"Vừng ơi, mở ra"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Câu thần chú này in sâu vào tâm trí tôi suốt những năm tháng trẻ thơ. Ngày ấy, mỗi lần mượn ở đâu đó một quyển sách thì với tôi thế giới được mở ra rộng lớn biết nhường nào. 
Tôi nhớ, nhà chú Thắng ở tập thể cơ quan của bố mẹ có rất nhiều sách. Tôi cứ lấy cớ lên chơi với em Bi rồi lân la mượn sách về đọc. Dần dà mà đọc vơi cả giá sách của chú. Hồi đó có sách gì thì đọc nấy chứ làm gì có nhiều sự lựa chọn như bây giờ. Thực ra khi mon men đến nhà chú thì tôi đã xử lý xong tủ sách của bố mẹ rồi. Bố mẹ thấy tôi mê sách, thế là mỗi buổi chiều khi không phải lên lớp, mẹ lại dẫn tôi đến thư viện trường mẹ cho tôi ngồi đọc. Lúc đó, sách rất hiếm nên ít khi được mượn về nhà. Một phần là sợ sách bị thất lạc thì cô thủ thư sẽ không biết mua ở đâu để đền, phần nữa là có thể nhu cầu đọc sách nhiều nên nếu đọc tại chỗ thì phục vụ được nhiều người hơn.
Trong những quyển sách được đọc thuở bé, tôi thích nhất những tập truyện có tên rất ấn tượng “Nghìn lẻ một đêm” của Ba Tư. Tôi còn nhớ, đó là những quyển truyện tranh được tô vẽ rất đẹp mắt và gây sự chú ý đối với trẻ con. Nói thật, đối với tôi, mỗi câu chuyện mở ra một thế giới khác lạ đầy thú vị và bị cuốn hút từ câu đầu tiên đến câu cuối cùng, đặc biệt là câu thần chú “Vừng ơi, mở ra” trong thiên truyện “Alibaba và bốn mươi tên cướp”. Một thế giới thần thoại hiện ra trước mắt kích thích trí tưởng tượng của những đứa trẻ con đến vô cùng. Tôi nhớ mình đã đọc ngày đọc đêm, đọc đi đọc lại những câu chuyện ấy một cách say mê, hứng thú.
Có lẽ chính câu thần chú này đã lôi cuốn dẫn dắt tôi đi qua nhiều trang sách từ lúc tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành. Nó cũng hình thành cho tôi niềm đam mê về con chữ. Ngày đó thế giới giải trí của chúng tôi chỉ là những trò chơi dân dã, như nhảy dây, chơi ô ăn quan, rồng rắn lên mây, chơi trốn tìm… chứ làm gì có ti vi để coi. Trong xóm chắc chỉ có 1 đến 2 nhà có ti vi. Và chương trình dành cho thiếu nhi chỉ được phát tầm 15 phút với tên gọi “Những bông hoa nhỏ”. Đối với chúng tôi mà nói, 15 phút ấy là một sự đợi chờ háo hức mỗi ngày. Cứ cơm tối xong là trẻ con trong xóm hẹn nhau tụ tập lại và kéo đến nhà có ti vi để xin được xem ké chương trình dành cho trẻ con. Bởi không có nhiều lựa chọn cho việc giải trí, nên mỗi lần đứa nào có sách mới thì hầu như đều chuyển vòng tròn cho cả mấy đứa được đọc. Mà sau này, thói quen ấy cũng rơi rụng dần theo năm tháng. Và lớn hơn một chút, chúng tôi không còn được tự do tụ tập đi chơi nữa. Con gái đến tuổi ăn tuổi lớn, tuổi giữ gìn, nên bố mẹ bắt đầu kiểm soát. Vì phải đóng cửa đóng cổng ở nhà, lại không có gì để chơi, sách lại trở thành người bầu bạn. Có lẽ, thói quen đọc sách được hình thành và theo nếp kể từ những ngày tháng ấy.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Khi con tôi bắt đầu học chữ, tôi cũng tìm chọn cho con những quyển truyện tranh phù hợp với lứa tuổi của mình để kích thích trí tưởng tượng của con. Tranh thủ giai đoạn não bộ con phát triển về ngôn ngữ, tôi xen kẽ những quyển truyện chỉ có chữ thôi không có tranh minh họa. Dần dà, con tôi nói rằng “mẹ đừng mua truyện tranh cho con nữa” lúc đó tôi hiểu, con đang thích thú hơn với trí tưởng tượng của mình. Hình thành cho con một thói quen tốt là một điều không đơn giản, đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại của bố mẹ. Nhất là trong thời kỳ công nghiệp 4.0 này, các thiết bị điện tử luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với trẻ con. Chẳng thể bắt con tuyệt đối không được sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay xem các chương trình từ ti vi…, tôi có những giao ước với con về thời gian con được giải trí nhưng luôn kèm theo một điều kiện về vấn đề đọc sách. Và con tôi luôn thực hiện đúng như lời cam kết. Mỗi ngày trước khi đi ngủ, con vẫn ôm quyển truyện và bật đèn đọc sách. Thoảng hoặc con còn nhắc nhở: “Nay mẹ quên đọc sách kìa”. Dần dà, việc đọc sách đã trở thành một thói quen tốt trong ngày của con. Mỗi lần sinh nhật hoặc ngày lễ, Tết, tôi thường chở con đi nhà sách để con tự chọn cho mình một món quà đúng với sở thích. Và thật tuyệt, món quà con chọn luôn là những quyển sách với nhiều chủ đề. Con đặc biệt yêu thích những quyển bách khoa về vũ trụ. Bởi với con, thế giới ấy là một thiên đường đầy bí mật khơi gợi niềm khám phá tìm hiểu trong con.
Hôm nọ, tôi tặng con bộ sách “Nghìn lẻ một đêm”. Khi đọc đến truyện “Alibaba và bốn mươi tên cướp”, cháu tỏ ra rất thích thú. Bạn ấy say sưa kể lại theo trí nhớ cho tôi cho đến lúc ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ đêm ấy, không biết con mơ gì mà nói thành tiếng: “Vừng ơi, mở ra!”. Tôi ôm con vỗ về giấc ngủ. Thấy cả tuổi thơ mình đang ùa về trong hình ảnh của con. Tôi có một niềm tin mãnh liệt về sách. Rằng con người ta sẽ nuôi dưỡng được sự thiện lương trong tâm hồn khi làm bạn với sách. Nếu vì những xuôi ngược mưu sinh khiến tôi không có nhiều thời gian để dành cho con thì mong rằng việc hình thành thói quen đọc sách sẽ giúp con tự dung dưỡng cho mình để trong hành trình con đi, con biết cách cân bằng và trở thành một người từ tâm, hiểu biết.
NGÔ THANH VÂN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.