(GLO)- Từng nghe theo kẻ xấu xúi giục tham gia biểu tình gây mất an ninh trật tự rồi vượt biên sang Campuchia nhưng sau đó, được sự động viên, giúp đỡ của chính quyền địa phương, ông Kpă Dò (làng Lê Ngol, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã vượt qua mặc cảm để vươn lên làm kinh tế giỏi và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Gương sáng làm kinh tế giỏi
Khi chúng tôi đến nhà, vợ chồng ông Kpă Dò đang tưới nước cho vườn hồ tiêu của gia đình. Nghe chúng tôi hỏi chuyện, ông không ngần ngại kể về quá khứ lỗi lầm của mình.
...Một sáng tháng 2-2001, Kpă Dò nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu cùng nhiều người kéo lên TP. Pleiku biểu tình. Hai tháng sau, Kpă Dò nghe một người bạn bảo rằng, lực lượng Công an đang truy bắt những ai tham gia biểu tình tại Pleiku trước đó. Chưa rõ sự tình ra sao nhưng lo sợ bị bắt, Kpă Dò liền theo bạn vượt biên sang Campuchia mà không kịp tạm biệt vợ con. Hơn 1 tháng sống chui lủi nơi đất khách quê người, Kpă Dò đã kiệt sức vì đói khát và bệnh tật. Thế nhưng, may mắn là chuỗi ngày tối tăm đó cuối cùng cũng đã chấm dứt khi ông được cảnh sát nước bạn và Bộ đội Biên phòng Việt Nam giúp đỡ trở về quê hương.
Điểm trường Mẫu giáo làng Lê Ngol và nhà sinh hoạt cộng đồng của làng được xây dựng cạnh nhau trên diện tích 800 m2 do gia đình ông Kpă Dò hiến. Ảnh: H.T |
Được gặp lại vợ con, được bà con dân làng cảm thông, chia sẻ và chính quyền, đoàn thể địa phương động viên, giúp đỡ, ông Dò đã dần vượt qua mặc cảm lỗi lầm để làm lại cuộc đời. Đặc biệt, được xã giúp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, ông có thêm điều kiện đầu tư chăm sóc 2 ha cà phê của gia đình. Ông còn nuôi thêm bò để lấy phân bón cho vườn cây. Có thời điểm, đàn bò của ông lên 13 con. Kinh tế gia đình ngày một phát triển, ông mua thêm đất mở rộng diện tích sản xuất lên 3,5 ha. Trong đó, ông trồng 3 ha cà phê và 5 sào hồ tiêu, mỗi năm thu trên 200 triệu đồng. Ông Dò tâm sự: “Hiện nay, 4 đứa con của tôi đều đã lập gia đình. Tôi chia bớt đất cho các con làm ăn. Tôi cũng luôn nhắc nhở các con rằng, phải chăm chỉ làm ăn thì gia đình mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Đóng góp xây dựng quê hương
Sau cuộc trò chuyện, ông Kpă Dò dẫn chúng tôi ra thăm điểm trường Mẫu giáo làng Lê Ngol và nhà sinh hoạt cộng đồng của làng. Đây là 2 công trình được xây dựng trên phần đất của gia đình ông cách đây đã gần chục năm. Ông Dò kể rằng, sau khi từ Campuchia trở về, ông tích cực tham gia các buổi họp làng để cùng chính quyền vận động bà con chăm chỉ làm ăn, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu. Từ đó, ông nhận thấy người dân trong làng không có nhà sinh hoạt cộng đồng nên mỗi lần tổ chức hội họp đều phải mượn nhà dân. Cũng trong thời điểm này, ông chứng kiến nhiều đứa trẻ trong làng bỏ học vì đường đến trường xa nhưng bố mẹ không thể đưa đón. Trước thực tế đó, ông Dò đã bàn với vợ rồi đến UBND xã trình bày quyết định hiến 800 m2 đất ở của gia đình để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và điểm trường làng Lê Ngol. Có đất, năm 2008, huyện Chư Sê đã đầu tư xây dựng 2 công trình này với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Điều đáng nói là phần đất ông hiến rộng rãi nên các cháu có điều kiện vui chơi. Đặc biệt, mới đây, ông vận động mỗi hộ dân trong làng đóng góp 50 ngàn đồng để mua bồn đựng nước cho điểm trường. Riêng gia đình ông hỗ trợ bơm nước sinh hoạt cho các cháu. “Việc hiến đất xây 2 công trình này không chỉ xuất phát từ ý nguyện của tôi mà còn là tâm ý của vợ và các con. Đồng thời, đây cũng là mong mỏi của bà con nên tôi rất phấn khởi”-ông Dò vui vẻ nói.
Ngoài hiến đất, ông Dò còn tích cực vận động người dân cho con đến lớp đều đặn và tham gia các buổi sinh hoạt của làng để được nghe phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, là thành viên tổ hòa giải của làng, trung bình mỗi năm, ông tham gia hòa giải thành công trên 10 vụ việc mâu thuẫn trong dân, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Đặc biệt, trong gần 10 năm làm Chi hội trưởng chi hội Nông dân làng Lê Ngol, ông Dò đã tích cực giúp đỡ người dân trong làng về cây giống, kinh nghiệm sản xuất và vận động bà con mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất. Ngoài ra, với cương vị tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, ông thường xuyên gặp gỡ, hướng dẫn tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích để nâng cao thu nhập. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, trong tổ có hơn 20 tổ viên thoát nghèo.
Nói về ông Dò , ông Kpă Amin-Trưởng thôn Lê Ngol-cho biết: Nhờ có sự hỗ trợ của ông Kpă Dò trong hiến đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng và điểm trường mẫu giáo của làng mà các hoạt động tuyên truyền của làng đảm bảo, trẻ em đi học đều đặn hơn. Không những vậy, ông Dò còn tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần giữ vững an ninh trật tự và giảm nghèo tại địa phương. Nhờ đó, đến nay, làng có 174 hộ nhưng chỉ còn 12 hộ nghèo; có 100 hộ khá, giàu với thu nhập từ 80 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm.
Hồng Thương