Y Minh Sơn: “Mong không kỳ thị cộng đồng LGBT”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Vượt qua những tổn thương tâm lý bởi sự kỳ thị của xã hội đối với cộng đồng LGBT, bạn trẻ Y Minh Sơn (làng Groi Wết, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trở thành nhân vật truyền cảm hứng trong chương trình truyền hình thực tế “Nhảy đi ngại chi” phát sóng trên kênh HTV7 của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Sơn còn nhận được sự tôn trọng của đoàn viên, thanh niên trong vai trò Phó Bí thư Đoàn xã Glar.

LGBT (viết tắt của các từ: Lesbian-đồng tính nữ; Gay-đồng tính nam, Bisexual-song tính và Transgender-chuyển giới) là tên chính thức được xác nhận vào năm 1990 của cộng đồng những người có giới tính đặc biệt. Không lựa chọn, không mong muốn trở thành người dị biệt trong xã hội, song đây đó nhiều người thuộc cộng đồng LGBT vẫn chưa nhận được sự cảm thông, đồng cảm. Dù vậy, không ít cá nhân vẫn nỗ lực khẳng định bản thân bằng những đóng góp thiết thực, trong đó có Y Minh Sơn.

Vượt qua nỗi đơn độc

Sơn cho hay, mình là con thứ 5 trong một gia đình Bahnar có 6 anh chị em. Ngay từ nhỏ, Sơn đã là đứa con khác biệt nhất nhà. Khi học mẫu giáo, nhiều người đã nhầm tưởng Sơn là con gái bởi khuôn mặt bầu bĩnh, 2 mắt đen tròn xinh xắn. Sơn thích vẽ, bức tranh nào cũng là chân dung một cô gái. Sơn còn thích ngồi vào khung dệt để học dệt thổ cẩm với mẹ. Nhưng càng trưởng thành, Sơn càng rơi vào tâm trạng bất ổn, buồn chán do bị bạn bè trêu chọc vì không giống các bạn nam đồng trang lứa. Lần nọ, ba mẹ Sơn kể với nỗi buồn trong đáy mắt rằng nhiều người trong làng xì xầm, thậm chí nói thẳng: “Con của cô chú không giống con trai”.

Đó là khoảng thời gian Sơn đang tuổi dậy thì, tâm sinh lý có nhiều thay đổi. Thêm áp lực điểm số vì ba mẹ luôn kỳ vọng con phải luôn đạt điểm cao trong học tập cộng với mặc cảm về bản thân, Sơn từng có ý định tự vẫn. Nhưng rồi, niềm yêu sống, tình yêu dành cho gia đình đã vực Sơn dậy để vượt qua nỗi đơn độc của chính mình.

Anh Y Minh Sơn (bìa trái) tại một lớp bồi dưỡng do Đoàn xã Glar tổ chức (ảnh nhân vật cung cấp).

Anh Y Minh Sơn (bìa trái) tại một lớp bồi dưỡng do Đoàn xã Glar tổ chức (ảnh nhân vật cung cấp).

Năm 2017, Sơn nhập học tại Khoa Tâm lý giáo dục-Công tác xã hội (nay là Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn) Trường Đại học Quy Nhơn. Thành tích học tập tốt cùng lối sống sôi nổi, nhiệt tình của Sơn dần thay đổi cách nhìn của bạn bè và dân làng Groi Wết. Trong thời gian học ở Quy Nhơn, Sơn cũng theo học các lớp nhảy hiện đại như K-pop dance, sexy dance, walking… để thỏa niềm yêu thích.

Tốt nghiệp đại học năm 2021, Sơn “đầu quân” về Đoàn xã Glar. Với năng khiếu nghệ thuật sẵn có, Sơn tham gia và khuấy động phong trào văn hóa-văn nghệ của xã. Tháng 4-2022, anh được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã.

Nhận xét về cấp phó của mình, anh Hỡm-Bí thư Đoàn xã Glar-vui vẻ cho hay: “Tôi và mọi người đều biết Sơn là người thuộc cộng đồng LGBT nhưng không ai kỳ thị gì cả. Điều đó không quá quan trọng, quan trọng là những nỗ lực của Sơn. Sơn có năng khiếu nghệ thuật nổi trội, hoạt động phong trào rất năng nổ, nhiệt tình, luôn hòa đồng trong ứng xử, giao tiếp, nhờ đó góp phần đưa phong trào của Đoàn xã đi lên”.

Hiện nay, cộng đồng LGBT đã dần nhận được cái nhìn cởi mở hơn của xã hội nhưng do “bức tường thành” định kiến lâu nay nên nhiều người vẫn rất dè dặt với mong muốn sống thật với chính mình. Sơn chia sẻ: “Hiện mình vẫn chưa “come out” (công khai) với ba mẹ về vấn đề giới tính. Có lần, mình mở một bộ phim trên ti vi về cộng đồng LGBT, ba mẹ xem rồi kêu lên: “Ơ, sao 2 thằng này nó lại yêu nhau?”. Nhưng dường như ba mẹ cũng ngầm hiểu. Mình tin rằng, vì hạnh phúc của con, sau này, ba mẹ sẽ chấp nhận thực tế”. Sơn kể thêm, bản thân cũng được sự cảm thông từ anh trai khi nghe chuyện xong thì anh bảo rằng: “Em cứ sống sao cho vui, cho tốt là được”.

