WHO cảnh báo COVID-19 có thể trở thành đại dịch, nhưng đại dịch là gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa lúc dịch COVID-19 lan rộng khắp nơi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi thế giới phải chuẩn bị cho nguy cơ đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch theo định nghĩa của WHO là gì?
Một phụ nữ đeo trang phòng dịch đi bộ trên đường ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc ngày 25.2 - AFP
Một phụ nữ đeo trang phòng dịch đi bộ trên đường ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc ngày 25.2 - AFP
Dịch bệnh là số ca nhiễm một căn bệnh nhiều hơn mức bình thường trong cộng đồng hoặc khu vực, theo WHO.
WHO định nghĩa đại dịch là "sự lây lan trên toàn thế giới" của một căn bệnh mới.
“Theo khái niệm đại dịch của WHO, toàn bộ dân số thế giới sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm”, tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc Chương trình tình huống y tế khẩn cấp của WHO, cho biết trong buổi họp ngày 25.2, theo CNN.
Ông Ryan khuyến nghị các quốc gia lên kế hoạch sẵn sàng ứng phó nguy cơ COVID-19 trở thành đại dịch dựa vào đánh giá rủi ro và tình hình trong lẫn ngoài nước cùng báo cáo đánh giá toàn cầu của WHO.
Hồi tháng 1, WHO đã tuyên bố dịch COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Tuy nhiên, tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện nghiên cứu Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Mỹ, cho biết hiện không có một định nghĩa khoa học chính xác và tổng kết về một đại dịch.
Lần cuối cùng đại dịch được ghi nhận trên thế giới là dịch cúm A/H1N1 vào năm 2009, đã giết chết hàng trăm ngàn người trên toàn cầu.
Hành khách đeo trang phòng trên tàu điện ngầm ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc ngày 25.2 - AFP
Hành khách đeo trang phòng trên tàu điện ngầm ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc ngày 25.2 - AFP
Những đại dịch trước đây
Đại dịch là một phần trong lịch sử loài người nhiều thế kỷ qua và được ghi nhận sớm nhất là vào năm 1580. Tính từ 1580, ít nhất 4 đại dịch cúm đã xảy ra vào thế kỷ 19 và 3 trong thế kỷ 20, theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
-Đại dịch nghiêm trọng nhất trong thế kỷ 19 là đại dịch cúm năm 1918, còn được gọi là "cúm Tây Ban Nha". Đại dịch cúm năm 1918 lây nhiễm khoảng 500 triệu người, tức 1/3 dân số thế giới lúc bấy giờ, và làm chết khoảng 50 triệu người trên toàn cầu.
-Năm 1957, virus cúm A/H1N1 (còn được gọi là “cúm châu Á”) đã bùng phát ở Đông Á, gây ra đại dịch làm chết 1,1 triệu người trên toàn thế giới và 116.000 ở Mỹ.
-Năm 1968, một đại dịch do virus cúm A/H3N2 bùng phát từ Trung Quốc và lan rộng khắp thế giới. Đại dịch năm 1968 làm chết khoảng 100.000 người khắp Trung Quốc và 1 triệu người tử vong trên toàn thế giới. Hầu hết trường hợp tử vong là ở người lớn từ 65 tuổi trở lên, theo CDC. H3N2 tiếp tục hoành hành trên toàn cầu dưới dạng virus cúm theo mùa.
-Vào mùa xuân năm 2009, virus cúm A/H1N1 bùng phát, được phát hiện đầu tiên ở Mỹ và sau đó lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới. CDC ước tính có khoảng 151.700-575.400 người tử vong khắp thế giới trong năm đầu tiên H1N1 xuất hiện. Trên toàn cầu, 80% số ca tử vong được ước tính xảy ra ở những người dưới 65 tuổi. Đến tháng 8.2010, WHO tuyên bố đại dịch cúm toàn cầu. Từ đó, H1N1 vẫn tiếp tục trở lại dưới dạng virus cúm theo mùa hàng năm.
Tính đến ngày 26.2, dịch COVID-19 do virus Corona chủng mới gây ra đã làm chết gần 2.800 người và lây nhiễm cho gần 81.000 người trên thế giới, đa số là ở Trung Quốc đại lục, theo Bộ Y tế Việt Nam.
Kể từ khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trun Quốc) cuối năm ngoái, dịch COVID-19 đến nay đã lan ra ít nhất 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. WHO cảnh báo thế giới “có thể chưa sẵn sàng” trước nguy cơ COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu.
Theo Phúc Duy (ThanhNiên)

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.