Mạng xã hội tiếp tục chia sẻ hình ảnh về hiện tượng quầng mặt trời xuất hiện trên bầu trời Nghệ An trưa 16.5. Như vậy, 6 ngày liên tục, quầng mặt trời được chứng kiến ở Việt Nam ở cả 3 miền Bắc, Trung Nam.

Chiều cùng ngày, hình ảnh cầu vồng đôi cũng xuất hiện trên bầu trời Nghệ An, được dân mạng chụp lại và chia sẻ. Bên dưới các bài đăng, nhiều tài khoản bày tỏ sự hào hứng khi Việt Nam liên tục xuất hiện quầng mặt trời.
Chị Bảo (ngụ Nghệ An) cho biết trưa 16.5 chị nhìn thấy quầng mặt trời xuất hiện. Vì đây là lần đầu chứng kiến được hiện tượng này nên chị nhanh chóng quay lại, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội. "Bình thường tôi chỉ thấy ở trên mạng, lần đầu thấy ngoài đời. Chiều đó, nhiều người ở đây cũng thấy cầu vồng, nhưng tôi thì bỏ lỡ hiện tượng này", chị chia sẻ thêm.
Chuyên gia cho biết quầng mặt trời chỉ là hiện tượng thiên văn vật lý bình thường, không phải hiện tượng lạ hay điềm báo gì. Đây là hiện tượng tán sắc ánh sáng qua bầu khí quyển, do thời tiết biến đổi nên lượng hơi nước lớn, độ ẩm cao (tương tự cầu vồng sau cơn mưa).

Cụ thể, hiện tượng này thường xảy ra khi tầng cao của khí quyển xuất hiện nhiều mây ti tầng. Những đám mây này là báo hiệu của nhiễu loạn khí quyển, thời tiết thay đổi đột ngột.
Việc quầng mặt trời xuất hiện liên tục ở các tỉnh thành Việt Nam những ngày vừa qua, theo chuyên gia cũng không phải là hiện tượng bất thường, bởi hiện tượng này thường xuất hiện khi đến mùa mưa bão.
Về hiện tượng cầu vồng đôi, anh Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết hiện tượng 2 cầu vồng cùng xuất hiện sẽ ít hơn hiện tượng 1 cầu vồng bình thường, nhưng không phải là quá hiếm. Ví dụ trong 10 lần cầu vồng xuất hiện, thì sẽ có 2 - 3 lần có cầu vồng đôi.
Theo đó, đặc điểm của cầu vồng đôi này là cầu vồng thứ 2 (cầu vồng phụ) xuất hiện có màu nhạt hơn và thứ tự màu ngược lại so với cầu vồng đầu tiên. Bình thường, cầu vồng thứ 2 rất nhạt, nếu không để ý kỹ sẽ rất khó thấy. Bản chất của cầu vồng là sự tán sắc ánh sáng mặt trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa.


“Trong điều kiện bình thường, có thể thấy được 1 cầu vồng. Trong những điều kiện thuận lợi hơn, chúng ta có thể thấy 2, thậm chí là 3 cầu vồng. Tất nhiên, chúng hiếm hơn so với hiện tượng 1 cầu vồng. Chúng giống như là những đường tròn đồng tâm!”, một chuyên gia khác giải thích.
Theo Cao An Biên (TNO)