Xuân An tháo gỡ “điểm nghẽn” thông tin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- “Theo kế hoạch, năm 2023, xã Xuân An được thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) hỗ trợ 570 triệu đồng để xây dựng đài truyền thanh thông minh. Với những tính năng vượt trội, kênh thông tin này sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thanh cơ sở, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân”-ông Hồ Hữu Mạnh-Chủ tịch UBND xã Xuân An-cho biết.

Cách đây 5 năm, gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (thôn An Xuân 3) nằm trong danh sách những hộ khó thoát nghèo. Ngoài thiếu vốn, đất sản xuất và khoa học kỹ thuật, gia đình bà còn có 2 con nhỏ, bố chồng già yếu và em chồng bị bệnh thần kinh. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực vươn lên cùng sự kiên trì giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, cuối năm 2022, gia đình bà đã thoát nghèo. Bà Nhung bộc bạch: “Năm 2017, tôi được địa phương hỗ trợ 1 con bò giống. Nhờ cán bộ thôn, xã hướng dẫn, tôi làm chuồng nuôi nhốt và cải tạo đất trống để trồng cỏ nuôi bò. Bò phát triển khỏe mạnh, đẻ được 4 con. Năm ngoái, tôi bán 2 con bò được gần 20 triệu đồng”.

Không chỉ được hỗ trợ sinh kế, gia đình bà Nhung còn được xã tạo điều kiện cho mượn 5 sào đất từ quỹ đất chung để trồng mì; vận động các nguồn lực giúp gia đình có thêm kinh phí để hoàn thiện ngôi nhà. “Thoát khỏi diện hộ nghèo, vợ chồng tôi mừng lắm. Cảm ơn địa phương đã luôn quan tâm, giúp đỡ và đồng hành cùng gia đình. Hiện vợ chồng tôi vừa chăn nuôi bò, vừa trồng mì trên đất mượn của xã. Tôi tranh thủ đi làm thuê với tiền công mỗi ngày khoảng 140-150 ngàn đồng; còn chồng tôi làm công việc nặng nhọc hơn như cuốc đất, lên luống, tiền công được 200 ngàn đồng/ngày”-bà Nhung bày tỏ.

Xuân An tháo gỡ “điểm nghẽn” thông tin  ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (thứ 2 từ phải sang, thôn An Xuân 3) được hỗ trợ bò sinh sản để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đinh Yến

Theo ông Nguyễn Thế Cung-Trưởng thôn An Xuân 3, phần lớn các hộ nghèo đều cần thông tin. Vì vậy, thôn luôn khuyến khích người dân chủ động tiếp cận nguồn thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và trao đổi với thôn về những khó khăn cần giúp đỡ. Về phía thôn, mỗi khi có văn bản mới đều nhanh chóng tuyên truyền đến người dân thông qua cụm loa truyền thanh, nhóm Zalo và lồng ghép trong các cuộc họp. Nhờ đó, nhận thức của bà con được cải thiện rõ rệt và số hộ nghèo trong thôn cũng giảm dần mỗi năm. Cuối năm 2022, thôn còn 3 hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo.

Nói về công tác thông tin, truyền thông trên địa bàn, ông Nguyễn Thế Ánh-công chức Văn hóa-Xã hội xã Xuân An-cho hay: Năm 2022, Đài truyền thanh xã đã tiếp sóng 113.400 phút (tương đương 1.890 giờ) từ các chương trình của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh-Truyền hình thị xã An Khê. Riêng Đài truyền thanh của xã mỗi năm phát 162.000 phút; 14 cụm loa truyền thanh tại 4 thôn cũng duy trì hoạt động đều đặn. Bên cạnh đó, các ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cũng linh hoạt trong tuyên truyền với nhiều hình thức như qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ; giao lưu văn hóa-văn nghệ, tham quan... “Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, đặc biệt là những chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo bền vững; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay và sử dụng nguồn vốn hiệu quả trong phát triển kinh tế; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường. Người dân đang tập trung phát triển chăn nuôi (bò, dê, heo đen) kết hợp trồng các cây ngắn ngày (chuối mốc, rau xanh) mang lại hiệu quả”-ông Ánh thông tin thêm.

