Nâng tầm du lịch của 'Xứ sở âm điệu' Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với hệ thống hang động núi lửa đa dạng và hiếm có trên cả nước và quốc tế, tỉnh Đắk Nông kỳ vọng sẽ bảo tồn bền vững, đồng thời kết hợp với “vịnh Hạ Long thu nhỏ” hồ Tà Đùng đẩy mạnh du lịch, phát triển kinh tế.
Với những tiềm năng to lớn, tỉnh Đắk Nông kỳ vọng những năm tới lĩnh vực du lịch, dịch vụ sẽ là trụ cột trong nền kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, “Hội nghị khoa học quốc tế về hang động núi lửa (HĐNL) lần thứ 20” vừa qua đã đánh dấu một cột mốc mới về di sản văn hóa của tỉnh.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng ban Quản lý công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Ảnh: NGUỒN ẢNH: BAN QUẢN LÝ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT UNESCO ĐẮK NÔNG CUNG CẤP
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng ban Quản lý công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. NGUỒN ẢNH: BAN QUẢN LÝ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT UNESCO ĐẮK NÔNG CUNG CẤP
Phóng viên Thanh Niên có cuộc phỏng vấn với bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông về những tiềm năng này.
- PV: Là tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng Đắk Nông đã đăng cai và tổ chức thành công hội nghị tầm cỡ quốc tế, lần đầu tiên tại Việt Nam. Những kết quả đạt được từ hội nghị này có đạt được mục tiêu, kỳ vọng mà Đắk Nông đã đặt ra không thưa bà?
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh: Từ năm 2019, tỉnh Đắk Nông đã xúc tiến việc đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về HĐNL, đến năm 2022 thì chúng tôi mới tổ chức triển khai do một thời gian dài đình trệ vì dịch Covid-19, đây là một hội nghị quan trọng của Hiệp hội hang động thế giới và chưa bao giờ tổ chức tại Đông Nam Á. Vì vậy đây là một dịp rất quan trọng để tỉnh kêu gọi các nhà khoa học trên thế giới đến để cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm về quản lý, khai thác và bảo tồn HĐNL.
Trên thực tế, Đắk Nông là một trong hai khu vực duy nhất có HĐNL ở VN, và chỉ có Đắk Nông mới tập trung nhiều công sức vào việc nghiên cứu khoa học cũng như định hướng phát triển du lịch. Vì vậy, chúng tôi khá lúng túng trong việc định hướng vận hành và bảo tồn. Hội nghị lần này quy tụ các chuyên gia nghiên cứu rất nhiều năm và có đủ kinh nghiệm để chia sẻ với tỉnh các phương thức phát triển mà không làm tổn hại đến hang động; các bài báo cáo khoa học chi tiết tại hội nghị cũng đã cung cấp các tài liệu hết sức quý giá về việc vận hành các HĐNL trên thế giới cũng như các bài học kinh nghiệm về du lịch hang động.
Đặc biệt, các chuyên gia hang động lần này đã khám phá thêm 199m cho hang động dài nhất Đông Nam Á - hang C7, nâng chiều dài hang đã xác định lên đến 1.266m, tạo nên một kỷ lục mới và mở ra các cơ hội nghiên cứu khoa học trong tương lai, đây cũng là điều mà các chuyên gia đã đề cập trong quá trình đi thực địa, khu vực hang động Krông Nô có khả năng tồn tại nhiều hang động lớn cần khám phá.

Đoàn chuyên gia khảo sát, thám hiểm hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. NGUỒN ẢNH: BAN QUẢN LÝ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT UNESCO ĐẮK NÔNG CUNG CẤP
Đoàn chuyên gia khảo sát, thám hiểm hệ thống hang động núi lửa Krông Nô. NGUỒN ẢNH: BAN QUẢN LÝ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT UNESCO ĐẮK NÔNG CUNG CẤP
Phát triển đi đôi bảo tồn
- Từ các trải nghiệm thực tế, các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đã có những đánh giá, khuyến nghị nào về các giá trị khoa học và hướng bảo tồn, phát huy các lợi thế về du lịch của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông?
Với tình hình hiện nay, các hang động này cũng chứa nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là vấn đề rác thải và hoạt động bảo vệ các nhũ dung nham mới được hình thành. Việc tổ chức du lịch phải hết sức khéo léo mới tránh được các tổn hại cho hang động.
Hoạt động nông nghiệp trên bề mặt hệ thống hang động tồn tại nhiều rủi ro cho độ an toàn của các hang động núi lửa bên dưới, nếu không có biện pháp kịp thời thì khả năng sụp các nhánh hang động rất lớn.
Việc lắp đặt cầu thang gỗ và lối đi cố định có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các di sản trong hang động, việc tổ chức du lịch phải được quản lý cụ thể, không nên để tình trạng du lịch tự phát diễn ra, tất cả các hướng dẫn viên phải được đào tạo và có kỹ năng tốt để đảm bảo sự an toàn cho khách du lịch.
Hiện UBND tỉnh Đắk Nông đã giao cho UBND H.Krông Nô trực tiếp quản lý hệ thống hang động này và sau khi có các khuyến nghị của nhóm chuyên gia hang động, chúng tôi sẽ cùng nhóm tư vấn Công viên địa chất Đắk Nông soạn thảo cơ chế quản lý, vận hành, khai thác du lịch cho hệ thống này để H.Krông Nô có cơ sở thực hiện. Đây là nhiệm vụ trọng điểm trong năm tiếp theo.

Các nghệ nhân - người gìn giữ, tiếp truyền dòng chảy văn hóa. NGUỒN ẢNH: BAN QUẢN LÝ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT UNESCO ĐẮK NÔNG CUNG CẤP
Các nghệ nhân - người gìn giữ, tiếp truyền dòng chảy văn hóa. NGUỒN ẢNH: BAN QUẢN LÝ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT UNESCO ĐẮK NÔNG CUNG CẤP
Chờ đột phá của 3 điểm trụ cột
- Làm thế nào để tỉnh Đắk Nông thu hút khách du lịch, trở thành trụ cột kinh tế của tỉnh trong những năm tới?
Phát triển kinh tế du lịch là một nhiệm vụ quan trọng và không hề đơn giản, các sản phẩm du lịch đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất dịch vụ và sự đồng lòng của con người, các khó khăn về ngân sách hiện nay cũng cho thấy rõ nếu chỉ dựa vào nguồn lực của địa phương thì khoảng cách từ xuất phát điểm đến trụ cột kinh tế sẽ là một khoảng thời gian rất dài.
Vì vậy, sự tham gia của các nhà đầu tư có vai trò rất quan trọng trong việc kích thích động lực phát triển kinh tế du lịch, tuy nhiên sự phát triển du lịch của HĐNL ở H.Krông Nô, hoặc phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Tà Đùng (H.Đắk Glong) là không bền vững. Du lịch bền vững là sự đồng bộ và được quy hoạch thành các tuyến rõ ràng.
Việc công viên địa chất Đắk Nông xây dựng 3 tuyến du lịch không đơn thuần là sắp xếp các di sản thành một đường thẳng, mà mục đích lớn nhất là tạo sự kết nối các khu vực dịch vụ, du lịch với nhau. Phía bắc có HĐNL Krông Nô, phía đông có hồ Tà Đùng thì phía nam phải là trụ cột TP.Gia Nghĩa, là trung tâm của các tuyến du lịch, dịch vụ và thông tin, ba điểm trụ cột này khi phát triển đồng bộ sẽ tạo động lực cho các địa phương khác.
Công viên địa chất Đắk Nông được ví như “Xứ sở của âm điệu”. Âm điệu là âm thanh và giai điệu. Âm thanh ở đây là sự ẩn dụ về sức sống của tự nhiên, sức sống của đá, nước, cây cỏ, tượng trưng cho các di sản về địa chất và thiên nhiên, sức sống ấy cần sự tôn trọng và bảo vệ để tạo nên một miền đất xanh tươi, đầy tiềm năng phát triển; giai điệu là sự ẩn dụ về sự hoà quyện của con người, của văn hóa và sự kết nối, đồng lòng vì mục tiêu phát triển chung.
Thuật ngữ “Xứ sở của âm điệu” mang đến sự tổng hòa của ý chí phát triển của con người, sự đồng lòng của nhân dân và các cấp để tạo nên một vùng đất đầy sức sống và triển vọng.

Núi lửa Nâm Kar, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông nhìn từ trên cao. NGUỒN ẢNH: BAN QUẢN LÝ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT UNESCO ĐẮK NÔNG CUNG CẤP
Núi lửa Nâm Kar, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông nhìn từ trên cao. NGUỒN ẢNH: BAN QUẢN LÝ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT UNESCO ĐẮK NÔNG CUNG CẤP
Chặng đường để đi đến sự đồng lòng này còn rất nhiều chông gai và khó khăn, nhưng chúng tôi hi vọng rằng những công dân của “Xứ sở của âm điệu” sẽ cùng nhau đưa du lịch trở thành trở thành trụ cột kinh tế của Đắk Nông, vì đây chính là tương lai xanh của các thế hệ kế tiếp.
Theo Hoàng Ngọc (TNO)

Có thể bạn quan tâm