29 người Hàn Quốc hành hương tới Israel nhiễm SARS-CoV-2

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong số 39 người hành hương từ tỉnh Bắc Gyeongsang đến Israel, 11 người được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 và 18 người còn lại được xác nhận dương tính với virus chết người này.

 

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)



Ngày 24/2, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết đã ghi nhận tổng cộng 29 người Hàn Quốc tham gia chuyến hành hương tới Israel nhiễm bệnh.

Trong số 39 người hành hương từ tỉnh Bắc Gyeongsang đến Israel từ ngày 8-16/2 vừa qua, 11 người được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 và 18 người còn lại được xác nhận dương tính với virus chết người này.

Trong số các ca nhiễm bệnh, 19 người sinh sống tại huyện Euiseong, thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang cùng với 1 bệnh nhân là một cư dân thủ đô Seoul và cũng là hướng dẫn viên du lịch.

Giới chức y tế địa phương cảnh báo nguy cơ xảy ra lây nhiễm thứ cấp khi đa số những bệnh nhân này đã đến các điểm công cộng sau khi hành hương và trở về nhà.

Đến nay, ít nhất 170 người được phát hiện đã tiếp xúc gần với những người hành hương nhiễm bệnh COVID-19.

Theo hãng tin Yonhap, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ chia sẻ chính xác tình hình dịch bệnh cũng như những nỗ lực phòng dịch của Seoul đến chính phủ các nước.

Đến thời điểm này, dù số ca nhiễm bệnh tại Hàn Quốc tăng mạnh (lên tới 763 người) và có 7 người tử vong song không có sự lây lan trên diện rộng mà chỉ hạn chế ở một số địa phương như thành phố Daegu, tỉnh Bắc Gyeongsang, và ở một số nhóm người đặc biệt như những tín đồ thuộc giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa).

Trong khi hơn 50% tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc có liên quan đến những tín đồ của giáo phái Shincheonji cũng như những người tiếp xúc gần với họ tại thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, nhiều nhà thờ trên khắp cả nước đã tạm thời đình chỉ các buổi lễ cũng như dịch vụ công.


 

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)



Trong một thông báo trực tuyến ngày 23/2, giáo phái Shincheonji cho biết đã tạm thời đóng cửa 1.100 nhà thờ và các tòa nhà lân cận trên khắp Hàn Quốc.

Nhà thờ của giáo phái Shincheonji cũng được cho là tâm dịch khi nhiều tín đồ của giáo phái mới đây thực hiện chuyến hành hương tới Israel đã được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Cùng ngày 24/2, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết tính đến thời điểm hiện tại đã có 15 nước cấm hoặc siết chặt nhập cảnh từ Hàn Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phóng viên TTXVN dẫn thông báo của bộ trên cho biết ngày 22/2 vừa qua, Israel đã từ chối nhập cảnh đối với khoảng 130 người Hàn Quốc đi trên chuyến bay KE957 của hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc (Korean Air) tới thành phố Tel Aviv.

Chính phủ Israel ngày 23/2 ra thông báo từ ngày 24/2 sẽ áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài từng lưu trú tại Hàn Quốc và Nhật Bản trong vòng 14 ngày.

Bahrain cũng thực hiện biện pháp tương tự đối với người nước ngoài đến từ những quốc gia phát sinh dịch COVID-19 từ ngày 21/2. Chỉ những công dân Hàn Quốc sở hữu thẻ cư trú tại Bahrain mới được nhập cảnh nhưng phải được kiểm tra y tế và cách ly.

Tương tự, các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Cộng hòa Kiribati, Samoa, và Samoa thuộc Mỹ cũng đã chặn nhập cảnh từ Hàn Quốc. Cộng hòa Mauritius đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh và cho cách ly với du khách là người Hàn Quốc.

Brunei xác định các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Thái Lan là những nước “lây nhiễm cao,” và tiến hành theo dõi tình trạng sức khỏe của những người nhập cảnh từ những quốc gia trên trong thời gian 2 tuần.

Anh cũng yêu cầu những người từng ghé thăm 7 nước, trong đó có Hàn Quốc, phải tự cách ly và khai báo khi xuất hiện triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 trong vòng 14 ngày.

Brazil yêu cầu những công dân nhập cảnh từ 7 nước (gồm cả Hàn Quốc và Triều Tiên) hợp tác kiểm dịch cũng như cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe.

Qatar và Oman cũng tiến hành cách ly những cá nhân, tổ chức từng tới thăm Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran, Singapore trong 2 tuần qua.

Ethiopia, Turkmenistan kêu gọi người dân nhập cảnh từ các nước có dịch COVID-19 hạn chế tiếp xúc với người nhà, người quen, và cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe.

Kazakhstan cũng tiến hành theo dõi y tế trong vòng 24 ngày đối với công dân Hàn Quốc nhập cảnh.

Tại Macau (Trung Quốc), những người từng tới thăm Hàn Quốc trong vòng 2 tuần trở lại đây sẽ phải trải qua quá trình kiểm dịch kéo dài hơn 6 tiếng tại một trung tâm thể thao.

Cộng hòa Uganda cũng đang yêu cầu người dân có triệu chứng nghi ngờ, từng tới các nước có dịch phải tự cách ly trong 14 ngày.

Chính phủ Jordan cũng công bố áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh đối với người Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.

Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác cũng yêu cầu người dân chú ý khi đi du lịch Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 22/2 nâng cảnh báo du lịch tới Hàn Quốc và Nhật Bản lên mức hai.

Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cùng ngày 22/2 cũng nâng cảnh báo du lịch tới Hàn Quốc lên mức hai là "cảnh giác," hai ngày sau khi ban lệnh cảnh báo ở mức một là "chú ý."

Đặc biệt, nhiều quốc gia khác như Anh và Singapore khuyến cáo người dân hạn chế đi du lịch tới các ổ dịch ở Hàn Quốc như thành phố Daegu, huyện Cheongdo thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang.

 

Theo Anh Nguyên-Trần Phương-Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.