“Nhảy đi ngại chi”

Cuối năm 2022, Sơn đăng ký tham gia chương trình truyền hình thực tế “Nhảy đi ngại chi” phát sóng trên kênh HTV7. Đây là phiên bản Việt hóa của chương trình truyền hình thực tế “Dancing With Myself”-truyền cảm hứng và năng lượng tích cực cho cộng đồng thông qua âm nhạc và các điệu nhảy cover đầy vui nhộn. Chương trình có 5 vòng thi thì Sơn dừng chân ở vòng thứ 4. Tuy vậy, Sơn vẫn nhận được sự cổ vũ của đông đảo khán giả. Sơn chia sẻ với chương trình: Ở Glar, dân làng vẫn cho rằng nhảy múa là “đặc quyền” của phụ nữ; nam giới có năng khiếu nghệ thuật chỉ nên đàn và hát. Nhưng khi đến với “Nhảy đi ngại chi”, Sơn muốn chứng minh rằng “con trai có thể nhảy được và thậm chí nhảy tốt hơn con gái”.

Chứng kiến những bài nhảy hiện đại của Sơn, diễn viên Thanh Duy-ngôi sao truyền cảm hứng của chương trình-thốt lên: “Thần thái của em uyển chuyển như một con mèo rừng”. Không ít khán giả cũng comment cổ vũ Sơn nhiệt tình. Tài khoản Trang Dinh bình luận: “Bạn Y Minh Sơn là lớp trưởng lớp đại học của mình nè! Em nó ở ngoài dễ thương, lễ phép lắm, lại học giỏi nữa (…). Chúc mừng em nhé!”. Tài khoản Thu Loan Bùi để lại nhận xét: “Cảm động với câu chuyện của Y Minh Sơn”, còn bạn Đan Linh thì hào hứng: “Cháy quá Minh Sơn ơi!”.

Y Minh Sơn trên sân khấu chương trình "Nhảy đi ngại chi". Ảnh: NVCC

Y Minh Sơn trên sân khấu chương trình "Nhảy đi ngại chi". Ảnh: NVCC

Không ngừng nỗ lực để nhận được sự thương yêu, Sơn trở thành người tự tin vào bản thân, yêu hình ảnh của chính mình ở thời điểm hiện tại. Mong muốn lớn nhất của Sơn là xã hội giảm đi sự kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử đối với cộng đồng LGBT để họ được là chính mình, phát huy khả năng sáng tạo, cống hiến. Chia sẻ thêm về quan điểm sống, chàng trai Bahnar 23 tuổi khẳng khái nói: “Mỗi người một mục tiêu, hãy suy nghĩ tích cực, vượt qua khó khăn để hướng tới mục tiêu đã chọn”.

Có thể bạn quan tâm

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp nuôi quân giỏi

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp nuôi quân giỏi

(GLO)-

Năng nổ, nhiệt tình, chịu khó, cẩn trọng là những đức tính nổi bật của Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Nga, nhân viên Phòng Hậu cần-Kỹ thuật Lữ đoàn 273 (Quân đoàn 3). Chính vì thế, chị được tuyên dương là một trong những điển hình tiến tiến trong phong trào thi đua quyết thắng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư chúc Tết Trung Thu tới thiếu niên, nhi đồng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư chúc Tết Trung Thu tới thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhân dịp Tết Trung Thu 2024, ngày 13-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam ở trong và ngoài nước, các cháu người nước ngoài ở Việt Nam. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Thượng úy Phạm Thanh Tú vào top 10 Giọng hát hay ngoại ngữ dành cho cán bộ Đoàn-Hội-Đội toàn quốc

Thượng úy Phạm Thanh Tú vào top 10 Giọng hát hay ngoại ngữ dành cho cán bộ Đoàn-Hội-Đội toàn quốc

(GLO)- Thông tin từ Tỉnh Đoàn Gia Lai, Thượng úy Phạm Thanh Tú-cán bộ Ban Thanh niên Công an tỉnh Gia Lai là 1 trong 10 thí sinh xuất sắc nhất được lựa chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi Giọng hát hay ngoại ngữ dành cho cán bộ Đoàn-Hội-Đội toàn quốc.
Vì sao giới trẻ ngại nói ở đời thực?

Vì sao giới trẻ ngại nói ở đời thực?

(GLO)- Trong thời đại số hiện nay, giới trẻ có xu hướng trao đổi qua tin nhắn, mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… Bởi họ cảm thấy khó khăn và thiếu tự tin khi giao tiếp trực tiếp. Điều này, có phải là hồi chuông cảnh báo sự phát triển kỹ năng của giới trẻ và xây dựng mối quan hệ xã hội không?