Khó quản lý giết mổ gia súc, gia cầm
Thành phố có hơn 70 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm rải rác trong khu dân cư. Trong số này, chỉ có 6 cơ sở được cấp các loại giấy tờ liên quan trong lĩnh vực giết mổ. Các cơ sở còn lại là tự phát, quy mô nhỏ lẻ, không tuân thủ quy định kiểm soát chất lượng từ đầu vào đến đầu ra nguồn thực phẩm, do đó không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và gây khó khăn trong công tác quản lý.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku-cho biết: Hiện nay, việc kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn. Lực lượng làm công tác kiểm soát mỏng dẫn đến nhiều bất cập trong việc kiểm soát chất lượng từ đầu vào đến đầu ra nguồn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, dễ phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
“Đặc biệt, quy định cơ sở giết mổ nhỏ lẻ do xã, phường quản lý nên cơ quan thú y khó kiểm soát theo Luật Thú y. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp không phải cơ quan quản lý nhà nước nên việc xử lý vi phạm hành chính cũng như phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát cũng gặp khó”-bà Dung nói.
Khu vực giết mổ gia cầm tại Trung tâm Thương mại Pleiku chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Vũ Thảo |
Theo bà Dung, hiện tại, quy định bắt buộc về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh đã được bãi bỏ nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc gặp khó khăn. Đặc biệt là việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ở địa bàn giáp ranh không được quản lý; các tổ chức, cá nhân dễ dàng hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật giữa vùng có dịch và không có dịch. Hệ thống thú y trên địa bàn thành phố còn thiếu, lực lượng thú y cấp xã bị đứt gãy, chỉ còn 13 xã, phường bố trí cán bộ thú y có chuyên môn, còn lại là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến chất lượng của nhiệm vụ phòng-chống dịch bệnh tại địa phương. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật gặp khó khăn, dẫn đến một số cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, mất an toàn thực phẩm.
Không chỉ công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn mà việc kiểm tra an toàn thực phẩm nguồn thịt gia súc, gia cầm ở các chợ trên địa bàn thành phố cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, việc kiểm tra, kiểm soát chủ yếu bằng mắt thường, cảm quan nên khó phát hiện độc tố, hóa chất tồn dư trong thực phẩm.
Ông Bùi Kim Truyền-Phó Trưởng ban phụ trách Trung tâm Thương mại Pleiku-bày tỏ: Trung tâm hiện có gần chục hộ kinh doanh và giết mổ gia cầm. Tuy nhiên, khu vực giết mổ gia cầm chưa đảm bảo vệ sinh. “Việc xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là hết sức cần thiết”-ông Truyền đề xuất.
Cần xây dựng khu vực giết mổ tập trung
Qua tham khảo ý kiến, hầu hết các hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đều mong muốn có khu vực tập trung tại TP. Pleiku để thuận tiện cho họ làm nghề.
Bà Đào Thị Kim Thu (tổ 3, phường Thống Nhất) cho hay: Cơ sở giết mổ của gia đình có diện tích khoảng 1.500 m2, với công suất khoảng 50 con heo mỗi ngày. Hàng ngày, cơ sở hoạt động từ 11 giờ đêm đến 3 giờ sáng hôm sau. Nguồn heo giết mổ tại đây được nhập từ các trang trại của C.P và Hoàng Anh Gia Lai. “Nếu thành phố xây dựng khu vực giết mổ tập trung, cơ sở sẽ tham gia. Tuy nhiên, lượng thịt heo tiêu thụ rất lớn nên xây dựng phải bài bản, có công suất tương ứng mới đáp ứng được yêu cầu giết mổ của các hộ, phải có khu nhốt heo, có chảo riêng cho từng hộ…
Nếu quy mô xây dựng nhỏ, lượng heo hàng ngày đưa vào lớn, phải chờ đợi đến lượt thì sẽ không đáp ứng yêu cầu. Chưa kể, nếu chờ đợi quá lâu dễ dẫn đến việc tranh giành chảo và nhiều bất cập khác. Bên cạnh đó, việc xây dựng lò mổ không nên cách quá xa trung tâm để vận chuyển hàng được thuận lợi”-bà Thu bày tỏ ý kiến.
Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại Trung tâm Thương mại Pleiku là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Vũ Thảo |
Còn bà Lê Thị Bích Thảo chuyên kinh doanh và giết mổ gia cầm tại Trung tâm Thương mại Pleiku thì kiến nghị: “Trung tâm Thương mại Pleiku hiện đã xuống cấp. Tôi đề xuất xây dựng khu giết mổ gia cầm tập trung tại đây. Được như vậy, tiểu thương rất vui mừng và chắc chắn sẽ tham gia”.
Cách đây 20 năm, ông Vũ Thế Kỳ (tổ 2, phường Đống Đa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng lò mổ gia súc, gia cầm trên khu đất rộng 2 ha. Thế nhưng, lò mổ hoạt động đúng 1 tháng rồi đóng cửa. Dẫn chúng tôi đi xem khu lò mổ đã dừng hoạt động, ông Kỳ vẫn không khỏi tiếc nuối khi không thể khôi phục và mở rộng hoạt động vì những quy định của Nhà nước ban hành về điều kiện để xây dựng khu giết mổ.
Cũng theo ông Kỳ, với kinh nghiệm làm lò mổ tập trung, lượng gia súc giết mổ mỗi ngày rất lớn thì cần thiết phải xây dựng ít nhất 3 khu vực khác nhau của thành phố thì mới đáp ứng đủ nhu cầu của các hộ/cơ sở kinh doanh trong cùng một thời điểm. Rồi còn phải quy định bắt buộc đưa gia súc, gia cầm vào lò mổ tập trung, tăng cường kiểm soát, kiểm tra thì mới mong đạt được hiệu quả.
“Trước mắt, cần xây dựng lò mổ thủ công, sau đó nâng cấp lên lò mổ công nghệ cao. Vì nguồn vốn đầu tư lò mổ công nghệ cao rất lớn, khó thu hút đầu tư. Việc xây dựng và đưa vào hoạt động lò mổ tập trung sẽ tránh được khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm cũng như kiểm soát được hoạt động giết mổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cá nhân tôi rất tâm huyết với vấn đề này. Nếu thành phố hỗ trợ, hướng dẫn thì tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai”-ông Kỳ nói.
Lò mổ gia súc, gia cầm tập trung của gia đình ông Vũ Thế Kỳ chỉ hoạt động được khoảng 1 tháng thì ngưng, gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình. Ảnh: Vũ Thảo |
Ông Trần Tấn Quang-Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku-cho biết: Xây dựng lò giết mổ tập trung là giải pháp để phòng ngừa dịch bệnh lây lan qua khâu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Từ đó, hoàn thành một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi: chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chất thải, nước thải phát sinh từ hoạt động giết mổ động vật được hạn chế ở mức thấp nhất ô nhiễm môi trường, từng bước xóa bỏ và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn việc giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ở hộ gia đình, chấm dứt việc giết mổ động vật không bảo đảm vệ sinh (giết mổ động vật trên sàn).
Ngoài ra, khi vào lò giết mổ tập trung sẽ kiểm soát được 100% số gia súc giết mổ để kinh doanh trên địa bàn, thực hiện kiểm tra trước, trong và sau khi giết mổ động vật, đóng dấu kiểm soát giết mổ trước khi vận chuyển đi tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm; tăng nguồn thu nhất định vào ngân sách nhà nước. Tuy vậy, muốn thực hiện thì phải có các nhà đầu tư tâm huyết, chủ động quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất từng vị trí cụ thể và có chính sách thu hút, hỗ trợ riêng trong lĩnh vực này.