Xây dựng Khu di tích Plei Ơi thành sản phẩm du lịch đặc thù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gắn liền với truyền thuyết Hỏa Xá, Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa. Huyện Phú Thiện đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng khu di tích thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

Dấu ấn lịch sử-văn hóa

Nằm ngay dưới chân đèo Chư Sê, Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi được coi là nơi trị vì của 14 đời Vua Lửa tồn tại hơn 5 thế kỷ với truyền thuyết về thanh gươm thần có quyền năng hô mưa, gọi gió.

Theo truyền thuyết, năm ấy, hạn hán kéo dài, sông suối cạn khô, cây cối không mọc nổi, cảnh đói khát diễn ra khắp nơi. Trước tình thế đó, 2 anh em T’Dia và T’Diêng lấy một hòn đá ở miệng núi lửa Hàm Rồng để rèn thành cây gươm cùng lời nguyền “thanh gươm có quyền năng hô mưa gọi gió”. Rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, nhúng vào ghè, ghè cạn, nhúng xuống suối, suối khô, nhúng xuống sông, sông cạn hết nước. 2 anh em sợ quá nên vứt thanh gươm xuống sông.

Sau đó, khi tìm thấy thanh gươm này, để có người giữ gìn, người Jrai họp và chọn người xứng đáng gọi là Pơtao Apui (Vua Lửa). Mỗi khi trời hạn hán kéo dài, dân làng đem lễ vật đến nhờ Pơtao Apui giúp cầu mưa. Vua Lửa dùng thanh gươm thần để kết nối, thỉnh cầu thần linh cho mưa xuống giúp dân làng.

cac-phu-ta-vua-lua-thuc-hien-nghi-le-cung-cau-mua-tren-dinh-nui-than-chu-tao-yang-anh-duc-thuy.jpg
Các phụ tá Vua Lửa thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa trên đỉnh núi Chư Tao Yang. Ảnh: Đ.T

Ông Rơ Lan Hieo-Phụ tá đời Vua Lửa thứ 14-nhớ lại: Trước đây, thanh gươm thần được cất giấu kỹ trên đỉnh núi Chư Tao Yang cao 210 m, nằm giữa làng Plei Ơi. Trừ Vua Lửa và phụ tá, không ai được đến gần nơi này. Nếu ai cố tình xâm phạm lãnh thổ của gươm thần sẽ bị Yàng trừng phạt.

Sau này, người dân từ các nơi đến đây làm ăn, lập nghiệp. Để đảm bảo gươm thần không bị đánh cắp, được chính quyền địa phương và dân làng tín nhiệm, ông Hieo đã thực hiện nghi lễ di dời gươm thần từ Chư Tao Yang về cất giữ trong ngôi nhà mới trong khu di tích.

Ông Hieo được ông bà kể lại rằng: Những năm đầu thế kỷ XX, Vua Lửa thứ 11 Siu Ắt và đời Vua Lửa thứ 12 Siu Tũ đã đứng lên lãnh đạo Nhân dân chống giặc ngoại xâm. Biết các Vua Lửa được sự tín nhiệm và ủng hộ của người dân, khi thực dân Pháp đem quân lên Tây Nguyên chiếm đóng, chúng tìm cách mua chuộc, dụ dỗ các Vua Lửa nhằm thu phục người dân.

Song, các Vua Lửa nhất quyết từ chối, họ tổ chức các cuộc di dân, lãnh đạo người dân tham gia chống giặc. “Chính vì vậy, ngoài giá trị văn hóa, Khu di tích Plei Ơi còn có ý nghĩa lịch sử to lớn, là địa chỉ đỏ giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ”-ông Hieo khẳng định.

ong-siu-pho-cung-ong-ro-lan-hieo-thuc-hien-nghi-le-cung-cau-mua-tren-dinh-nui-than-chu-tao-yang-trong-khuon-vien-khu-di-tich-plei-oi-anh-duc-thuy.jpg
Ông Siu Phơ cùng ông Rơ Lan Hieo thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang trong khuôn viên Khu di tích Plei Ơi. Ảnh: Đ.T

Quan tâm đầu tư, tôn tạo

Theo bà Kpă Loan-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Phú Thiện: Trải qua một thời gian dài, do lo ngại yếu tố mê tín dị đoan ảnh hưởng đến sự phát triển của đời sống xã hội nên tín ngưỡng đa thần của đồng bào dân tộc thiểu số ít được nhắc đến.

Bên cạnh đó, khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ khánh thành và đưa vào sử dụng năm 1994 mang về nguồn nước dồi dào tắm mát khắp các cánh đồng giúp tình trạng hạn hán không còn gay gắt, lễ cúng cầu mưa cùng huyền tích về các Vua Lửa cũng phai nhạt dần.

