhọc nhằn cơ cực ấy nhiều khi không thể gọi thành tên.
Một góc đô thị Pleiku. Ảnh: Phan Nguyên
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: Phan Nguyên
Hồi mới lên Pleiku, tôi sợ nhất mùa mưa ở nơi này. Mưa ròng rã từ cuối tháng 4  kéo tận sang tháng 10. Thỉnh thoảng có năm vẫn có mưa giữa mùa khô. Khi đã quen với những cơn mưa, là lúc tôi phải rời Pleiku mà đi. Vậy đó, tuổi tác cứ mong manh trên mọi thứ. Nó cứ ứ lên dần như nỗi nhớ rất mới và thường trực trong tim khi thoảng nghe trong xa vắng ở khu vườn cũ của mình tiếng những chiếc lá đang thầm thì, những búp chồi cựa mình mới nhú sau mưa.
Trong nguyên sơ nỗi nhớ, tôi vẫn còn nghĩ về cái màu tím dịu ngọt, đủ làm tôi chếnh choáng khi nhìn thấy vạt hoa thạch thảo nở quanh ang nước trước hiên nhà. Nhiều lần đứng ở đó vo gạo nấu cơm, nghe mùa rơi trên những phím tay mình, tôi chợt nhớ đến lời người xưa dạy: Khi người ta ôn nhu dịu dàng với cây cối thì cây cối nhanh nẩy mầm và sai hoa sai trái. Và ong sẽ về làm tổ. Chuyện này ai làm vườn yêu mến cây cỏ cũng đều có trải nghiệm giống như tôi.
Bao nhiêu là thương mến với Pleiku đã đến và ở lại lòng tôi như thế, mặc cho dòng đời cuộn chảy, mặc cho tôi của bây giờ không còn ở Pleiku. Nhưng mỗi khi đối diện với miền bình lặng ấy, chùm ký ức ngọt ngào vẫn chưa thể nguôi quên.
BÌNH CHI

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.