Vun đắp tình hữu nghị hai bên biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Huyện Đức Cơ có đường biên dài tiếp giáp với huyện Oyadav của tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Những năm qua, người dân 2 bên biên giới luôn đùm bọc yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần vun đắp tình cảm gắn bó, hữu nghị giữa 2 địa phương, 2 dân tộc.

Thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị

Không biết từ khi nào, người dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã biên giới Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) đã có mối quan hệ thân thiết với nhân dân xã Pó Nhầy (huyện Oyadav). Theo những người già kể lại, từ thời rất xa xưa, bà con ở các làng: Triel, Bua, Ba và làng Chan (xã Ia Pnôn) đã thường xuyên qua lại thăm hỏi những người anh em ở bên kia biên giới. Mặc dù các thế lực thù địch tìm mọi cách gây chia rẽ nhưng chính quyền và nhân dân 2 địa phương vẫn luôn duy trì mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, góp phần giữ gìn đường biên giới hòa bình, ổn định.

 

Người dân xã Ia Pnôn và xã Pó Nhầy thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị. Ảnh: N.S
Người dân xã Ia Pnôn và xã Pó Nhầy thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị. Ảnh: N.S

Trao đổi với chúng tôi, ông Nhâm Văn Tiến-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn, cho biết: “Trong những năm qua, thực hiện chính sách đối ngoại nhân dân, xã Ia Pnôn thường xuyên có những hoạt động giao lưu, giúp đỡ các thôn, làng bên kia biên giới. Xã đã kết nghĩa với xã Oyatung (huyện Oyadav), các làng của xã Ia Pnôn cũng kết nghĩa với các làng của xã Oyatung. Thông qua việc kết nghĩa, giao lưu, người dân 2 địa phương tích cực tham gia các hoạt động xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đặc biệt, qua việc thực hiện các nội dung kết nghĩa, nhân dân có nhiều thuận lợi trong việc qua lại quan hệ giao thương, từng bước nâng cao đời sống”.

Năm 2014, làng Lâm (xã Pó Nhầy, huyện Oyadav) và làng Sơn (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) cũng đã kết nghĩa với nhau. Kể từ ngày ấy, mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân vùng biên giới lại càng thêm thắm thiết, mặn nồng. Bà con cùng đóng góp công sức xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định. Hiện nay, đường giao thông từ làng Lâm qua trung tâm huyện Oyadav chưa được đầu tư nâng cấp nên người dân ở đây vẫn thường xuyên sang xã Ia Nan hoặc trung tâm huyện Đức Cơ để mua sắm. Mỗi lần qua biên giới, họ không quên ghé thăm những người bạn ở làng Sơn. Họ ngồi ăn với nhau một bữa cơm với cà đắng, lá mì và cá suối nhưng thấm đượm tình yêu thương, gắn bó. Cứ như thế, tình cảm mà nhân dân làng Sơn và làng Lâm dành cho nhau ngày càng thêm sâu đậm. Mỗi khi làng Sơn vào mùa thu hoạch, bà con làng Lâm lại sang giúp đỡ. Người làng Sơn cũng vậy, họ thường xuyên qua lại để giúp những người bạn kết nghĩa trong ngày mùa.

Già làng Siu Bình (làng Sơn, xã Ia Nan) cho biết: “Giờ đây, cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng các phong tục tập quán tốt đẹp của người dân ở 2 bên biên giới vẫn còn được giữ gìn và phát triển. Làng Lâm, làng Sơn vẫn duy trì các lễ hội truyền thống. Mỗi lần tổ chức lễ hội hoặc có việc làng, chúng tôi lại mời nhau và có thêm những người anh em ở bên kia biên giới sum vầy. Khi làng Lâm hay làng Sơn có việc thì già làng, trưởng thôn hoặc người có uy tín trong làng đều có mặt để chung vui. Cứ như thế, tình cảm gắn bó của bà con 2 làng ngày càng trở nên sâu đậm”.

Tình không biên giới

Chuyện tình cảm gắn bó giữa nhân dân ở 2 bên biên giới Việt Nam-Campuchia không chỉ là giữa các xã, các thôn làng mà còn được thể hiện trong mối quan hệ giữa các dòng tộc và từng gia đình. Trên địa bàn huyện Đức Cơ có hàng chục cặp vợ chồng là người Việt kết hôn với người Campuchia. Đây cũng chính là sợi dây nghĩa tình tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân 2 bên biên giới.

Anh Rơ Mah Bích-chiến sĩ Tiểu đoàn 603 thuộc lực lượng Cảnh sát vũ trang Campuchia, do thường xuyên ở biên giới nên rất có thiện cảm với người dân Việt Nam. Trong thời gian công tác tại đây, anh hay qua lại huyện Đức Cơ để mua lương thực, nước uống cho anh em trong đơn vị. Trong một lần như thế, anh đã nảy sinh tình cảm với chị Kpuih Ni-một cô gái Jrai ở làng Trol Đeng (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ). Theo phong tục người Jrai, sau khi cưới nhau, anh Rơ Mah Bích phải về sống tại nhà vợ. Tuy nhiên, do công tác đặc thù và để giữ gìn mối quan hệ 2 bên dòng tộc, anh chị thường xuyên qua lại giữa Việt Nam và Campuchia. Hai bên gia đình vợ chồng anh chị cũng thường xuyên qua lại thăm hỏi, giúp đỡ nhau. “Vợ chồng tôi thường xuyên qua lại 2 bên họ hàng và xem bên kia như quê hương thứ hai của mình. Hai gia đình cũng rất yêu thương nhau, gần gũi như người một nhà vậy”-anh Rơ Mah Bích chia sẻ.

Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.