Sau này, khi Nhà nước có chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, giá trị truyền thuyết Vua Lửa mới được chú ý. Khu di tích Plei Ơi được đầu tư xây dựng là minh chứng sống động cho dấu ấn vương quốc Hỏa Xá.

Năm 1993, khu di tích được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 281/QĐ-BT của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch).

Dù vậy, phải đến năm 2007, sau khi tách huyện, chính quyền địa phương mới xây dựng kế hoạch khôi phục tín ngưỡng cầu mưa của Yang Pơtao Apui; tiến hành thu hồi đất khu vực chính của di tích và vận động người dân tham gia bảo tồn, tôn tạo di tích.

anh-duc-thuy.jpg
Cổng vào Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi. Ảnh: Đức Thụy

Với sự huy động từ nhiều nguồn lực, đến nay, khu di tích được đầu tư xây dựng sân lễ hội, nhà giấu gươm, nhà dài, 2 nhà phụ tá, nhà trưng bày cũng như bảo tồn hầu như nguyên vẹn những hiện vật như: gươm thần, bộ chiêng Ơi Tú, núi Chư Tao Yang, khu nhà mồ Pơtao Apui, khu nhà của người Jrai xưa, khu bến nước…

Theo kế hoạch, giai đoạn 2024-2025, khu di tích sẽ được đầu tư 9,014 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia để cải tạo, nâng cấp một số hạng mục như: đường vào khu di tích, nhà để xe, hồ sen...

Để phát huy giá trị di tích, dịp 30-4 và 1-5 hàng năm, huyện Phú Thiện đều tổ chức lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang do các phụ tá của Vua Lửa thực hiện. Đồng thời, đưa các hoạt động văn hóa, thể thao về tổ chức tại đây như: hội thi văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số, giải việt dã “Theo bước chân Vua Lửa”. Huyện cũng xuất bản 2.000 cuốn truyện tranh về truyền thuyết Vua Lửa cấp phát cho các đơn vị trường học trên địa bàn.

Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin Kpă Loan cho hay: Bà đã nghe nhiều già làng kể lại về số phận bi thương của Vua Lửa đầu tiên-ông Ksor Chloi. Khi được chọn làm người giữ gươm thần, do cuộc sống quá khó khăn, ông Chloi nhất quyết từ chối vì không thể kiêng kỵ việc ăn thịt bò, thịt ếch theo quy định.

Những người tín nhiệm ông cảm thấy bị xúc phạm nên đã đánh ông. Sau đó, người trong dòng họ Ksor đã giết chết ông Chloi vì không muốn người ngoài hành hạ ông. Trong khuôn viên di tích hiện có 1 hòn đá, tương truyền đó là hình ảnh ông Chloi hóa thành.

“Cũng theo các già làng kể lại, ngoài tảng đá do ông Chloi hóa thành còn có 2 tảng đá khác rất giống hình vợ ông Chloi đang mang bầu và con voi ông thường sử dụng cùng 1 tảng đá để ông mài gươm. Tuy nhiên, do quá trình khai phá, 3 tảng đá này không rõ đã di dời đi đâu. Tôi vẫn đang cố gắng tìm hiểu, hỏi thăm những người thường xuyên đi rừng để tìm những hiện vật này”-bà Loan chia sẻ.

Phát huy giá trị di tích

Nhằm bồi dưỡng, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, nhân dịp Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Đoàn xã Ayun Hạ thường tổ chức “Hành trình về địa chỉ đỏ”, mời hội viên cựu chiến binh đến kể chuyện thời chiến cho đoàn viên, thanh niên và các em học sinh, đồng thời giới thiệu về khu di tích.

Anh Nguyễn Nguyên Hoàng-Bí thư Đoàn xã-cho biết: Ngoài hoạt động về nguồn, vừa qua, Đoàn xã thành lập Đội tuyên truyền về khu di tích, thường xuyên tham gia dọn vệ sinh và phối hợp với Huyện Đoàn triển khai công trình số hóa di tích. Du khách khi đến tham quan, chỉ cần quét mã QR là có thể xem thông tin về khu di tích.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành mà khu di tích cũng như diện mạo làng Plei Ơi ngày càng đổi mới, khang trang. Ông Siu Mai-Trưởng thôn Plei Ơi-phấn khởi cho hay: Plei Ơi hiện có 192 hộ với 920 khẩu. Ngoài nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng kiên cố, câu lạc bộ văn nghệ của làng cũng được cấp 1 bộ chiêng và hệ thống âm thanh phục vụ các sự kiện văn hóa.

