Vì sao Việt Nam không đạt mục tiêu 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ còn chưa đầy 15 ngày nữa sẽ kết thúc năm 2022 song Việt Nam chỉ đón gần 3 triệu lượt khách quốc tế, chưa đạt 60% so với mục tiêu 5 triệu khách. Ngoài lý do thị trường, vướng mắc trong chính sách chính là một rào cản để thu hút khách nước ngoài. 

Theo VTV, tính chung 11 tháng đã trên 2,95 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Trong top 10 thị trường gửi khách hàng đầu đến Việt Nam, khách từ Hàn Quốc là nhiều nhất với 763.900 lượt, tương đương 26%, tiếp theo là Mỹ. Còn nếu tính theo khu vực, thì có 2,1 triệu lượt đến từ khu vực châu Á (chiếm trên 70%). 

Việt Nam chính thức mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15-3-2022 sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Từ Quý Thành-Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang khẳng định nhiệm vụ 1 tháng cuối năm chạy nước rút đón hơn 2 triệu khách quốc tế gần như bất khả thi, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang khó khăn như hiện nay. Ông Thành cũng lý giải: Du lịch VN chính thức mở cửa từ 15-3 nhưng thực tế phải tới 15-5 mới tháo hết những rào cản về kiểm soát dịch bệnh. Khi đó, chúng ta kỳ vọng những thị trường gần có thể bật dậy được ngay, tạo nên một mùa hè rực rỡ cho du lịch Việt. Tuy nhiên, 65% thị trường đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc… gần như mất toàn bộ. Cùng lúc, chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, kéo theo kinh tế toàn cầu căng thẳng nên thị trường Nga, khách châu Âu, Mỹ cũng coi như không thành.

Dù mở cửa du lịch khá sớm song lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 vẫn không như kỳ vọng. Ảnh: Phương Vi
Dù mở cửa du lịch khá sớm song lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 vẫn không như kỳ vọng. Ảnh: Kim Loan

Dù vậy, thị trường vẫn chỉ là một yếu tố ngoại cảnh. Khi so sánh mức độ tăng trưởng du lịch quốc tế của Việt Nam với các quốc gia mở cửa du lịch cùng thời điểm như Thái Lan, Malaysia mới thấy rõ nguyên do. Tính đến ngày 30-10, Thái Lan đã đón 7,56 triệu lượt khách nước ngoài và dự đoán sẽ vượt mục tiêu thu hút 10 triệu du khách quốc tế. Malaysia cũng đã 2 lần điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế trong năm 2022 từ 2 triệu lượt lên 4,5 triệu lượt rồi 9,2 triệu lượt. 

Trao đổi với Vietnamnet, TS. Lương Hoài Nam-chuyên gia du lịch hàng không, cho rằng: Rào cản lớn nhất chính là chính sách thị thực (visa). Ông Chris Farwell-Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh cũng so sánh: Thái Lan miễn thị thực đối với công dân của 65 quốc gia, thời gian miễn kéo dài từ 30 đến 45 ngày và trong một số trường hợp là 90 ngày. So với Thái Lan, Việt Nam không đưa ra bất kỳ chính sách nới lỏng nào về yêu cầu đi lại; ngược lại, các thủ tục còn khó khăn hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng khách quốc tế đến dù chúng ta đi trước Thái Lan trong việc mở cửa. 

Theo ông, du khách thường phàn nàn rằng họ không dễ dàng xin thị thực du lịch như trước Covid-19. Họ bị yêu cầu phải có các công ty bảo lãnh (gánh nặng mới), hoặc bị mời mọc qua các đại lý, mức phí rất cao (từ 200-500 USD nếu xin gấp, còn lệ phí chính thức chỉ 25 USD). Hay công dân các nước không thuộc danh sách được cấp e-visa (80 nước/vùng lãnh thổ) rất khó xin, chẳng hạn như Mauritius, có thể phải đợi 30 ngày và phải trả 800 USD.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài visa cũng cần xem xét các chính sách trước dịch và sau dịch, tắc ở chỗ nào, cần gỡ ở chỗ nào, gỡ cái gì. Đầu tiên là chính sách, hệ thống dịch vụ và phục vụ; sau đó là lưu thông vận chuyển. Các doanh nghiệp cũng cần tự nâng cấp mình; xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn; thúc đẩy đầu tư của địa phương về vùng, địa điểm du lịch; quảng bá du lịch; nâng cao trình độ nhân lực; tăng cường chuyển đổi số…

PHƯƠNG VI (theo Báo Vietnamnet, Thanh Niên, VTV, Đảng Cộng Sản Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm