Trước chuyến thăm chính thức Việt Nam, các nhà lãnh đạo Bulgaria đã khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước.
Quan hệ giữa Việt nam Bulgaria trong suốt 64 năm qua, dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhưng lãnh đạo cả hai nước đều mong muốn vun đắp cho mối hợp tác bạn bè truyền thống. Đó là lời khẳng định của cả Tổng thống và Thủ tướng Bulgaria trong các cuộc trò chuyện với phóng viên Đài TNVN. Vấn đề là hai nước cần thúc đẩy những chương trình, dự án cụ thể để mối quan hệ bạn bè bền vững trở nên hiệu quả và đem lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (8-2-1950), khởi đầu cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 8-1957 đã đặt nền móng và dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.
Từ năm 1950 đến 1989, quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp. Việt Nam luôn ghi nhớ những giúp đỡ quý báu của Bulgaria dành cho chúng ta về tinh thần lẫn vật chất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.
Thủ tướng Bulgaria Oresharski. |
Từ năm 1990, quan hệ hai nước bị chững lại một thời gian ngắn do Bulgaria thay đổi chế độ chính trị. Từ năm 1993, quan hệ dần được khôi phục. Thời gian gần đây, trong chính sách mở rộng và tăng cường quan hệ với các nước khu vực châu Á, Bulgaria đặc biệt quan tâm tăng cường quan hệ với Việt Nam. Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bulgaria Lê Đức Lưu, có 3 điểm tương đồng tạo nền tảng vững chắc cho mối quan hệ Việt Nam và Bulgaria trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
"Theo tôi, 3 điểm tương đồng đáng chú ý, trước hết, hai nước Việt Nam và Bulgaria đều có vị trí địa chính trị quan trọng ở Đông Nam châu Á và Đông Nam châu Âu. Vị trí đó khiến Việt Nam có thể là cửa ngõ để Bulgaria thúc đẩy quan hệ với châu Á; còn Bulgaria cũng có thể tạo cửa ngõ để Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu, đặc biệt các nước Balkan. Thứ hai, chính phủ hai nước trải qua lịch sử đều muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác và đều muốn thúc đẩy hòa bình, ổn định để phát triển. Chính phủ của Bulgaria dù là trung hữu, trung tả hay hiện nay là kỹ trị, cũng muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác quan trọng. Thứ ba, hai nước đều có mong muốn chủ động tích cực hội nhập quốc tế, đều mong muốn hòa bình ổn định để phát triển. Điểm thứ ba này rất quan trọng, giúp hai nước tin tưởng nhau hơn để thúc đẩy hợp tác"-Đại sứ Lê Đức Lưu cho biết.
Hợp tác chính trị giữa hai nước bạn bè từ hơn 64 năm qua luôn được quan tâm và duy trì ở mức cao, với nhiều chuyến thăm song phương lẫn nhau và sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Trong các cuộc hội đàm và tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao của Bulgaria đều bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức Đối tác chiến lược.
Tuy nhiên, bên cạnh hợp tác chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế vẫn được xem là chưa tương xứng và chưa khai thác hết tiềm năng. Làm sao để mối quan hệ bạn bè truyền thống trở nên hiệu quả và thiết thực hơn là câu hỏi được lãnh đạo hai nước cùng đặt ra và nỗ lực tìm câu trả lời. Việc Tổng thống và Thủ tướng Bulgaria-dù một người thuộc đảng trung hữu, một người là nhà lãnh đạo kỹ trị - có chuyến thăm chính thức Việt Nam chỉ cách nhau hơn 6 tháng, thể hiện quyết tâm và mong muốn của hai nước tạo cú hích cho tình hữu nghị bạn bè truyền thống.
Thủ tướng Bulgaria Oresharski trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV. |
Có nhiều cơ sở để có thể lạc quan tin rằng mối quan hệ song phương Việt Nam - Bulgaria sẽ trở nên hiệu quả và thiết thực hơn. Bulgaria có thế mạnh trong một số ngành như chế tạo, cung cấp và thiết kế hệ thống tưới và các sản phẩm kỹ thuật nông nghiệp, chế biến thực phẩm, pho mát, rượu vang, sữa chua; công nghiệp hóa chất, chế tạo máy, dược...
Đáng chú ý, về du lịch, mỗi năm Bulgaria đón từ 8 đến 10 triệu khách du lịch, Bulgaria có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, rất nổi tiếng. Bulgaria có thể giúp đào tạo nhiều cán bộ du lịch tiêu chuẩn châu Âu cho Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, nếu như trong quá khứ, Bulgaria đã giúp đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ giỏi cho Việt Nam, thì giờ đây, chúng ta cũng có thể tận dụng hệ thống giáo dục chất lượng cao, đạt chuẩn châu Âu nhưng giá rẻ tại Bulgaria để gửi cán bộ sang đào tạo, hoặc thúc đẩy các chương trình du học sang Bulgaria.
Trước chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Bulgaria Oresharski khẳng định: "Việt Nam là một ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính phủ Bulgaria hiện nay".
"Tham gia đoàn của tôi có 3 Bộ trưởng Nông nghiệp, Văn hóa, Giao thông và Thứ trưởng Kinh tế. Một số bộ trưởng sẽ ký kết các văn kiện quan trọng với các bộ tương ứng của Việt Nam và những người khác, tôi hy vọng, sẽ chuẩn bị các văn kiện tương tự trong tương lai. Trên cơ sở đó, tôi có thể nói rằng chuyến thăm của tôi không chỉ nhằm mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ chính trị giữa hai nước mà còn góp phần hình thành quan hệ kinh tế mật thiết hơn giữa hai nước chúng ta".
"Tham gia đoàn còn có đại diện của rất nhiều doanh nghiệp Bulgaria quan tâm hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam. Phải nói rằng các doanh nghiệp Bulgaria rất quan tâm đến Việt Nam, thậm chí, chúng tôi rất khó khăn trong việc lựa chọn các doanh nghiệp tháp tùng đoàn".
Thủ tướng Plamen Oresharski-người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Bulgaria - được đánh giá cao khi đưa ra áp dụng nhiều biện pháp kinh tế giúp vực dậy nền kinh tế đất nước này trong cơn bão khủng hoảng. Đáng chú ý có các chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện môi trường đầu tư khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sang Bulgaria. Hiện, hai nước đang thúc đẩy mô hình hợp tác kinh tế mới cũng như tìm hướng xây dựng những dự án tận dụng các Quỹ EU để tạo cú hích cho quan hệ kinh tế, đem lại những lợi ích thiết thực, cụ thể của nhân dân hai nước.
Nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ của Việt Nam đã được đào tạo, học tập tại Bulgaria và người dân hai nước luôn giữ những ấn tượng tốt đẹp về những người bạn dù ở rất cách xa về địa lý. Về phía người Bulgaria, tình cảm dành cho nhân dân Việt Nam cũng không hề đổi thay.
Theo lời bà Stoyanka-cán bộ Đại sứ quán của Việt Nam từ hàng chục năm qua: "Về tình cảm không thay đổi gì. Vẫn rất nhiều người nhớ về giai đoạn khi Bulgaria tổ chức một phong trào ủng hộ Việt Nam, lên án đế quốc Mỹ. Bulgaria tổ chức các cuộc mít tinh ở khắp nơi các địa phương, ủng hộ Việt Nam, cả ở các làng nông thôn nhỏ bé".
Theo VOV