Ngoài ra, bà con còn được tạo điều kiện tham gia lớp học nấu ăn và kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng để có thể phục vụ khách tham quan khi họ có nhu cầu lưu trú, trải nghiệm. Đời sống người dân nơi đây nhờ vậy cũng được cải thiện đáng kể.

ngay-hoi-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-duoc-to-chuc-tai-khu-di-tich-lich-su-van-hoa-cap-quoc-gia-plei-oi-thu-hut-dong-dao-du-khach-toi-thuong-thuc-trai-nghiem-anh-duc-thuy-5408.jpg
Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số được tổ chức tại Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi thu hút đông đảo du khách tới thưởng thức, trải nghiệm. Ảnh: Đức Thụy

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Thiện-khẳng định: Nhờ được đầu tư nhiều mặt, lượng khách tới tham quan, trải nghiệm tại khu di tích trong những năm gần đây tăng cao. Nếu như lễ hội cầu mưa năm 2023, huyện đón gần 8.000 du khách thì năm 2024, hơn 10.000 lượt du khách tới tham quan lễ hội.

Việc khai thác các di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch không những đem lại lợi ích kinh tế-xã hội, thúc đẩy ngành du lịch huyện nhà phát triển mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích, truyền tải thông điệp đến với du khách về truyền thống lịch sử, nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của cư dân địa phương.

“Để phát huy giá trị khu di tích, huyện kiến nghị UBND tỉnh, Trung ương, tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, các công trình thiết yếu trong khu di tích để bảo đảm điều kiện phục vụ khách tham quan.

Về phía địa phương, huyện có kế hoạch đầu tư phát triển các dịch vụ tại di tích như dịch vụ lưu trú, ẩm thực, vui chơi giải trí, bày bán quà lưu niệm để tạo thành điểm du lịch chuyên nghiệp, đồng thời kết nối với các công ty du lịch, lữ hành thu hút du khách... Qua đó thúc đẩy phát triển hơn nữa ngành “công nghiệp không khói” tại địa phương”-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Tác giả bên khối đá có nguồn gốc từ phế tích Chăm An Phú tại nhà thờ Phú Thọ. Ảnh: X.H

Phế tích Chăm ở An Phú: Bí ẩn vẫn còn nằm trong lòng đất

(GLO)- Phế tích Chăm ở xã An Phú (TP. Pleiku) được Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh khai quật khảo cổ học vào năm 2023 và năm 2024. Kết quả khai quật đã phác thảo diện mạo của một đền tháp Chăm cổ, nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn chờ được khám phá.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Những ngày cuối năm

(GLO)- Vậy là đoàn tàu thời gian đã đến ga “tháng Chạp”. Có lẽ vì là ga cuối nên cuộc hành trình dường như chậm lại trong biết bao nỗi niềm bâng khuâng của lữ khách.

Ảnh minh họa: HUYỀN TỶ

Thơ Võ Duy: Khói đổi mùa

(GLO)- Không chỉ nói về sự thay đổi của thiên nhiên, "Khói giao mùa" của tác giả Võ Duy còn phản ánh sự chuyển mình trong tâm hồn con người, sự đan xen giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa những kết thúc và khởi đầu mới tốt đẹp trong cuộc sống.

Thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Phạm Quý

Phố núi tình thân

(GLO)- Pleiku đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Vẻ đẹp hoang sơ và tình cảm của con người nơi đây khiến không ít người tìm đến Pleiku như là một điểm dừng chân thú vị.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Hoài niệm Tết

(GLO)-Tết vừa gợi nên biết bao yêu thương nhưng cũng là nỗi lo của người lớn. Nhưng Tết hiện diện trong suy nghĩ của trẻ con thì khác, nó háo hức, chộn rộn trong tiếng cười, trong tiếng vỗ tay reo vui khi thấy mẹ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và mua bánh kẹo. Và, Tết luôn đầy màu sắc, đầy tiếng cười vui.

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Hoa mùa xuân

Hoa mùa xuân

(GLO)- Mùa này, trên khắp nẻo núi đồi, thung xa hay trong mỗi vườn nhà, những chồi non lộc biếc bắt đầu mởn xanh trong gió, rực rỡ đón chào năm mới.

Dốc xưa

Dốc xưa

(GLO)- Nhìn từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy đèo dốc như những dải lụa mềm mại. Ấy vậy mà khi đặt chân đến đó, bạn sẽ thấy nó như một thách thức lớn khiến ta phải ngẫm nghĩ thật nhiều. Nhưng, không phải lúc nào chênh vênh cũng làm ta ngã mà lại bồi đắp nên nghị lực và ý chí vượt khó.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Ra Bắc, vào Nam

Ra Bắc, vào Nam

(GLO)- Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.