Các hình thức tuyên truyền được thực hiện thường xuyên và phù hợp với từng đối tượng đã tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân trong việc tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động do địa phương, đoàn thể phát động. Năm 2021, 8 hộ dân thôn An Xuân 3 đã tự nguyện hiến gần 950 m2 đất sản xuất để nâng cấp tuyến đường dẫn vào nghĩa trang thôn. Xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới vào năm 2017 và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới. Xã còn 16 hộ nghèo trong tổng số 953 hộ dân. Qua rà soát có 8 hộ nghèo do già yếu, bệnh tật đang nhận chế độ bảo trợ xã hội; 8 hộ nghèo do thiếu đất sản xuất và đông người phụ thuộc.

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND xã Hồ Hữu Mạnh thông tin: “Địa phương có 1 ha quỹ đất chung, hàng năm giải quyết luân phiên cho các hộ nghèo có nhu cầu mượn để trồng cây ngắn ngày, cải thiện cuộc sống. Cùng với đó, xã cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” thông tin giúp người dân nhận thức đúng, đầy đủ các chủ trương, chính sách để đồng thuận và làm theo”.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã, thời gian tới, địa phương tiếp tục duy trì, phát huy có hiệu quả các hình thức tuyên truyền nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến người dân, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động và xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn một cách bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

(GLO)- Hơn 4.000 vị trí việc làm sẽ được giới thiệu tại Hội chợ việc làm toàn tỉnh năm 2023, trong đó có 34 gian hàng của 33 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp và 30 doanh nghiệp ủy quyền cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu. Hội chợ do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) vào ngày mai (4-3).
Khai mạc Hội chợ việc làm tỉnh Gia Lai năm 2023

Khai mạc Hội chợ việc làm tỉnh Gia Lai năm 2023

(GLO)- Sáng 4-3, tại Quảng Trường Đại Đoàn kết (TP. Pleiku), Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai khai mạc Hội chợ việc làm tỉnh Gia Lai năm 2023, với chủ đề “hỗ trợ tư vấn-kết nối việc làm bền vững”. Hội chợ diễn ra 1 ngày, từ 8 giờ đến 16 giờ 30 phút.
Gia Lai đào tạo nhân lực đáp ứng thị trường lao động

Gia Lai đào tạo nhân lực đáp ứng thị trường lao động

(GLO)- Cùng với quá trình phục hồi, phát triển của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động ở Gia Lai cũng đang có những bước phục hồi mạnh mẽ. Trước thực tế đó, các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học trên địa bàn cũng linh hoạt thay đổi chương trình, ngành nghề đào tạo để đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển của địa phương.
“Chuyên gia sáng kiến” của Công ty Cao su Chư Prông

“Chuyên gia sáng kiến” của Công ty Cao su Chư Prông

(GLO)- 37 năm làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông (tỉnh Gia Lai) cũng là từng ấy thời gian ông Nguyễn Hoàng Tuấn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến của ông đều được đánh giá cao về khả năng ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cho đơn vị, được các cấp, ngành biểu dương, khen thưởng.
“Người đàn bà ngồi đan”

“Người đàn bà ngồi đan”

(GLO)- Những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống của hầu hết người dân còn vô cùng chật vật, người làm công ăn lương luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai”. Để cải thiện đời sống, ngoài chăn nuôi heo, nhiều phụ nữ còn đan len, móc len thuê.

Mở “cánh cửa” cơ hội

Mở “cánh cửa” cơ hội

(GLO)- Chị đồng nghiệp cũ nói với tôi rằng: “Thực ra, mất việc không phải quá đáng sợ như mình vốn nghĩ. Nhiều khi, thoát ra khỏi vùng an toàn, chúng ta mới có thể khám phá được nhiều khả năng khác của bản thân. Đó cũng là cách để trải nghiệm một cơ hội nghề nghiệp mới”.